18/01/2025 | 19:57 GMT+7, Hà Nội

Mua xe ô tô đã từng bị tai nạn: Những điều cần biết

Cập nhật lúc: 25/08/2016, 06:54

Bên cạnh những lo lắng về độ an toàn, khả năng vận hành và giá trị thực của xe thì có rất nhiều lý do để bạn từ chối mua một chiếc xe đã từng bị tai nạn.

Những lý do không nên mua xe bị tai nạn

Bên cạnh những lo lắng về độ an toàn, khả năng vận hành và giá trị thực của xe thì những người cho rằng không nên mua xe tai nạn có những lý do sau đây:

Thứ nhất, có nhiều loại tai nạn xe hơi với các mức nặng nhẹ khác nhau, trong đó nặng nhất là xe bị đâm hỏng phần đầu. Bởi vì thông số kỹ thuật của những chiếc xe ấy đã bị sai lệch, hệ thống lái bị tác động, động cơ không còn nguyên vẹn nữa, cho dù đã được sửa chữa thì vẫn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của những người ngồi trên xe.

Thứ hai, những phần bị hỏng hóc của chiếc xe tai nạn thường được các gara thay bằng trang thiết bị, vật liệu rẻ tiền chứ không phải phụ tùng chính hãng nên rất hay gặp trục trặc về sau.

Những loại xe này khi mới mua về vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên qua một thời gian sử dụng, dù có được “tút” lại kỹ đến đâu thì xe cũng sẽ nhanh xuống máy và tốn nhiên liệu.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên mua xe ô tô từng bị tai nạn.

Thứ ba, dù bạn có gặng hỏi đến mấy thì cũng chẳng có người bán nào chịu nói thật với bạn về nguồn gốc của chiếc xe. Cho nên, sẽ vô cùng ấm ức nếu mua về chưa được bao lâu thì đã phải mang xe đi sửa, lúc đó bạn mới vỡ lẽ ra rằng chiếc xe của mình đã từng bị tai nạn giao thông. Đôi khi, chi phí tu sửa còn đắt hơn cả tiền mua ban đầu bởi vì chúng rất hay bị hỏng vặt.

Thứ tư, đa phần những người kiêng kỵ mua xe tai nạn đều cho rằng, chiếc xe đã không mang lại may mắn cho người chủ trước thì cũng sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp cho “người đến sau”.

Cuối cùng, bạn không nên mua loại xe đó bởi vì nếu bạn không ưng ý nữa thì cũng khó mà bán lại.

Nói chung, giữa người chủ và chiếc xe cần có một sự tương tác nhất định đủ để bạn hiểu và điều khiển xe dễ dàng. Với những chiếc xe mà bạn cảm thấy bất an, lo lắng khi ngồi sau vô lăng thì tốt nhất đừng nên mua, bởi vì trong quá trình lái xe rất cần sự thoải mái về tinh thần và sự tập trung cao độ để có được những chuyến đi an toàn.

Xe ô tô bị tai nạn, khi đã mua rồi rất khó bán lại.

Cách nhận biết xe ô tô đã từng bị tai nạn

Hỏi chủ xe xem xe đã từng bị tai nạn chưa. Tuy nhiên trên thực tế sẽ khó có ai trả lời thật câu hỏi này. Vì vậy, hãy tự kiểm tra chứ không nên nghe những gì người ta nói cho bạn.

Xe đã bị sửa những gì? Sẽ không thành vấn đề nếu đó là những sửa chữa tại nắp xe, cửa xe… nhưng cần tránh xa những chiếc xe bị chảy dầu hoặc đã từng hư hỏng nặng, xe bị rỉ sét đã được sơn lại (những vết rỉ sét sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại trong quá trình sử dụng).

Đề nghị chủ xe đem xe đi rửa trước khi kiểm tra để nhìn rõ hơn. Quan sát dọc thân xe, nhìn nghiêng theo chiều dọc xe và quan sát kỹ ánh sáng phản chiếu trên đó. Nếu ánh sáng phản chiếu trên chiếc xe đều thì chiếc xe có thể chưa từng bị tì vết và chăm sóc tốt.

Để nhận biết xe ô tô đã từng bị tai nạn hay chưa, hãy kiểm tra kỹ thân vỏ.

Để nhận biết xe ô tô đã từng bị tai nạn hay chưa, hãy kiểm tra kỹ thân vỏ.

Tuy nhiên, nếu ánh sáng phản chiếu không đều, chỗ sáng chỗ tối, chứng tỏ một số bộ phận trên xe đã bị sơn lại. Nếu khu vực nghi là hư hại không quá lớn và không ảnh hưởng lắm thì bạn vẫn có thể cân nhắc mua hay không. Thêm vào đó, bạn có thêm lí do để mặc cả giá xe xuống bớt một chút.

Kiểm tra tất cả những kẽ hở giữa nắp xe, cửa xe, nắp capo và thùng xe. Tất cả các khe hở này phải như nhau theo toàn bộ chiều dài xe. Nếu khe hở tại cửa xe ở trên rộng còn ở dưới lại nhỏ hơn thì có thể chiếc xe đã từng bị va quệt.

Nếu các khe hở ở bên quá nhỏ hoặc quá lớn thì hãy so sánh với cạnh bên kia của xe. Chú ý là các khe hở này phải có cùng độ lớn. Nếu như các kẽ hở chêch lệch nhau quá nhiều thì chắc chắn chiếc xe đã "dính" tai nạn.

Tìm kiếm những vết rạn giữa lớp sơn nguyên bản và lớp sơn mới. Khi trên xe có các bộ phận bị sơn lại thì sẽ dễ xuất hiện những lằn nhỏ giữa hai lớp sơn.

Hãy cố gắng kiểm tra kỹ càng vì một người thợ dù giỏi tới đâu cũng không thể làm mất hoàn toàn những dấu vết này. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm thấy những vết rạn ở một số đường viền hoặc gấp khúc do thợ không đánh giấy ráp kỹ trước khi phun sơn.

Kiểm tra kỹ những vị trí ở sau cửa xe, dưới nắp capô và thùng xe xem có vết rạn, nứt hoặc vết sơn mới.

Kiểm tra chốt của nắp capô và chốt cửa xe. Nếu chốt bị méo, lệch, chứng tỏ nắp capô đã bị sửa chữa lại và nhiều khả năng xe đã bị tai nạn. Khi mở cửa xe, bạn hãy cố kéo cửa xem bản lề của cửa có lung lay hay không. Nếu bản lề hở nhiều, chứng tỏ nó đã bị sử dụng quá nhiều.