23/11/2024 | 11:59 GMT+7, Hà Nội

Mở cánh cửa cho trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể

Cập nhật lúc: 21/02/2019, 13:04

Tại Hội thảo lấy ý kiến DN về dự thảo Luật sửa đổi Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp một vấn đề được đánh giá là quan trọng bậc nhất đã được đưa ra liên quan tới việc mở cánh cửa cho trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể…

Tại Hội thảo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị xác định hộ kinh doanh là một loại hình DN. Chính thức hóa hộ kinh doanh bằng việc đưa hình thức kinh doanh này vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN được ông Lộc coi là một yêu cầu cấp thiết.

“Nước ta đang có đến gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, chiếm đến hơn 30% GDP, nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các DN hoạt động chính thức”, ông Lộc lý giải tại Hội thảo Lấy ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DN, Luật Đầu tư.

mo canh cua cho tren 5 trieu ho kinh doanh ca the
Nhiều ý kiến đã được thảo luận để tạo ra khung pháp lý giúp mở cánh cửa cho hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. (Ảnh: Thủy Liên)

Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư chia sẻ quan điểm này, cho biết sẽ xem xét, cân nhắc. Vì thực tế, đã có nhiều quy định để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, nhưng việc này chưa đạt được kết quả. Lý do được cho là nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại, nhất là các quy định về hoạt động của các loại hình DN trong Luật DN không phù hợp với hoạt động của mô hình hộ kinh doanh.

“Tất nhiên, liên quan đến chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể có nhiều văn bản khác (về thuế, kế toán, đất đai, lao động…) nhưng với tư cách là đạo luật gốc về DN, Luật DN cần đưa họ vào pham vi điều chỉnh”, ông Lộc chia sẻ quan điểm.

Cũng có ý kiến cho rằng, với việc chính thức hóa này, Việt Nam sẽ có ngay hàng triệu DN, dù là những DN rất nhỏ. Nhưng ông Lộc cho rằng, mục đích của đề nghị này không phải là để đếm số lượng, mà là đưa hộ kinh doanh ra ánh sáng.

Có thể nói giải pháp cần làm trong Luật DN sửa đổi lần này một mặt là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm DN chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật thuế và Luật Kế toán thời gian tới, mặt khác tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.

Theo quan điểm của luật sư Lê Văn Hà (Công ty Luật Pathlaw) tại hội thảo lấy ý kiến DN dự thảo Luật Sửa đổi Luật Đầu tư và Luật DN thì quy định như luật hiện hành là không chuẩn xác về kỹ thuật lập pháp. Nội dung của luật quy định về tổ chức, hoạt động của những đối tượng nằm ngoài phạm vi đối tượng điều chỉnh của chính bản thân luật đó.

Quan niệm DN không bao gồm hộ gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh cũng sai về nội hàm của khái niệm DN. Cần phải hiểu bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là DN, ông Hà nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hà phân tích, xét từ góc độ chính sách, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng (gần 5 triệu hộ), là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế (gần 10 triệu việc làm).

Theo luật sư Hà, sự tồn tại và phát triển của DN hộ gia đình, DN một chủ là thực tế khách quan. Ngay cả các nước phát triển cũng vẫn duy trì loại hình DN "sole proprietorship" với rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Ví dụ cơ quan SBA của chính phủ Hoa Kỳ chuyên về hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ dưới dạng "sole proprietorship".

Trong khi đó hệ thống  luật pháp Việt Nam  gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ.

Ông Hà nhấn mạnh rằng, hộ gia đình đăng ký kinh doanh là đối tượng dễ chịu tác động nhất từ các cam kết về mở cửa thị trường theo WTO, FTA và CPTPP, đặc biệt là các hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ, dịch vụ...

Kiến nghị của luật sư Hà là cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật DN bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh. Bổ sung một chương trong luật quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ đăng ký kinh doanh, hoặc phải có một văn bản luật riêng quy định về hộ gia đình đăng ký kinh doanh.

Ông Hà cũng cho rằng cần bỏ quy định có tính chất cưỡng ép và thiếu thực tiễn về việc bắt buộc chuyển đổi hộ gia đình đăng ký kinh doanh thành DN tại Điều 212 luật hiện hành.