24/11/2024 | 08:06 GMT+7, Hà Nội

Mở cửa kinh doanh tại các địa phương “vùng xanh”: Quyết không lơ là công tác phòng, chống dịch

Cập nhật lúc: 17/09/2021, 17:00

Từ 12h ngày 16/9, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ tại 19 quận, huyện, thị xã được mở cửa trở lại.

Mặc dù rất vui mừng trước quyết định này nhưng chính quyền các địa phương cũng như người dân tại đây đều khẳng định, việc mở cửa kinh doanh trở lại sẽ được thực hiện một cách cẩn trọng và đặt yếu tố an toàn phòng, chống dịch lên hàng đầu.

Trang bị mã QR Code, sẵn sàn bán hàng trở lại

Theo Văn bản số 3084/UBND-KGVX ngày 15/9/2021 của UBND TP. Hà Nội về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, từ 12h ngày 16/9, Thành phố cho phép mở cửa trở lại một số loại hình kinh doanh tại các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố).

Theo đó các loại hình được hoạt động trở lại gồm: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Nhiều cửa hàng ăn uống mở cửa bán hàng mang về.
Nhiều cửa hàng ăn uống mở cửa bán hàng mang về.

Ghi nhận của phóng viên tại các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình… trong buổi chiều đầu tiên mở cửa trở lại cho thấy, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh đều chú trọng tới quy định phòng, chống dịch như bố trí nước sát khuẩn, đo thân nhiệt, yêu cầu khách hàng xếp hàng giãn cách… Đặc biệt, nhiều cửa hàng ăn uống đã trang bị sẵn mã QR khổ lớn để khách hàng đến mua đồ mang về có thể khai báo y tế.

Chị Đào Thị Xuân, chủ một cửa hàng bún chả tại phố Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy) cho biết, sau khi có thông tin được mở cửa bán hàng mang về, ngay trong đêm 15/9, chị và các thành viên trong gia đình đã bắt tay vào việc dọn dẹp, khử khuẩn bàn ghế, dụng cụ nấu nướng và đăng thông báo lên Facebook để khách hàng thân thiết nắm được thông tin.

“Sau 2 tháng ngừng bán hàng, nay được hoạt động trở lại chúng tôi vui lắm, thao thức suốt cả đêm. Để được bán hàng trở lại chúng tôi cũng đã ký cam kết với phường sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, chỉ bán hàng mang về và không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người…”, chị Xuân cho biết.

Nhiều người mang xe máy đi sửa do để lâu dẫn đến tình trạng hỏng hóc, không nổ được máy.
Nhiều người mang xe máy đi sửa do để lâu dẫn đến tình trạng hỏng hóc, không nổ được máy.

Cùng chung với chị Xuân, anh Hoàng Mạnh Thắng, chủ cửa hàng bán lòng ở Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cho hay, sau khi được chính quyền địa phương phổ biến về những điều kiện để được bán hàng trở lại, gia đình đã khẩn trương chuẩn bị đầy đủ nước khử khuẩn, mã QR, bố trí riêng một nhân viên nhắc nhở khách khi tới mua hàng mang về phải giữ khoảng cách đúng quy định, đeo khẩu trang và không trò chuyện, giao tiếp quá nhiều.

“Ngày đầu mở cửa lại tuy chưa quá đông khách như trước nhưng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, chúng tôi thống nhất sẽ chuẩn bị thật kỹ và làm nghiêm túc ngay từ đầu”, anh Thắng chia sẻ.

Cùng với các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, từ trưa 16/9, các cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, mực in, sửa chữa điện tử, máy tính... cũng đã mở cửa đón khách trở lại.

Quản lý cửa hàng sửa xe Sài Gòn Motor phố Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy) cho biết, một số người phải làm việc tại nhà trong thời gian dài, hạn chế đi lại nên xe máy để lâu bị hỏng hóc, có nhu cầu sửa chữa, bảo trì. Do đó, cửa hàng đã huy động nhân viên đến từ sớm để sẵn sàng phục vụ khách khi mở cửa trở lại. Thời điểm mở cửa lại, cửa hàng cũng lưu ý thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch mà Thành phố quy định.

Siết chặt quản lý

Việc được mở cửa kinh doanh trở lại sẽ tạo điều kiện cho người dân từng bước bình thường hóa cuộc sống. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, song song với việc bán hàng, các cơ sở kinh doanh phải đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm cho biết, quận đã yêu cầu các phường phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh khi mở cửa trở lại. Theo đó, các cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại phải theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của UBND phường, được phép hoạt động khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện như: Có phương án phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của quận sau đó gửi UBND phường sở tại để phê duyệt, thực hiện theo đúng quy định. Chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ và nhân viên bán hàng, giao hàng tại cơ sở phải được tiêm vắc xin phòng Covid-19; thực hiện 5K; khai báo y tế bắt buộc hàng ngày đổi với tất cả nhân viên; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng (người dân trên địa bàn phường); thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, các cửa hàng đã chủ động trang bị mã QR.
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, các cửa hàng đã chủ động trang bị mã QR.

Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Sau khi các chủ cơ sở thực hiện được đầy đủ các nội dung trên thì mới được phép bán hàng trở lại chứ không phải cứ đến giờ là được bán.

Cũng đặt vấn đề phòng, chống dịch lên hàng đầu, bà Phan Thị Hải Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa chia sẻ: “Ngay trong sáng 16/9, để tạo điều kiện cho người dân có thể kinh doanh trở lại, phường Trung Hòa đã yêu cầu lực lượng cảnh sát khu vực kiểm tra kỹ các cửa hàng kinh doanh xem có đầy đủ điều kiện được mở cửa hay không. Đồng thời, phường cũng đề nghị các chủ cửa hàng phải ký cam kết về việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định”.

Một số cửa hàng vẫn chưa mở cửa trở lại.
Một số cửa hàng vẫn chưa mở cửa trở lại.

Còn Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận đã chỉ đạo các phường thực hiện quản lý, giám sát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động; yêu cầu các cơ sở thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, bắt buộc khai báo y tế với nhân viên, tuân thủ nghiêm 5K, quét mã QR đối với khách đến mua hàng; thường xuyên vệ sinh khử khuẩn tại cơ sở, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.

Bên cạnh đó, chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. “Quận cũng yêu cầu các phường tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. UBND các phường chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để cơ sở vi phạm quy định phòng, chống dịch hoạt động” - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh.

Nguồn: https://laodongthudo.vn/mo-cua-kinh-doanh-tai-cac-dia-phuong-vung-xanh-quyet-khong-lo-la-cong-tac-phong-chong-dich-130182.html