19/01/2025 | 15:29 GMT+7, Hà Nội

Mải phát triển du lịch, “bỏ quên” việc đồng bộ hạ tầng

Cập nhật lúc: 24/04/2019, 19:01

Khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm, khách du lịch kéo về đông nghịt, nhưng cứ... "đến hẹn lại lên", Sa Pa lại thiếu nước, nguy cơ “vỡ trận” trước mùa du lịch đang hiển hiện ngay trước mắt...

Nguồn nước sạch cạn kiệt, mùa du lịch nguy cơ "vỡ trận"?

Gần như năm nào vào thời điểm tháng 3, tháng 4, thị trấn Sa Pa (Lào Cai) đều phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch, nhưng năm nay việc thiếu nước diễn ra trầm trọng nhất khi nguồn nước chính đang bị cạn kiệt kéo dài.

Theo tìm hiểu, chi nhánh cấp nước Sa Pa đang quản lý, vận hành Nhà máy xử lý nước với công suất 6.000m3/ngày, là nơi cung cấp nước chính được khai thác tại 5 nguồn: Thác Bạc, Suối Hồ 1, Suối Hồ 2, Nhà Pha. Tuy nhiên, từ Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết không có mưa nên các con suối này gần như cạn kiệt. Trong số này, Suối Hồ 2 có lượng nước tương đối lớn, nhưng thời gian gần đây, nhà máy không thể khai thác do 24 hộ dân thôn Suối Hồ chặn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Từ ngày 14/4 đến nay, do nguồn nước cạn kiệt, nhà máy xử lý nước Sa Pa chỉ cấp ra được hơn 3.000m3/ngày, đạt 1/2 công suất nhà máy và chỉ đáp ứng được từ 50% nhu cầu sử dụng của khách hàng, trong khi nhu cầu sử dụng vào những dịp cuối tuần và nghỉ lễ tăng lên 5.500 – 6.500m3/ngày.

Tại thị trấn Sa Pa, hiện chỉ còn một số hộ dân có nước dự trữ từ giếng khoan, còn hầu hết đều thiếu nước. Tận dụng thời cơ này, khắp các con đường, ngõ phố tại Sa Pa, một số đầu mối đã "nô nức" chở nước từ các xã lân cận đến bán cho các hộ dân với mức giá “cắt cổ” - 300.000 đồng đến 500.000 đồng/m3.Để tiết kiệm chi phí, nhiều hộ dân còn tự tay thiết kế đường ống dẫn nước từ trên núi, dù nguồn nước bẩn đục.

jfnvjkf

Người dân Sa Pa đang phải mua nước sạch với mức giá "cắt cổ". Nguồn: VTV.

Tình trạng thiếu nước trầm trọng đã khiến việc kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn ở Sa Pa bị ngưng trệ, các hộ kinh doanh đã ngừng nhận khách từ một tuần nay. Các hộ dân cũng như du khách đã đặt phòng đều không khỏi lo ngại nếu tình trạng cạn kiệt nguồn nước tại khu du lịch này không được khắc phục trong những ngày nghỉ lễ sắp tới.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Nhã – Giám đốc chi nhánh cấp nước huyện Sa Pa cho biết: “Tình trạng khô hạn và lượng mưa thấp hơn trung bình cùng kỳ các năm làm cho mực nước thấp, dẫn đến công suất của nhà máy nước Sa Pa giảm. Trong khi đó mức tiêu thụ nước sinh hoạt của người dân tăng đột biến, từ đầu mùa hè lượng khách du lịch cũng tăng đáng kể. Mặt khác, tại nguồn nướcSuối Hồ2, do người dân tranh chấp nguồn nước đã dẫn đến tình trạng thiếu, mất nước ở một số khu vực trên địa bàn thị trấn. Chúng tôi hiện đang cấp nước theo hình thức luân phiên, theo giờ và cố gắng khai thác triệt để nguồn nước suối hồ. Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo việc cấp nước cho nhân dân”.

