19/01/2025 | 01:21 GMT+7, Hà Nội

Max Mobile mập mờ bán hàng xách tay, thay thế linh kiện cũ cho khách hàng?

Cập nhật lúc: 14/12/2018, 07:00

Nguồn gốc những chiếc điện thoại không rõ ràng, chất lượng chưa biết ra sao nhưng Max Mobile luôn quảng cáo, giới thiệu cùng cam kết rằng đó là hàng “chính hãng” và việc thay thế linh kiện tại đây là mới.

Chính hãng từ những sản phẩm... "xách tay"

Chị N.M.Linh (nhân viên truyền thông, cư dân sinh sống tại Hà Nội) là một trong những người đặt ra câu hỏi về xuất xứ hợp pháp của những chiếc iPhone mà chị định mua tại Max Mobile để mang đi tặng trong những sự kiện quan hệ với đối tác.

Chị Linh cho biết, là một nhân viên của công ty luôn phải đối ngoại với các khách hàng, chị có trách nhiệm tìm những nguồn hàng giá tốt nhất nhưng chất lượng vẫn cần đảm bảo, bởi vì công ty hay nhập số lượng lớn về để tặng khách mời trong các sự kiện quan trọng.

Thế nhưng, khi chị đặt mua vài chiếc điện thoại ở một cơ sở tại Thái Hà của Max Mobile thì được nhân viên cửa hàng từ chối xuất hóa đơn với lý do là hàng xách tay. Mặc dù trước đó nhân viên đã khẳng định chắc chắn rằng Max Mobile có bán máy mới. Nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, chị đã quyết định không mua hàng ở cơ sở này nữa dù giá thành rẻ hơn nhiều chỗ khác.

Để làm hơn câu chuyện này, nhóm phóng viên đã có mặt tại cơ sở Max Mobile ở địa chỉ 106 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Tại đây, một nam nhân viên đã tư vấn cho nhóm phóng viên về các sản phẩm mới có ở cửa hàng này.

Nam nhân viên cho biết, hiện số lượng các mặt hàng iPhone ở trong kho không có nhiều, nếu khách có nhu cầu mua nhiều thì phải đặt trước vì đây là hàng xách tay. Cũng theo nhân viên này, việc xuất hoá đơn của mặt hàng này dường như là không thể. Chỉ có những hãng điện thoại được phân phối chính thức tại Việt Nam như SamSung hay Oppo… thì mới có thế xuất được hoá đơn.

Các nhân viên khẳng định việc hàng xách tay không thể xuất được hoá đơn cho khách hàng.

Các nhân viên tại Max Mobile khẳng định hàng xách tay không thể xuất được hoá đơn cho khách hàng.

Thế nhưng, khi được hỏi rằng tại sao hàng hoá xách tay được mua lại của người dùng rồi bán cho khách hàng lại được Max Mobile quảng cáo là sản phẩm mới thì nhân viên này lại không thể giải thích được. Nếu khách hàng muốn tìm hiểu sâu hơn thì nhân viên sẽ giới thiệu khách hàng gọi điện cho Giám đốc hoặc quản lý.

Trước những thắc mắc của khách hàng, nhóm phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với anh Hà - quản lý của Max Mobile về tính hợp pháp của những chiếc iPhone.

"Những máy cũ thì mình không thể xuất hóa đơn được. Mình không hề bán máy mới 100%. Tùy từng máy thôi. Những máy mới như Xiaomi chính hãng, máy Oppo chính hãng thì có bán. Nguồn hàng từ chủ yếu những người đi Nhật về, người ta xách về. Đúng là bên mình có bán iPhone Xs mới nhưng không xuất được hóa đơn vì là máy xách tay", anh Hà nói.

Nghệ thuật bán hàng của Max Mobile là lừa dối khách hàng?

Phải chăng nghệ thuật bán hàng của Max Mobile là lừa dối khách hàng?

