Mỗi ngày có tới 75 chuyến bay chậm giờ, khách có quyền đòi bồi thường thế nào?
Cập nhật lúc: 23/11/2018, 07:00
Cập nhật lúc: 23/11/2018, 07:00
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho hay, trong tháng 11 vừa qua, các hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific và Vasco) đã khai thác 22.832 chuyến bay, giảm nhẹ so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, số chuyến bay chậm chuyến là 2.248, chiếm 9,8%, giảm 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017 và giảm 1,2 điểm phần trăm so với tháng trước.
Đứng đầu về tình trạng chậm chuyến là Hãng hàng không giá rẻ VietJet Air với 1.203 chuyến bay chậm trễ, chiếm 12,9% số chuyến bay khai thác của hãng này.
Tiếp đến là Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines với 780 chuyến bay chậm trễ, chiếm 8,0% số chuyến khai thác. Jetstar Pacific có 242 chuyến chậm, chiếm 8,8% chuyến khai thác. Với số lượng khai thác thấp nhất, Vasco cũng có số chuyến chậm trễ thấp nhất với 23 chuyến, chiếm tỷ lệ 2,3%.
Dù đã là tháng gần cuối năm nhưng đây là lần đầu tiên trong năm 2018 tỷ lệ chuyến bay chậm trễ giảm xuống dưới 10%. Theo đó, từ đầu năm tới nay, hầu hết các tháng đều có số chuyến bay chậm trễ chiếm trên 10%, đỉnh điểm là tháng 7 vừa qua với 19% chuyến bay bị chậm.
Trong số các nguyên nhân khiến cho tình trạng chậm chuyến xảy ra thì việc tàu bay về muộn luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong tháng 11, có tới 1.228 chuyến bay chậm trễ do tàu bay về muộn, chiếm tỷ lệ 54%. Các lý do khác khiến chuyến bay chậm trễ là do trang thiết bị và dịch vụ tại sân bay, quản lý điều hành bay, thời tiết, nguyên nhân chủ quan từ hãng hàng không...
Theo một nghiên cứu, với mỗi phút bị chậm chuyến, các hãng bay có thể mất khoảng 100 USD. Như vậy, với số lượng chuyến bay chậm trễ lên tới hàng nghìn chuyến mỗi tháng thì số tiền hao hụt mà các hãng phải gánh có lẽ còn cao hơn cả lợi nhuận thu về.
Cả hãng hàng không và khách hàng đều không muốn điều này, tuy vậy thì tình hình vẫn không hề được khắc phục, số chuyến bay chậm trễ hay hủy chuyến vẫn diễn ra "đều như cơm bữa" gây khó chịu cho hành khách.
Bên cạnh các yếu tố khách quan thì yếu tố chủ quan như cơ sở vật chất của các nhà ga như tình trạng thiếu xe đưa khách ra, thiếu xe thang, thiếu ống lồng để phục vụ hành khách cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm trễ của các chuyến bay.
Ngày 1/1/2017, Quy định hành khách đi máy bay bị chậm hay hủy chuyến chính thức có hiệu lực. Theo đó, hành khách sẽ được bồi thường từ 200.000-400.000 đồng cho chặng bay nội địa, còn quốc tế là từ 25-150 USD.
Cụ thể, Thông tư 27/2017 của Bộ GT-VT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 (quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không) và Thông tư 14/2015 (quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không), hãng bay phải thông báo cho hành khách khi chuyến bay bị chậm 15 phút trở lên
Trong thời gian chờ đợi, hãng bay phải phục vụ ăn uống cho hành khách tùy theo thời gian chậm, hủy chuyến.
Chậm từ 2 giờ phải phục vụ nước uống, từ 3 giờ trở lên phải phục vụ ăn, từ 6 giờ trở lên (đối với chuyến bay từ 7h đến trước 22h) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của sân bay
Trong trường hợp chậm trên 6 giờ vào ban đêm (từ 22h hôm trước đến trước 7h sáng hôm sau), hãng phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp.
Đồng thời, hãng hàng không có trách nhiệm chuyển đổi hành trình của hành khách trong phạm vi cung cấp dịch vụ của mình để hành khách tới điểm đến nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Có 4 mức bồi thường đối với chuyến bay trong nước và 4 mức đối với chuyến bay quốc tế, tùy vào độ dài đường bay.
Mức bồi thường hủy, chậm chuyến kéo dài đối với đường bay trong nước là từ 200.000 đồng/người/đường bay dưới 1.000 km đến 400.000 đồng/người/đường bay từ 1.000 km.
Đối với đường bay quốc tế, mức bồi thường từ 25 USD/người/đường bay dưới 1.000 km là 150 USD/người/đường bay trên 5.000 km.
Hãng hàng không tiến hành bồi thường cho khách hàng bằng tiền mặt, vé miễn cước hoặc chuyển khoản cho hành khách.
15:01, 12/10/2018
07:00, 23/09/2018
03:01, 02/08/2018
04:11, 26/07/2018