Hiện UBND huyện Sa Pa đang tiến hành đàm phán với 24 hộ gia đình người bản địa có “sở hữu” 1 nguồn nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên núi. Nếu đàm phán thành công, nguồn nước này có khả năng đáp ứng khoảng 70% nước sinh hoạt cho thị trấn Sa Pa, tuy nhiên giữa cơ quan chức năng và 24 hộ dân này chưa tìm được tiếng nói chung.

Vì đâu nên nỗi?

Trao đổi với Reatimes, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch cho biết, căn nguyên của tình trạng “khát” nước sạch ở Sa Pa hay nhiều khu du lịch khác hiện nay đều xuất phát từ công chuyện quy hoạch thiếu đồng bộ: “Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật để phát triển du lịch ở Sa Pa đang chưa tính đến nhu cầu của lượng khách trong tương lai mà chỉ tính đến nhu cầu của dân số trong khu vực. Vì không dự báo trước được khả năng tăng lượng khách, đặc biệt là trong các mùa lễ và cả sự tác động của biến đổi khí hậu nên việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khả năng cung cấp nước sẽ không tương ứng khi nhà máy cung cấp được được thiết kế nhỏ hơn so với nhu cầu, nhất là khi lượng khách du lịch đang quá tải như hiện nay”.

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, hạ tầng du lịch phải gắn liền với hạ tầng xã hội, đó là bài toán tổng thể nên cần có sự đồng bộ, không thể tách rời: “Quy hoạch du lịch đang không nghĩ tới cái tổng thể. Sa Pa hiện giờ đang giống như một “đại công trường” khi tình trạng xây dựng diễn ra một cách tràn lan, trong khi hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cần phải tính đến trước như mạng lưới điện nước lại chưa tính đến. Xây dựng các công trình dịch vụ du lịch phải phù hợp với khả năng và sức chứa của điểm đến đó là bao nhiêu.

Ví dụ sức chứa về mặt hạ tầng của Sa Pa tối đa chỉ được bao nhiêu khách thì phải quản lý việc xây dựng phù hợp với sức chứa đó, chứ không phải chỉ chú trọng vào số lượng mà không quan tâm đến chất lượng du lịch ra sao”.

Ông Lương cho rằng, việc tìm kiếm nguồn nước ở vùng phụ cận hay việc đàm phán với các hộ dân có nguồn nước phát triển nông nghiệp chỉ là giải pháp tình thế. “Còn về lâu dài buộc phải quy hoạch lại một cách rõ ràng. Xây dựng nhà máy cung cấp nước tương ứng với số lượng dân và số lượng khách trong tương lai, quy mô cung cấp nước phải lớn hơn… Để làm được điều đó, phải tìm kiếm được nguồn nước và dự báo được khả năng cung cấp nước của nguồn đó trong tương lai có ổn định không, thậm chí phải làm những hồ nước để chứa nước dự trữ.”

Về vấn đề này, TS Trần Hữu Sơn, nguyên giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai cũng nhận định, muốn phát triển du lịch bền vững, phải đi đôi với việc đồng bộ cơ sở hạ tầng, không phát triển theo kiểu bất chấp tất cả, chạy theo số lượng.

Rõ ràng, tình trạng "khát" nước sạch ở Sa Pa chỉ là một hiện tượng điển hình của việc quy hoạch thiếu đồng bộ, không phải chỉ ở Sa Pa mà còn ở nhiều nơi khác, không chỉ thiếu nước, mà còn nhiều hạ tầng du lịch không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường bất động sản du lịch, tốc độ phát triển của các dự án.

Để làm rõ vấn đề này cũng như đi tìm câu trả lời cho các giải pháp, Reatimes sẽ tiếp tục đăng tải tuyến bài "Khu du lịch “khát nước”: Nhìn từ SaPa".

Kính mời quý độc giả tiếp tục theo dõi trên Reatimes.vn

Liên Liên