Mênh mang giữa “chốn huyền không” Yên Tử
Cập nhật lúc: 24/02/2019, 19:00
Cập nhật lúc: 24/02/2019, 19:00
Là ngọn núi thiêng gắn với câu chuyện về “Phật hoàng” Trần Nhân Tông, Yên Tử nổi tiếng với hệ thống chùa chiền và trường phái thiền Trúc Lâm, dòng thiền mang đặc sắc văn hóa Phật giáo của người Việt.
Để lên tới đỉnh non thiêng này, khách hành hương phải vượt qua cung đường khá gian nan bởi hàng nghìn bậc đá quanh co để rồi ngỡ ngàng khi đặt chân đến một nơi như hư, như thực, khiến lòng người cảm thấy mênh mang giữa “chốn huyền không”.
Hành trình lên đỉnh Phù Vân bắt đầu từ suối Giải Oan, nơi có cây cầu làm bằng đá xanh bắc ngang qua suối. Con suối có tên bắt nguồn từ truyền thuyết về vua Trần Nhân Tông. Khi tìm đến cõi Phật, đã có rất nhiều cung tần và mỹ nữ theo đến đây để cầu xin nhà vua hồi cung. Bởi một lòng theo Phật, ông đã từ chối nên các cung nữ gieo mình xuống suối tự vẫn. Thương cảm tấm lòng của họ, vua Trần Nhân Tông cho xây một ngôi chùa siêu độ để giải oan và từ đó con suối được mang tên này.
Qua suối Giải Oan là tới chùa Hoa Yên, nơi còn có các tên gọi khác là chùa Phù Vân, chùa Vân Yên nằm trên độ cao 543m với hàng cây tùng xanh rờn bao quanh. Phía trên chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu nằm ở độ cao 700m, nơi quanh năm ẩn hiện trong mây trắng.
Điểm cuối cùng của hành trình là chùa Đồng, nằm trên đỉnh cao nhất 1.068m. Chùa Đồng còn mang tên khác là Thiên Trúc Tự (chùa Cõi Phật) được xây dựng vào thời Hậu Lê. Đây từng là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông xưa kia. Vào năm 1740, bão lớn làm đổ chùa và nơi đây chỉ còn lại dấu tích các hố chôn cột trên mỏm đá.
Mùa đông năm 1930, một vị thủ nhang chùa Long Hoa (Uông Bí) đã tái tạo lại chùa Đồng bằng bê tông cốt đồng ở vị trí chùa cũ. Nhiều năm sau, các Phật tử công đức dựng lại ngôi chùa mới bằng đồng quy mô nhỏ, đặt bên cạnh ngôi chùa bằng bê tông. Đến năm 2007, chùa Đồng hiện nay mới được hoàn thành, đúc hoàn toàn từ đồng nguyên chất, có chiều cao gần 4m, rộng 12,2m, nặng 60 tấn và lấy theo mẫu chùa Dâu Keo (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Lên được đến chùa Đồng cũng chính là hành trình cuối cùng trong khu danh thắng Yên Tử. Trên đỉnh “non thiêng” Yên Tử, phóng tầm mắt nhìn cả vùng Đông Bắc rộng lớn với núi rừng mênh mông ẩn chìm trong làn mây trắng bềnh bồng nhẹ trôi, khiến lòng người cảm thấy nhẹ nhàng, phiêu diêu như đang ở chốn thần tiên.
Phóng sự ảnh: Trọng Chính