Một số phương thức thanh toán điện tử trong giao dịch hiện nay
Cập nhật lúc: 14/07/2016, 07:04
Cập nhật lúc: 14/07/2016, 07:04
Thanh toán bằng thẻ tín dụng hiện đang là phương thức thanh toán phổ biến nhất của các giao dịch thương mại điện tử; phương thức thanh toán này hiện đang chiếm tới 90% tổng các món giao dịch cũng như doanh số bán hàng.
Ưu điểm lớn nhất của việc thanh toán bằng thẻ tín dụng đối với người mua hàng là được tiếp cận với thông tin về sản phẩm, dịch vụ và người bán hàng một cách nhanh nhất.
Việc chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, giúp cho web site bán hàng nhanh chóng xây dựng được niềm tin trong tâm trí của khách hàng tiềm năng; nâng cao được doanh thu nhờ việc tạo điều kiện mua hàng thuận lợi cho khách.
Với một chương trình thanh toán tự động thông qua thẻ tín dụng, người mua cũng như người bán hàng trong giao dịch thương mại điện tử sẽ giảm thiểu được thời gian và chi phí để xử lý séc khống, các đơn đặt hàng và các công việc liên quan đến lưu trữ chứng từ giấy.
Tuy nhiên để được chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, người bán hàng trên trực tuyến trên Internet cần phải ký kết với một đối tác cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ (Merchant Account), và trang bị phần mềm, phần cứng cần thiết để có thể chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng trên web site bán hàng của mình.
Các nhà cung cấp Merchant Account bao gồm ba nhóm chính:
- Nhà cung cấp trực tiếp, là các ngân hàng. Ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ sẽ trực tiếp chuyển các giao dịch thanh toán thẻ tín dụng trực tuyến của khách hàng đến trung tâm xử lý thẻ tín dụng.
Những đơn đặt hàng đã hoàn tất sẽ được gửi từ web site của người bán hàng đến ngân hàng thông qua cổng thanh toán “Payment Gateway”, tuyệt đối an toàn đối với các thông tin được ghi trong thẻ tín dụng.
Ngân hàng rất thận trọng trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ tín dụng cho các giao dịch trực tuyến trên Internet, chủ sở hữu thẻ tín dụng muốn sử dụng dịch vụ này phải đăng ký trực tiếp với ngân hàng.
- Nhà môi giới, hoạt động với tư cách là một trung gian giữa người bán hàng với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, qua đó giúp người bán hàng xác định rõ được nhu cầu của mình cũng như thực trạng của nhà cung cấp.
Tuy nhiên người bán hàng sẽ phải trả một tỷ lệ chiết khấu từ 2% đến 3% doanh số giao dịch cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.
- Nhà cung cấp thứ ba chuyển quá trình thanh toán thẻ tín dụng từ đơn đặt hàng trên trang web của người bán bằng chính tài khoản của họ.
Khi người bán hàng trực tuyến ký kết với nhóm các nhà cung cấp này, việc thanh toán của khách hàng sẽ được thực hiện thông qua tài khoản của nhà cung cấp Merchant Account.
Khi đó, người bán sẽ không cần phải quan tâm đến người sở hữu thẻ tín dụng vì các nhà cung cấp dịch vụ sẽ là những người trực tiếp bán hàng, còn chủ cung cấp sản phẩm dịch vụ trên Internet sẽ đóng vai trò là đại lý cung cấp hàng hoá, dịch vụ.
Chi phí cho các giao dịch theo phương thức này thường cao hơn chi phí phải trả cho những nhà cung cấp trực tiếp, nhưng bù lại người bán hàng sẽ không phải trả phí dịch vụ tối thiểu hàng tháng và không phải đặt cọc bất kỳ một khoản tiền nào, mà chỉ phải trả chi phí cho những giao dịch được thực hiện mà thôi.
Chính vì vậy, phương thức thanh toán này thường được những nhà kinh doanh trực tuyến với quy mô nhỏ quan tâm, đặc biệt là những người mới bắt đầu tiếp cận với hình thức kinh doanh này.
Vì mỗi nhóm các nhà cung cấp đưa ra các tiện ích khác nhau, nó có thể bao gồm hoặc không bao gồm các dịch vụ: Kiểm tra gian lận; Báo cáo giao dịch và doanh thu trực tuyến; Thẻ mua hàng.
Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán còn có thể giúp người bán hàng trực tuyến thực hiện thanh toán bằng các phương thức khác như: thanh toán bằng séc trực tuyến, thanh toán qua điện thoại.
