24/11/2024 | 23:11 GMT+7, Hà Nội

Một người Việt “ngốn” hơn 27 lít cồn nguyên chất mỗi năm

Cập nhật lúc: 09/06/2018, 15:01

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Cung cấp thông tin về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2018” được Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Nam - Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, mức tiêu thụ, sử dụng rượu, bia của Việt Nam đang ở mức báo động và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm.

Về mức độ tiêu thụ rượu bia nếu quy đổi ra số lít cồn nguyên chất thì bình quân/người (trên 15 tuổi) ở nước ta đã tăng từ 3,8 lít trong giai đoạn 2003 – 2005 lên 6,6 lít trong giai đoạn 2008-2010 và lên tới 8,3 lít vào năm 2016. Sản lượng bia năm 2017 là 4,006 tỷ lít.

"Tỉ lệ dân số sử dụng rượu bia cao, trong đó tỉ lệ nam giới uống ở mức nguy hại cao (44,2%). Nói nôm na, trung bình nam giới Việt Nam uống 6 cốc bia hơi trong 1 lần uống", ông Nam cho hay.

Qua 13 năm, mức độ tiêu thụ cồn nguyên chất bình quân/người ở nước ta tăng 118%, tăng 30 bậc theo xếp loại của WHO, từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 quốc gia và đứng thứ 3 châu Á sau Lào và Hàn Quốc.

Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn rượu nên tác hại do sử dụng bia cũng ngày càng gia tăng.

Tình trạng uống rượu bia ở mức nguy hại đang là thách thức lớn ở Việt Nam

Tình trạng uống rượu bia ở mức nguy hại đang là thách thức lớn ở Việt Nam

Theo Báo cáo thực trạng toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe của WHO, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu nên tác hại do sử dụng bia cũng đang ngày càng gia tăng.

TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cảnh báo, lạm dụng rượu bia ở Việt Nam đang ở mức báo động và có xu hướng tăng nhanh qua các năm.

Hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới.

Trước thực trạng báo động này, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia với 6 chương và 22 điều xoay quanh một số nội dung chính như: Về quảng cáo, khuyến mại rượu, bia; quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công; địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia; huy động nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Để giảm tiêu thụ rượu bia, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, các biện pháp về giá, thuế là biện pháp hiệu quả nhất.

Trong số 166 nước báo cáo việc kiểm soát rượu bia thì hơn 10% số nước có chính sách cấm quảng cáo toàn bộ rượu bia, nhiều nước đặc biệt cấm trong các chương trình dành cho trẻ.

Trên 90% quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ rượu bia, trong đó nhiều nước thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. Tăng giá bán 25% có thể giảm 11% nhu cầu sử dụng rượu bia trung bình.

Ngoài ra, để kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, theo ông Nam, nhiều quốc gia có quy định giờ bán rượu bia.

Ở Hàn Quốc cấm toàn bộ quảng cáo đồ uống có độ cồn hơn 17%. Singapore cấm quảng cáo toàn bộ trên các chương trình dành cho trẻ em… Nhiều nước ở châu Âu cũng áp dụng chính sách cấm quảng cáo rượu bia theo khung giờ, hay chương trình dành cho trẻ em…

Những vi phạm trong quảng cáo rượu bia bị xử phạt nặng, như Pháp xử phạt 10.000 EURO cho quảng cáo rượu bia trên tạp chí hay trên Pano.

Theo Bộ Y tế, dự kiến Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ được gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 6/2018; trình Chính phủ vào tháng 10/2018 và trình Quốc hội vào tháng 9/2018.

Trong Luật có khoản đóng góp bắt buộc là giải pháp toàn diện, đầy đủ và mạnh mẽ nhất cho phòng chống tác hại rượu bia và nâng cao sức khoẻ cộng đồng.