21/11/2024 | 20:26 GMT+7, Hà Nội

Du lịch Việt trước sức ép từ biến đổi khí hậu

Cập nhật lúc: 07/12/2020, 10:12

Hoạt động du lịch luôn nhạy cảm với các điều kiện môi trường tự nhiên và cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Những năm qua, nhiều khu du lịch nước ta đang bị đe dọa vì BĐKH.

Biến đổi khí hậu “đe dọa” nhiều điểm du lịch

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, BĐKH tác động trực tiếp đến cơ sở hạ tầng du lịch, hoạt động lữ hành và đặc biệt là tài nguyên du lịch, yếu tố nền tảng cho phát triển du lịch.

Nước ta có bờ biển dài hơn 3.000 km, mang lại thế mạnh về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng. Ước tính nếu nước biển dâng một mét thì 5,2% diện tích tự nhiên với 10,8% dân số sẽ bị tác động và không ít bãi biển đẹp của Việt Nam sẽ biến mất.

Ngoài ra, bão lũ, ngập úng kéo dài sẽ gây hư hại nhiều di tích lịch sử văn hoá, tài nguyên du lịch đặc biệt cho du lịch. Các công trình dịch vụ du lịch bị hư hỏng hoặc xuống cấp dưới tác động của bão lũ cường độ mạnh, các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm.

Ví dụ điển hình về tác động của BĐKH là khu du lịch Khai Long (Cà Mau) đã phải đóng cửa sau 5 năm hoạt động bởi xói lở do nước biển dâng. Khu du lịch Ana Mandara (Thừa Thiên Huế) đang chịu tác động mạnh từ nước biển dâng. Phố cổ Hội An đứng trước nguy cơ bị sạt lở và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng chịu tác động mạnh nhất của BĐKH. Tình trạng sạt lở, mặn xâm nhập ngày càng phức tạp và ảnh hưởng trên diện rộng. Trong vài năm trở lại đây, mùa nước nổi đặc trưng của du lịch miền Tây cũng không còn theo chu kỳ.

Không chỉ ảnh hưởng đến du lịch biển, BĐKH còn tác động trực tiếp đến du lịch miền núi. Nhiều thác nước nổi tiếng của khu vực Tây Nguyên liên tục bị khô hạn, cạn nước do thay đổi của thời tiết.

Phố cổ Hội An bị "đe dọa" vì biến đổi khí hậu.

Các di sản văn hoá vật chất và phi vật thể cũng bị ảnh hưởng như: Quần thể di tích kiến trúc Huế, phố cổ Hội An, nhà vườn Huế, hệ thống đền - tháp Chăm ở miền Trung. Những di sản này hàng năm phải đón nhận các trận mưa, bão gây ngập lụt. Nhiều công trình kiến trúc bị mối mọt, nấm mốc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di tích kiến trúc, di tích khảo cổ sẽ bị xuống cấp và hư hỏng do hiện tượng thời tiết cực đoan.

Tại Hội nghị Chung tay bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch do Tổng cục Du lịch mới tổ chức tại TP.Nha Trang mới đây, các đại biểu đều cho rằng, BĐKH đang ảnh hưởng nghiêm trọng và “đe dọa” đến hoạt động du lịch tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

TS Võ Quốc Đoàn nhấn mạnh, BĐKH là nguyên nhân khiến nhiều chương trình du lịch của du khách đến Việt Nam bị hủy hoặc thay đổi. Nắng nóng kéo dài khiến thời gian đi tham quan ngoài trời bị rút ngắn, thiên tai lũ lụt khiến nhiều đoàn khách phải hủy, hoãn chuyến hoặc chuyển hướng du lịch sang nơi khác.

