23/11/2024 | 05:28 GMT+7, Hà Nội

Mua sắm online dịp Tết, cẩn trọng hàng giả hàng nhái

Cập nhật lúc: 09/01/2024, 14:53

Dịp Tết cận kề, nhu cầu tiêu dùng lên cao, thị trường thương mại điện tử lên ngôi cũng là lúc vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng… cũng theo đó diễn biến phức tạp hơn và người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng.

Cuối năm là thời điểm hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn. Mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng, phụ tùng linh kiện xe máy đến các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như gia vị, khăn giấy… đều có nguy cơ bị làm giả. Các hành vi sản xuất, tiếp thị, mua bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức. Điều này đã và đang gây không ít khó khăn cho công tác thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiệt hại cho cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua các lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện, bắt giữ hàng loạt các vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được đăng bán thông qua các sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng,...nhưng vẫn như “muối bỏ bể”, bởi tình trạng công khai bán hàng nhái, hàng giả trên không gian mạng vẫn rất khó kiểm soát.

Điển hình như mới đây Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội phối hợp với Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục thương mại điện tử và kinh tế số cùng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia bất ngờ kiểm tra kho hàng là căn biệt thự 5 tầng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa, thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, phát hiện nhiều hàng hoá vi phạm.

Chủ kho hàng này là một người nổi tiếng trên mạng xã hội, chuyên bán hàng qua livestream, có lượng khách mua rất lớn thông qua phát trực tiếp trên nền tảng Facebook, Shopee, TikTok... chỉ tính riêng 1 lượt livestream trên Tiktok kho hàng này đã có khoảng 15.000 người xem, trong vòng 20 ngày doanh thu đã lên tới gần 3 tỷ đồng.

Mua sắm online dịp Tết cẩn trọng hàng giả hàng nhái

Dịp cận Tết, hàng giả hàng nhái diễn biến phức tạp hơn trên thị trường người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng.

Hàng hóa tại đây đa phần là sản phẩm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng được cho là hàng Hàn Quốc, Mỹ, Canada... tuy nhiên không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2024 là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thị trường sôi động, vấn nạn hàng giả hàng nhái được dự báo tiếp tục phức tạp. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị đang đưa ra nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng, bảo vệ môi trường tiêu dùng lành mạnh cho người dân yên tâm mua sắm.

Theo Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) mua, bán trực tuyến... kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Các cơ quan chức năng nhận định, người tiêu dùng cần phải hết sức cẩn trọng khi mua sắm online vì dù rất tiện ích nhưng nếu không cẩn thận người tiêu dùng rất dễ bị lừa mua phải các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng. Đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác; đồng thời nhận định từ các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Về phía các sàn thương mại điện tử, đại diện của các đơn vị này cho biết sẽ tăng cường truy quét các mặt hàng có dấu hiệu vi phạm, đồng thời có nhiều biện pháp để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng như cho phép kiểm tra hàng trước khi nhận, bảo hiểm hàng hóa, cho phép đổi trả hàng miễn phí khi hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, chức năng đánh giá, tố cáo hàng hóa kém chất lượng.

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/mua-sam-online-dip-tet-can-trong-hang-gia-hang-nhai-114468.html