Mở phố đi bộ, nên tập trung vào chất lượng!
Cập nhật lúc: 17/12/2021, 13:33
Cập nhật lúc: 17/12/2021, 13:33
Một trong những chỉ tiêu trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” là mở rộng 3 - 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai; dự thảo tiêu chí, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng đề án để triển khai thực hiện.
Đến nay, đang hoàn thiện Đề án phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án tổ chức khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã, Đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, Đề án tổ chức không gian đi bộ hồ Thiền Quang, Đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm...
Theo phân tích của các chuyên gia, việc thành lập các tuyến phố đi bộ là xu hướng tất yếu ở các đô thị lớn trên thế giới. Một mặt, mô hình này đáp ứng nhu cầu về thương mại và du lịch của địa phương. Mặt khác, đó cũng là minh chứng cho sự phát triển về đời sống của cư dân đô thị, khi họ có thêm những không gian công cộng làm nơi vui chơi và thư giãn. Ngoài ra, việc hình thành, phát triển tuyến phố đi bộ vẫn luôn là hoạt động để thúc đẩy kinh tế.
Trao đổi với báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Phạm Hùng Cường, Trưởng Bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường ĐH Xây Dựng – Hà Nội cho biết: Phố đi bộ là một trong những loại hình tổ chức không gian ở trung tâm đô thị khá phổ biến trên thế giới, ở các nước phát triển hầu như ở trung tâm đô thị đều có phố đi bộ, đây là loại hình không gian chủ yếu ở các trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa, những khu vực thương mại, văn hóa thích hợp.
Ưu thế của phố đi bộ là tách khỏi giao thông cơ giới nên khả năng tăng cường giao tiếp giữa con người tốt hơn, các thiết kế được chi tiết hơn, tiếp cận người đi bộ rất gần và đặc biệt giao lưu văn hóa, bản sắc đô thị cũng được thể hiện trong không gian phố đi bộ.
Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, ở Hà Nội sau khi triển khai một số tuyến phố đi bộ đã cho thấy một số hiệu quả tích cực của loại hình này, phố đi bộ cho môi trường giao tiếp thuận lợi hơn so với song hành với giao thông cơ giới nên mang lại rất nhiều hiệu quả về văn hóa, xã hội và kinh tế. Trong thời gian tới các tuyến phố đi bộ sẽ được quan tâm phát triển hơn.
Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển của TP Hà Nội, TP HCM và từ bài học phát triển đô thị của các nước, chuyên gia này cho rằng: "Chúng ta mở các tuyến phố đi bộ hay sự quan tâm đối với thiết kế đô thị còn chậm".
Nói về hạn chế, khó khăn trong hình thành và phát triển của phố đi bộ hiện nay, PGS.TS Phạm Hùng Cường nhận định, khó khăn nằm ở việc đầu tư thiết kế, sắp đặt kiến trúc, tiện nghi đi kèm...nhất là đối với thiết kế đô thị.
Hiện nay việc bố trí các tuyến phố đi bộ song hành cùng giao thông cơ giới dẫn đến nhiều chức năng bị xung đột, nếu đủ điều kiện thực hiện nên thiết kế tách biệt riêng để đảm bảo về thẩm mỹ và dễ dàng tổ chức các chức năng đi kèm.
"Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đối với thiết kế đô thị, hiện nay chúng ta giải quyết chưa chọn vẹn, đã là phố đi bộ thì đầu tiên chúng ta phải tách giao thông cơ giới ra khỏi tuyến phố. Ví dụ: Xung quanh phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm hiện nay, bản chất ngay đầu tiên không phải là tuyến phố đi bộ mà là giao thông cơ giới, khi chúng ta chuyển thành phố đi bộ nảy sinh các câu chuyện về như cầu bãi đỗ xe, kết nối giao thông công cộng tới phố đi bộ... điều này chúng ta chưa giải quyết được triệt để", PGS.TS Phạm Hùng Cường chia sẻ.
Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, các tuyến phố đi bộ được thực hiện từ khá lâu, khá nhiều trên thế giới và chúng ta hoàn toàn có thể học tập để làm những thiết kế tốt hơn.
"Tôi cho rằng cái khó không phải đối với công tác thiết kế, kể cả vấn đề về giao thông cũng có thể giải quyết được nếu chúng ta có quan điểm xây dựng, thiết kế ngay từ ban đầu, tách bạch là khu vực giao thông cơ giới hay là các không gian công cộng phát triển phố đi bộ", vị chuyên gia nói.
Cũng theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, cái khó nữa là việc tạo sự hấp dẫn cho không gian phố đi bộ, cần có sự phong phú về loại hình, tạo không gian sinh động, đặc biệt hệ thống cửa hàng phải phong phú, dễ tiếp cận thì mới thu hút được.
Phân tích thêm, vị chuyên gia này cho rằng, những khu nhà ở, dân cư xung quanh các tuyến phố đi bộ cũng cần được vận động cộng đồng tham gia, và từ thiết kế đô thị để làm bật lên được từng đặc trưng chi tiết địa phương, đô thị, tạo nên một không gian thích thú, hấp dẫn giao tiếp.
Đồng thời, việc xây dựng và phát triển các tuyến phố đi bộ cũng không nên phát triển tràn lan, một trung tâm thường chọn ra 1 đến 2 tuyến phố đi bộ, nên tập trung thiết kế đô thị và trung tâm có hoạt động phong phú về văn hóa, ẩm thực, thương mại, mật độ dân cư cao...Nên lựa chọn và có đầu tư chứ không nên làm tràn lan, nếu làm được sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn.
"Ngay từ trong thời điểm quy hoạch chúng ta phải tính toán và dự kiến đâu là tuyến phố đi bộ, chứ không thể cứ thiết kế xong sau này mới chọn tuyến phố đi bộ thì rất khó, vì tuyến phố đi bộ phải nằm trong khu vực trung tâm, phải có ý đồ tổ chức thu hút các công trình thương mại, dịch vụ hay văn hóa tập trung thì mới là tuyến phố đi bộ...
Đồng thời, hiện hệ thống công trình công cộng và hệ thống đô thị Việt Nam đang có nhược điểm rất lớn là bị phân tán một cách tùy tiện, điều này rất khó phát triển thành các trung tâm, dẫn đến rất khó để lựa chọn khu vực trung tâm hạt nhân xây dựng các tuyến phố đi bộ và sẽ không tổ chức được không gian tốt", PGS.TS Phạm Hùng Cường chia sẻ.
"Từ số lượng, chúng ta nên tập trung chuyển sang chất lượng của các tuyến phố đi bộ, lựa chọn đặt tại các khu vực tuyến phố có sức hút về thương mại, văn hóa lớn, có sự kết nối đồng bộ với các hệ thống giao thông công cộng...", PGS.TS Phạm Hùng Cường nhấn mạnh.
Nguồn: https://congluan.vn/mo-pho-di-bo-nen-tap-trung-vao-chat-luong-post172586.html
15:06, 04/02/2021
14:21, 31/12/2020
15:17, 11/10/2020