Do vậy, việc lựa chọn làm việc với nhà cung cấp trực tiếp hay các nhà cung cấp thứ ba thì điều trước tiên là nó phụ thuộc vào doanh thu bán hàng hàng tháng trực tuyến, người bán hàng cần phải cân nhắc so sánh giữa tỷ lệ chiết khấu, phí giao dịch hàng tháng và các loại phí khác để lựa chọn nhà cung cấp phù hợp với mình.
Nếu qui mô giao dịch cũng như doanh thu hàng tháng là tương đối nhỏ (thường dưới 20. triệu đồng), thì người bán hàng trên mạng không nên thực hiện thanh toán qua Merchant Account, mà nên sử dụng dịch vụ của nhóm các nhà cung cấp dịch vụ thứ ba sẽ phù hợp hơn.
Ngược lại, nếu doanh thu hàng tháng tương đối cao (trên doanh số 20 triệu đồng), có thể làm việc cùng các nhà cung cấp trực tiếp với tỷ lệ chiết khấu phù hợp, phí giao dịch giảm và thời hạn thanh toán ngắn hơn.
Khi sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ ghi nợ, tiền trong tài khoản của người mua ngay lập tức sẽ được rút ra sau khi giao dịch được ấn định.
Thuận lợi đối với người bán, họ có thể biết người mua có tiền để mua hàng thực sự hay không. Còn đối với người mua, việc thanh toán sẽ được thực hiện ngay lập tức cho từng giao dịch, vì vậy họ sẽ tránh được những “cú sốc” thẻ tín dụng khi ngân hàng gửi các bản kê đến.
Tuy nhiên, để thực hiện thanh toán theo phương pháp này, trước tiên người bán cần phải liên hệ với các nhà cung cấp Merchant Account để mình có thể chấp nhận thanh toán bằng hình thức này không?
Hiện tại việc thanh toán bằng thẻ ghi nợ vẫn chưa thực sự phổ biến, hơn nữa khách hàng vẫn muốn tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế số tiền ghi nợ ở mức tương đương 1 triệu đồng (khoảng 50 USD).
Do vậy, để phương thức thanh toán này trở nên phổ biến, thì ít nhất cũng phải nhận biết được tác dụng và thuận lợi của việc sử dụng phương pháp này.
Phương thức thanh toán bằng séc hiện chiếm tới 11% tổng các giao dịch trực tuyến. Tuy phương thức này khá phức tạp, sau khi giao dịch trực tuyến được thực hiện, người mua phải ra khỏi mạng và gửi séc qua thư đến cho người bán
Để gia tăng tiện ích cho người sử dụng phương thức thanh toán này, “séc trực tuyến” ra đời với nhiều ưu điểm hơn là việc sử dụng séc giấy truyền thống.
Quá trình thanh toán bằng séc trực tuyến: “Séc trực tuyến” hay còn được gọi là “séc điện tử” thực chất là một loại “séc ảo”, nó cho phép người mua thanh toán bằng séc qua mạng Internet.
Người mua sẽ điền vào form (nó giống như một quyển séc được hiển thị trên màn hình) các thông tin về ngân hàng của họ, ngày giao dịch và trị giá của giao dịch, sau đó nhấn nút “send” để gửi đi. Tất cả những thông tin đó hoặc sẽ được chuyển đến trung tâm giao dịch và được xử lý tại đó.
Để chấp nhận thanh toán bằng “séc trực tuyến”, người bán hàng có thể sử dụng hai cách:
- Phương pháp “Print and Pay”: “Print and Pay” có nghĩa là “in và thanh toán”. Sở dĩ phương pháp này được gọi là “in và thanh toán” bởi vì người bán hàng trên Internet cần phải mua một phần mềm cho phép mình in những tấm séc ra (có thể mua của nhà cung cấp CheckMan), và chuyển séc đó đến ngân hàng của mình để nhận tiền.
Quá trình xử lý séc trực tuyến cũng giống như séc thông thường, chính vì vậy người bán hàng cần phải đợi đến khi séc được chuyển đến ngân hàng và phải được chứng nhận chắc chắn rằng những tấm séc đó có giá trị.
Việc áp dụng phương pháp này sẽ giúp người bán hàng giảm được chi phí giao dịch nhưng nó lại tốn kém về mặt nhân công và thời gian.
- Trung tâm giao dịch: Đối với người mua, việc sử dụng trung tâm giao dịch cũng giống như việc áp dụng phương pháp “Print and Pay”, bởi vì trong cả hai phương pháp, họ đều phải nhập tất cả các thông tin trên séc vào form trực tuyến. Những thông tin đó sẽ được mã hoá và chuyển trực tiếp tới ngân hàng và sẽ được xử lý trong vòng 48 giờ.