Tất cả các biểu hiện cực đoan nêu trên của BĐKH đang thực sự là rào cản khó có thể vượt qua, trực tiếp ảnh hưởng đến việc quản lý, tổ chức triển khai thực hiện những mục tiêu chiến lược phát triển ngành Du lịch.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa lại cho biết, việc BĐKH ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trong cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng đang hiện hữu rõ rệt. Tại Khánh Hòa, nhiều chuyên gia môi trường đã cảnh báo, việc các khách sạn, khu du lịch được xây dựng với mật độ tập trung cao ở TP.Nha Trang, đặc biệt là dọc theo đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng đã làm thay đổi đáng kể cảnh quan ven vịnh Nha Trang. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai xây dựng các khu du lịch, đặc biệt là hoạt động xây dựng lấn biển đã khiến nhiều cảnh quan đặc sắc, hệ sinh thái nhạy cảm như san hô ở vùng ven biển, hải đảo bị ảnh hưởng. Lượng khách du lịch tăng cao khiến nhu cầu cung cấp nước sạch cũng như sức ép về xử lý nước thải, rác thải ngày càng lớn.

Khuyến khích phát triển du lịch thân thiện với môi trường

Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam mỗi năm đã thải ra môi trường hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa trên thế giới. Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, ở mức 0,28 - 0,73 triệu tấn. Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng gia tăng trong những năm qua đã làm giảm sức hấp dẫn của các điểm đến của du lịch Việt Nam. Điều này, nếu không có các giải pháp bảo vệ môi trường đúng mức, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, để ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường du lịch, Tổng cục Du lịch đã triển khai nhiều chương trình hành động bảo vệ môi trường khuyến khích các doanh nghiệp du lịch sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

Mới đây, Tổng cục Du lịch đã tổ chức lễ phát động bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; tổ chức hội thảo tìm giải pháp để bảo vệ môi trường trong cơ sở lưu trú và các điểm du lịch đã được đông đảo doanh nghiệp du lịch và người dân hưởng ứng, tham gia.

“Đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 phòng. Sự phát triển này một mặt đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch nhưng mặt khác cũng gây áp lực lớn lên hạ tầng và tài nguyên, một số nơi đã xảy ra tình trạng thiếu nước, thiếu điện cục bộ, lượng chất thải lớn không được xử lý kịp thời gây ô nhiễm. Theo đó, chúng tôi đã và đang chỉ đạo các Sở Du lịch kêu gọi người dân, du khách tăng cường hơn nữa việc bảo vệ môi trường”, ông nhấn mạnh.

Để phát triển du lịch bền vững cần khuyến khích phát triển loại hình, sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường.

Trước thực tế đó, đã đến lúc ngành du lịch cần sớm xây dựng kế hoạch ứng phó với tác động của BĐKH.

Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch bền vững cần khuyến khích phát triển loại hình, sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm. Hạn chế tác động của hoạt động du lịch đến môi trường tự nhiên, góp phần bảo tồn các giá trị sinh thái và đa dạng sinh học; khuyến khích và tăng cường trồng cây ở các khu, điểm du lịch, làm tăng sức hấp dẫn cảnh quan, hạn chế sự phát tán khí CO2 ra khí quyển.

Khuyến khích áp dụng mô hình Giảm thiểu chất thải – Tái sử dụng – Tái chế chất thải (3R: Reduce – Reuse – Recycle) trong hoạt động phát triển du lịch. Khuyến khích tiết kiệm năng lượng, nước và sử dụng năng lượng thay thế, theo đó du lịch sẽ góp phần tích cực trong nỗ lực tiết kiện tài nguyên và hạn chế lượng thải ra môi trường.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là nâng cao nhận thức về BĐKH và những tác động đến du lịch. Hiện nhiều nhà quản lý và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch còn “thờ ơ” trước vấn đề này.

Do vậy, chúng ta cũng cần xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ tài nguyên, các khu điểm du lịch. Việt Nam chưa có chính sách rõ ràng đối với bảo vệ tài nguyên và các khu điểm du lịch trước tác động của BĐKH.