Cũng theo anh Hà: “Máy mới thì có nhiều loại máy mới, máy chưa dùng cũng là máy mới mà. Nếu em khảo sát thì như thế người ta gọi là nghệ thuật bán hàng”.

Max Mobile thay thế linh kiện cũ cho khách hàng?

Một khách hàng N.T.Trung (Hà Nội) tìm đến Max Mobile với ý định thay một chiếc màn hình iPhone 8 Plus, qua những lời giới thiệu trên website maxmobile.vn về một “dịch vụ thay màn hình giá rẻ, chính hãng, lấy ngay” rất chu đáo, tận tình.

“Đây là những lời quảng cáo cực kỳ hấp dẫn đối với một khách hàng như tôi. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng có một chút kiến thức về công nghệ nên biết rằng, những chiếc màn hình dựng hoặc không rõ xuất xứ, không có hóa đơn nhập hàng từ thương hiệu sẽ có chất lượng kém hơn một nửa so với hàng xịn”, anh Trung cho biết.

Khi anh Trung hỏi về vấn đề này, nhân viên cửa hàng vẫn trả lời rằng, màn hình, linh kiện của cửa hàng là mới 100%, nhập thẳng chính hãng và cam kết hoàn tiền 100% nếu khách hàng không hài lòng.

Nếu có nhu cầu sâu hơn về hoá đơn thì khách hàng sẽ phải liên hệ với quản lý hoặc giám đốc của Max Mobile

Nếu có nhu cầu sâu hơn về hoá đơn thì khách hàng sẽ phải liên hệ với quản lý hoặc giám đốc của Max Mobile

Bản thân các hãng điện thoại khi thay linh kiện, sửa chữa máy đều sử dụng hàng nguyên seal, tem và gần như không lấy tiền công thay hoặc lấy rất ít. Vậy thì tại sao Max Mobile, sử dụng linh kiện được cho là nhập thẳng từ các hãng máy, lại có thể lấy giá rẻ hơn nhiều đến như vậy? Chưa kể đến tiền công Max Mobile phải trả cho thợ và chi phí cửa hàng.

Trả lời PV về vấn đề này, đại diện từ phía Max Mobile cho biết: “Hàng linh kiện thì hầu hết là mình mua những máy cũ, máy nát về để bóc linh kiện (trên website hay có quảng cáo là thu mua máy cũ) chứ không nhập từ nước ngoài vì mình không test được. Có những máy không sửa được iCloud thì họ bán những cái máy đấy, như kiểu bán linh kiện thôi. Những linh kiện từ máy đó mình sẽ bóc ra và sử dụng những cái nào còn dùng được.”

Cũng theo đại diện Max Mobile: “Luật nói là mình không được nhập khẩu nhưng mình mua lại máy của khách hàng, khách hàng muốn bán những máy không sửa được và hai bên thỏa thuận giá. Có rất nhiều máy như máy trưng bày chẳng hạn, bị hỏng iCloud hay là gì mình cũng không rõ và người ta mang đến nhiều khi còn nguyên, chưa active và bán luôn. Cái nguồn đấy ở Hà Nội rất là nhiều và mình mua lại thôi”.

Như vậy, việc Max Mobile không xuất được hóa đơn đỏ, không chỉ có nghĩa là cửa hàng sẽ không tìm lại được nguồn gốc của hàng hóa mà còn đồng nghĩa với việc không có thông tin thuế. Chưa kể, theo lời anh Hà, nguồn hàng này ở Hà Nội là rất nhiều. Phải chăng có một đường dây buôn lậu điện thoại dưới dạng xách tay nào đó ẩn mình ở đây?

Theo Nghị định 97/2007/NĐ-CP, những hành vi vi phạm quy định quản lý Nhà nước về hải quan và pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Người có hành vi trốn thuế, ngoài việc bị xử phạt hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 161 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Điều 45, Luật cạnh tranh số 23/2018/QH14 ra ngày ngày 12 tháng 6 năm 2018 cũng quy định cụ thể như sau: Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm: “Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung”.