24/04/2024 | 12:14 GMT+7, Hà Nội

Một năm tổn thất nặng nề của ngành 'công nghiệp không khói'

Cập nhật lúc: 21/12/2020, 14:20

Dịch Covid-19 đã khiến du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế. Ước tính thất thu khoảng 23 tỉ USD do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% kể từ đầu năm.

Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Bước vào năm 2020, du lịch Việt Nam có được đà và nền tảng tăng trưởng ngoạn mục 5 năm liên tục. Tháng 1/2020, lần đầu Việt Nam đón được hai triệu khách quốc tế trong một tháng. Thế nhưng, từ tháng 2/2020, dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó.

Kể từ tháng 3/2020, Việt Nam ngừng hoạt động đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch trong nước. Nhưng thị trường du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát.

Ngành du lịch đã hai lần phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa vào tháng 5/2020. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong nước, dù dịch Covid-19 nhanh chóng được khống chế tốt, Việt Nam trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới nhưng ngành du lịch không tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Theo dự báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỉ đồng (tương đương 23 tỉ USD)...

Dịch Covid-19 buộc ngành du lịch phải chuyển hướng vào tập trung phát triển du lịch nội địa. Du lịch phải cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Và du lịch trong nước là giải pháp duy nhất giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì hoạt động.

Ngành du lịch đã hai lần phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa vào tháng 5/2020 (với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam") và tháng 9/2020 (với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn"). Chương trình kích cầu du lịch nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Bằng tất cả những nỗ lực, đến hết tháng 11/2020, tổng số khách du lịch trong nước đạt 49 triệu lượt. Du lịch trong nước đã góp phần duy trì được hoạt động ở mức cầm chừng của ngành trong thời chống dịch…

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, sự tăng trưởng của các thị trường khách du lịch (nội địa và quốc tế) thời gian qua đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của du lịch Việt Nam. Tuy vậy, sự tăng trưởng này cũng khiến ngành du lịch gặp một số hạn chế và thách thức. Đó là cơ cấu khách quốc tế phụ thuộc vào một số thị trường, nhiều rủi ro, chất lượng chưa cao, một số địa phương đang có tình trạng tăng trưởng của khách Trung Quốc tỉ lệ nghịch với tăng trưởng của khách châu Âu, Nhật Bản....

Việc tăng trưởng nóng của một số thị trường làm quá tải tại một số điểm đến, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, môi trường, ảnh hưởng việc bảo đảm thương hiệu, chất lượng dịch vụ du lịch quốc gia.

Về cơ cấu thị trường theo mức độ chi tiêu và độ dài thời gian lưu trú thì tỉ lệ khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày còn ít. Do đó, ở nhiều phân khúc khách du lịch, lượng khách tuy đông nhưng giá trị thu lại từ khách du lịch chưa cao. Việc phát triển sản phẩm và thu hút khách du lịch chưa căn cứ trên nhu cầu của thị trường, chưa xác định được một cách rõ ràng các phân khúc cần tập trung đẩy mạnh khai thác và tập trung nguồn lực để khai thác. Khách vẫn chủ yếu tập trung ở các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long... nhưng chưa đều và ổn định vào các thời điểm trong năm, vẫn mang tính mùa vụ.

Trong thời gian tới, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia cũng có xu hướng khuyến khích công dân đi du lịch nội địa để bù đắp lại sự thất thu du lịch quốc tế gây khó khăn cho việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Bản thân du khách cũng có tâm lý e dè, lo ngại và đòi hỏi an toàn cao hơn khi đi du lịch. Việc quyết định đi du lịch cũng khó khăn hơn do kinh tế phục hồi chậm hoặc thu nhập bị giảm sút.

Đại diện của Vietnam Airlines cũng cho rằng hiện du khách nội địa vẫn hướng tới các sản phẩm truyền thống như đi biển thì có Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang; đi Tây Bắc thì có Sapa, Hà Giang… trong khi còn rất nhiều điểm khác hấp dẫn. Vì thế cần khảo sát và khai thác tốt hơn thị trường nội địa tiềm năng.

Đại dịch Covid-19 đã biến năm 2020 trở thành một năm ảm đạm đối với nền công nghiệp không khói trị giá hàng tỉ USD. Nhu cầu đi lại đóng băng khiến du lịch thế giới thiệt hại gần 500 tỉ USD.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), lượng khách quốc tế tính đến hết quý II/2020 năm đã giảm 65%, tương đương khoảng 440 triệu lượt. Nếu chỉ tính riêng tháng 6, con số thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều: giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng báo động hơn khi sự giảm sút nghiêm trọng này cao gấp 5 lần những thiệt hại về du lịch mà cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu năm 2009 gây ra.

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, mặc dù vaccine ngừa Covid-19 ra đời giúp nhiều du khách bớt lo âu song đến cuối năm nay, lượng khách du lịch quốc tế sẽ vẫn giảm tới cấp độ như cách đây 30 năm, khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại tới hơn 1.000 tỉ USD. Tổ chức Du lịch Thế giới kỳ vọng du lịch toàn cầu có thể bắt đầu hồi phục vào nửa sau của năm 2021. Tuy nhiên, phải mất từ 2 năm rưỡi đến 4 năm nữa thì lượng khách du lịch quốc tế trên phạm vi toàn cầu mới có thể trở lại mức độ như năm 2019 trước khi dịch Covid-19 bùng phát.