18/01/2025 | 19:07 GMT+7, Hà Nội

Máy đo thực phẩm – Đắt nhưng chưa xắt ra miếng?

Cập nhật lúc: 18/05/2016, 14:33

An toàn thực phẩm luôn là nỗi lo thường trực của các bà nội trợ. Trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, nhiều chị em nội trợ đang có nhu cầu tìm mua các thiết bị đo lường an toàn thực phẩm để chủ động kiểm tra hàng ngày. Đó là máy kiểm tra hàm lượng nitrat (NO3).

Vô cùng lo lắng về chất lượng thực phẩm trên thị trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình mình, chị Trần Thị Mùi (Thanh Trì, Hà Nội) nghe hàng xóm mách có loại máy sản xuất tại Liên bang Nga kiểm tra được dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phóng xạ… trong rau, quả, thực phẩm nên đã tìm mua một cái.

Chị Mùi cho biết, máy có thiết kế nhỏ gọn, chỉ nhỉnh hơn chiếc điện thoại di động, cho kết quả trong vòng 15 - 20 giây. Tuy nhiên, sau khi mua máy, tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia thì chị mới biết thiết bị này chỉ kiểm tra được dư lượng nitrat một hóa chất được sử dụng để bảo quản thực phẩm có thể gây ngộ độc cấp tính, gây khó thở, thiếu máu, đồng thời là tiền chất gây ung thư.

Thiết bị đo nồng độ nitrat. Ảnh: TL.

Thiết bị đo nồng độ nitrat. Ảnh: TL.

Theo thông tin khảo sát tại thị trường Hà Nội, có hai loại máy phát hiện dư lượng nitrat có trong rau, củ, quả, thịt tươi, đều có xuất xứ từ Nga với mã là SOEKS NUC-019-1 (giá 4,5 triệu đồng) và ECOTESTER (giá 6,5 triệu đồng). Hai loại máy trên đều được cài phiên bản tiếng Việt thuận tiện cho người sử dụng, trong đó có dữ liệu chỉ số hàm lượng nitrat chuẩn của hơn 60 loại thực phẩm theo quy định cho phép của WHO.

Theo ThS. Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, nhiều người tiêu dùng đang lầm tưởng thiết bị này là “chiếc máy vạn năng” giúp lựa chọn được thực phẩm an toàn, trong khi thực tế thiết bị này cũng chỉ kiểm tra được hàm lượng nitrat đơn thuần và việc chỉ kiểm tra hàm lượng nitrat không thể khẳng định thực phẩm có an toàn hay không... Kết quả thu được khi sử dụng bộ xét nghiệm nhanh chỉ mang tính sàng lọc

Nguyễn Lân Dũng cho biết, máy đo dư lượng Nitrat trên thực phẩm bán trên thị trường do Nga sản xuất được Bộ Y tế cấp phép là thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, máy chỉ đo được mỗi nitrat nên vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù nitrat tồn dư trong thực phẩm là mối nguy hại lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng ngoài ra còn nhiều chất độc hại khác mà một chiếc máy test đơn giản không thể làm được.

Đơn cử, chất bảo vệ thực vật gây hại đến sức khỏe con người có tới hơn 3 nghìn chất, chưa kể các tác nhân khác. Bên cạnh đó, chiếc máy này chỉ đo được những thực phẩm có thể cắm đầu test vào nên các loại thực phẩm như rau sẽ không đo được, đặc biệt máy không kiểm tra được nước uống.

Chung quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, phải gọi chiếc máy này là máy đo dư lượng nitrat trong thực phẩm chứ không nên gọi là máy đo an toàn thực phẩm để tránh người tiêu dùng hiểu lầm về công năng của nó. Đây là thiết bị điện tử tự động có gắn một đầu cảm ứng sẽ thay đổi độ nhạy sau một thời gian sử dụng.

Để đảm bảo thiết bị này hoạt động chính xác sau một thời gian sử dụng, người tiêu dùng cần mang thiết bị đến các cơ sở đo lường để kiểm tra. “Vì vậy, các hộ gia đình nên cân nhắc bởi số tiền đầu tư không hề nhỏ mà hiệu quả đem lại không cao”, ông Thịnh khuyên.

Qua đây, các chuyên gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng nếu chọn mua sản phẩm test nhanh thực phẩm thì phải hiểu được giới hạn sử dụng của sản phẩm, chỉ mua sản phẩm đúng nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong quá trình sử dụng cần sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Hầu hết sản phẩm thiết bị test nhanh thực phẩm đang được bán trên thị trường đã “đánh” trúng vào tâm lý của người dân lo ngại trước tình trạng mất ATVSTP. Tuy nhiên người tiêu dùng không nên lạm dụng hay tin tưởng quá nhiều vào các sản phẩm, thiết bị này có thể phát hiện nhanh chóng, chính xác và ngăn chặn được các mối nguy hại trong thực phẩm.  

Theo Viện Sinh học - Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), phải gọi chiếc máy này là máy đo dư lượng nitrat trong thực phẩm chứ không nên gọi là máy đo an toàn thực phẩm, để tránh người tiêu dùng hiểu lầm về công năng của nó. Hơn nữa, việc đo nitrat bằng máy này sẽ khó có độ chính xác vì các nguyên nhân như việc bảo quản máy, đầu cắm… Bên cạnh đó, chiếc máy này chỉ đo được những thực phẩm có thể cắm đầu test vào nên các loại thực phẩm như rau, sản phẩm dạng nước sẽ không đo được.