22/11/2024 | 16:18 GMT+7, Hà Nội

Mẹo cấp cứu nhanh khi chảy máu cam

Cập nhật lúc: 27/09/2015, 23:11

Chảy máu cam xảy ra khi cơ thể bạn bị quá nóng hoặc do va chạm phần mềm và cách cấp cứu vô cùng đơn giản. Tuy nhiên nếu chảy máu cam do bệnh lý với tần suất lớn thì bạn cần tới gặp ngay bác sĩ.

Khi bị chảy máu cam chúng ta thường lập tức ngửa đầu ra sau và bịt mũi lại. Thế nhưng đây lại là cách cấp cứu sai lầm khi bị chảy máu cam. Theo các bác sĩ, nếu chúng ta ngửa đầu ra sau sẽ khiến máu chảy ngược về họng và nó có thể gây hại cho cơ thể.

Nếu máu chảy nhiều, hành động này khiến máu có thể rớt xuống dạ dày của bạn, khiến bạn bị nôn. Máu có thể khiến đường hô hấp của bạn bị nghẽn. Nặng hơn, khi máu bị nhiễm độc bởi các vi khuẩn tồn tại nơi cổ họng, bạn có thể bị viêm phổi.

Nếu bị chảy máu cam, bạn hãy áp dụng những cách sau đây:

- Khi thấy máu chảy, bóp chặt phần mềm dưới xương mũi. Cách này giúp tạo áp lực lên các mạch máu trong lỗ mũi, giúp máu đông dễ dàng hơn.

- Sau đó hơi cúi đầu về phía trước. Việc này giúp máu ở mũi chảy ra ngoài, thay vì chảy vào cổ họng. 

- Nhớ ngồi thẳng hoặc đứng sao cho đầu cao hơn tim để giảm áp lực máu, ngăn máu chảy nhiều hơn.

- Hạ thân nhiệt bằng cách đi vào một phòng điều hòa cũng giúp hạn chế tình trạng chảy máu. Bạn cũng có thể chườm đá ở vùng mũi.

Chườm đá vùng mũi cũng giúp ngừng chảy máu cam.

Chườm đá vùng mũi cũng giúp ngừng chảy máu cam.

- Không xì mũi, vì nếu làm thế máu sẽ chảy nhiều hơn. 

Nếu máu vẫn chảy quá 10 phút dù đã làm những bước nói trên 2 lần, bệnh nhân cần đến bác sĩ. Khi đã hết chảy máu cam, không nên nâng vật nặng hoặc làm việc căng thẳng, không xì mũi trong vòng 24 giờ và khi nằm cần để đầu cao hơn tim.

Bạn có thể đề phòng chứng chảy máu cam bằng cách bổ sung thêm nhiều Vitamin C qua rau xanh, hoa quả hoặc thuốc viên. Ngoài ra cũng không nên để mũi ở tình trạng quá khô, nên thường xuyên nhỏ mũi với nước muối sinh lý để đủ độ ẩm cần thiết cho mũi.