18/01/2025 | 18:02 GMT+7, Hà Nội

Mốt tiêm truyền trắng da: Trắng "xổi" mà rước bệnh dài

Cập nhật lúc: 20/07/2018, 21:25

Chính vì không hiểu biết, chị em vô tình rước những tác hại nặng nề vào thân từ phương pháp “trắng xổi” nhưng “rước bệnh dài” của phương pháp tiêm truyền trắng da.

Tiêm truyền trắng da là gì?

Trong khi những người phụ nữ châu Âu luôn tìm cách phơi nắng để có làn da nâu giòn khỏe mạnh thì phụ nữ châu Á lại chuộng mốt da trắng trẻo không tì vết.

Chính vì lẽ đó nhiều chị em cố gắng tìm đến các liệu pháp thẩm mỹ để làm trắng da. Thời gian gần đây, nhiều "tín đồ làm đẹp" được rỉ tai làm trắng da bằng phương pháp tiêm truyền trắng da.

Rất nhiều thẩm mỹ viện to nhỏ đều có liệu trình tiêm truyền trắng da.

Rất nhiều thẩm mỹ viện to nhỏ đều có liệu trình tiêm truyền trắng da.

Tuy nhiên, chị em lại không lường trước được những tác hại nặng nề của những phương pháp được quảng cáo trắng "cấp tốc" mà lại an toàn này.

Tiêm truyền trắng da là quá trình truyền trực tiếp hóa chất làm trắng vào tĩnh mạch để làm trắng da từ “sâu bên trong”. Với phương pháp làm đẹp mới này, khách hàng phải truyền trắng theo liệu trình từ 5-10 buổi. Giá cả tùy thuộc vào từng spa, thẩm mỹ viện.

Hiện nay, loại thuốc tiêm truyền trắng da phổ biến nhất là glutathione chứa thành phần vitamin C hoặc thuốc gồm nhóm tẩy sừng như AHA, BHA và thành phần ức chế tổng hợp melanin như arbutin hay axit azelaic…

Tác hại của tiêm truyền trắng da

Những loại làm trắng cấp tốc trong thời gian ngắn chỉ hại thân vì nó không khác mấy với hình thức lột da, lấy đi lớp bì mỏng bảo vệ khiến da dễ dàng phát sinh bệnh tật.

Với trường hợp tiêm truyền, thuốc trắng da đi vào tĩnh mạch sẽ ức chế quá trình sản sinh melanin khiến cho da trắng lên. Tuy nhiên, đi kèm với chức năng này thì thuốc cũng mang lại tác dụng phụ là gây phát ban, dị ứng.

Tác dụng phụ nguy hiểm khác là sẽ khiến tử vong với những người có hội chứng Stevens-Johnson (SJS) và ly hoại tử thượng bì (TEN). Người dùng bừa bãi cũng có thể bị rối loạn chức năng tuyến giáp, rối loạn chức năng thận gây suy thận.

Hơn nữa, chất tiêm truyền trắng da phổ biến hiện nay là glutathione. Sản phẩm này được sản xuất để ngăn ngừa tác dụng phụ trong quá trình trị liệu ung thư hoặc trong quá trình điều trị nghiện rượu, hen suyễn, ung thư, bệnh tim, các bệnh liên quan về gan, các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, bệnh mất trí nhớ và cả vô sinh ở nam giới…

Những ống tiêm truyền trắng da được quảng cáo hết lời trên mạng.

Những ống tiêm truyền trắng da được quảng cáo hết lời trên mạng.

Tuy nhiên, chất này dành cho những trường hợp trên là nguyên chất và có giá thành rất cao. Vì thế, những ống tiêm truyền glutathione trên thị trường có giá thành bình dân khó có thể đảm bảo đúng chất lượng.

Điều này đã được chứng minh khi rất nhiều chị em tiêm truyền trắng da đã phải nhập viện vì liệu trình này. Điển hình như chị Nguyễn thị H. (29 tuổi, Hà Nội) nhập viện đầu tháng 5 trong tình trạng tụt huyết áp, khó thở.

Trước đó, từ năm 2008, Cơ quan Quản lý Y tế Phillipine (DOH) cũng đã cảnh báo về nguy cơ mắc các loại bệnh nguy hiểm vì lạm dụng các sản phẩm làm trắng da có thành phần glutathione.

Khi chị em muốn tìm đến một phương pháp làm đẹp, nhất là làm thay đổi sắc tố da phải tìm hiểu thật kỹ sản phẩm, về độ an toàn, về tác dụng phụ, về chức năng của chất làm trắng. Dù có mất thời gian lâu dài hơn nhưng nó sẽ đảm bảo cho sức khỏe.