Sau đó, toàn bộ số tiền của giao dịch sẽ được chuyển từ tài khoản của người mua sang tài khoản của người bán. Kèm theo đó, là một “báo có” trực tuyến vào tài khoản của người bán và một “báo nợ” được gửi bằng email cho người mua.
Phương pháp này nhanh hơn phương pháp “Print and Pay” bởi vì tất cả các thông tin cần thiết của khách hàng sẽ được nhập trực tiếp trên mạng ngay khi giao dịch đang được thực hiện, và những tấm séc đó luôn được đảm bảo có giá trị.
Ngoài việc cho phép người bán hàng chấp nhận thanh toán trực tuyến, cả hai phương pháp trên còn cho phép người bán hàng thanh toán qua điện thoại hoặc fax, vì khi đó họ có thể kiểm tra các thông tin của người mua, sau đó người bán có thể tự nhập thông tin đó vào.
Tuy nhiên, riêng đối với phương pháp “Print and Pay”, trước khi người bán quyết định sử dụng phương pháp này, cần phải chắc chắn rằng ngân hàng của mình sẽ chấp nhận loại séc này và hãy tìm kiếm nếu như người bán cần mua bất kỳ một loại giấy đặc biệt nào để in séc.
Hiện vẫn có nhiều quan niệm khác nhau về “két tiền điện tử” và cũng chưa có một tiểu chuẩn chung về két tiền điện tử. Tuy nhiên, có thể được hiểu “két tiền điện tử” là nơi lưu giữ các số thẻ tín dụng.
Két tiền điện tử là một két ảo nó có thể lưu giữ tất cả các thông tin của thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, mật khẩu, thẻ hội viên, và tất cả các số thẻ hiện có của khách hàng.
Nó sẽ tạo thuận lợi hơn cho khách hàng khi mua hàng trực tuyến, bởi vì số thẻ tín dụng của khách hàng có thể được copy từ “két tiền điện tử” và "dán" vào trong đơn đặt hàng trực tuyến, mà không cần phải nhập từ bàn phím.
Phương thức thanh toán qua thư điện tử P2P cho phép các cá nhân có thể sử dụng thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng của mình để thanh toán qua thư điện tử. Quá trình thanh toán này cũng giống như việc gửi một thiệp chúc mừng qua mạng.
Ví dụ, khi ta gửi thiệp chúc mừng cho một ai đó, đầu tiên cần lựa chọn thiệp, kèm theo những lời chúc, tuy nhiên sẽ không gửi ngay cho người nhận tại hộp thư đó mà kết nối đến một trang có sẵn form để gửi thiệp chúc mừng đến cho người nhận.
Cũng như thế, với phương pháp P2P, không đơn thuần là thực hiện thanh toán bằng cách gửi email đến cho người nhận, mà cần tìm đến đường kết nối với trang có sẵn các mẫu thanh toán để gửi thư và tại trang liên kết đó, người nhận có thể tiếp tục gửi khoản tiền nhận được đến tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng của họ.
Và để thực hiện thanh toán bằng phương pháp này, người thanh toán cần phải thực hiện các bước sau: Cung cấp số tài khoản trực tuyến của công ty; Nhấn chuột vào đường link đến trang thanh toán qua thư điện tử; Nhập thêm tên của người nhận, địa chỉ email, trị giá giao dịch, và số thẻ tín dụng hay tài khoản nơi mà tiền được rút ra từ đó; Ngoài ra có thể ghi thêm các ghi chú cá nhân của người nhận nếu cần thiết.
Sau khi đã nhập đầy đủ các thông tin cần thiết, tại hộp thư của mình, người nhận sẽ: Nhận được thông báo tiền đã được gửi đến; Được cung cấp một siêu liên kết để nhận tiền và sau đó; Lựa chọn nơi gửi tiền (hoặc là được gửi vào tài khoản ngân hàng hoặc là được đưa vào thẻ tín dụng).
Ưu điểm của việc sử dụng phương pháp thanh toán này là: Các bên không cần phải cung cấp các thông tin về tài khoản của mình cho đối tác, và không phải bất kỳ đồng tiền nào cũng được chấp nhận thanh toán qua email. Do vậy người bán có thể tránh được một số rủi ro khi thanh toán qua mạng.
Trong quá trình bán một sản phẩm hay cung cấp một dịch vụ nào đó trên mạng mà khách hàng muốn giữ bí mật các thông tin về họ, hay muốn thanh toán sau khi giao dịch đã hoàn thành, thì việc áp dụng phương thức này sẽ giúp người bán dễ dàng thu hút khách hàng hơn.
11:32, 05/07/2016
14:26, 02/06/2016
15:02, 27/01/2016
11:46, 17/01/2016