14/12/2024 | 10:14 GMT+7, Hà Nội

Sa Pa "khát nước” trầm trọng trước kỳ nghỉ Lễ dài ngày

Cập nhật lúc: 22/04/2019, 13:30

Thời tiết hanh khô kéo dài, cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt đã và đang khiến cuộc sống của người dân Sa Pa (Lào Cai) "đảo lộn", nguy cơ lớn "vỡ trận" trước dịp nghỉ Lễ dài ngày.

Cụ thể, gần một tuần qua, người dân đang phải tiết kiệm tối đa sử dụng nước bởi mỗi ngày nhà máy nước bơm nước cho người dân được 1-2 giờ đồng hồ không thể đủ dùng, thời tiết thì hanh khô kéo dài, lượng nước tại một số hồ tại Sa Pa cũng đã cạn khô.

Thông báo từ Nhà máy nước Sa Pa cho biết, tình trạng khan hiếm nước sẽ tạm thời chấm dứt khi trời đổ mưa nhưng từ giờ đến dịp nghỉ lễ 30-4, theo dự báo thời tiết có thể không có cơn mưa nào đủ lượng nước cung cấp cho cả thị trấn Sa Pa. Cao điểm dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đã sắp đến, phần lớn lượng phòng nghỉ tại Sa Pa đã được đặt kín hết, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ đang thiếu nước trầm trọng, các hộ kinh doanh không dám nhận thêm khách. Nếu tình trạng này kéo dài và diễn ra trong dịp nghỉ lễ 30-4 thì sợ rằng sẽ "vỡ trận". Giá 1m3 nước đã lên đến 500.000 đồng và không phải ai có tiền đều có thể mua được nước về dùng vì lượng nước cũng rất hạn chế.

Người dân mua nước mang về nhà để sử dụng. (Nguồn: CTV)

Người dân mua nước mang về nhà để sử dụng. (Nguồn: CTV)

Thông tin trên đã khiến rất đông khách du lịch đã, đang và định lựa chọn Sa Pa cho dịp  lễ 30/4-1/5 không khỏi hoang mang khi điểm đến nổi tiếng này đang thiếu nước trầm trọng ngay trước dịp nghỉ lễ.

Được biết, trước tình trạng trên, ông Tô Bá Hiếu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa (Lào Cai) cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Sa Pa đang ở mức khan hiếm chưa từng có trong nhiều năm qua. Hiện nay hồ Thác Bạc và một số hồ nước khác, là nguồn nước sạch cung cấp cho toàn bộ thị trấn Sa Pa, đã cạn khô. Để đối phó với tình trạng trên các hộ gia đình, hộ kinh doanh khách sạn gần một tuần nay phải bỏ ra 500.000 đồng/1m3 nước để sử dụng mặc dù sạch hay không còn chưa biết.

Nhiều người dân phải mua từ bên ngoài với giá 500.000 đồng/m3 để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh. (Ảnh: CTV).

Nhiều người dân phải mua từ bên ngoài với giá 500.000 đồng/m3 để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh. (Ảnh: CTV).

Để giải quyết tình trạng trên, ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho hay, trước mắt huyện sẽ chỉ đạo hỗ trợ cho 24 hộ dân sản xuất ở vùng cấp nước tại Suối Hồ 2 chuyển đổi sang trồng trọt cây khác như ngô thay vì lúa để tiết kiệm lượng nước tưới tiêu.

"Nếu thành công, nguồn nước này có khả năng đáp ứng khoảng 70% nước sinh hoạt cho thị trấn Sa Pa. Tuy nhiên, giữa cơ quan chức năng và 24 hộ dân này chưa tìm được tiếng nói chung", ông Phong chia sẻ.

Về lâu dài, tỉnh Lào Cai đang xem xét phê duyệt cho một đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy nước từ vườn quốc gia. Dự kiến trong năm 2020, nhà máy này xây dựng xong và sẽ cung cấp nước đủ cho cả thị trấn Sa Pa và cả thị trấn Sa Pa mở rộng.

Sa Pa hiện có 5 nguồn nước chính dùng để cấp nước sinh hoạt cho nhà máy nước Sa Pa: Thác Bạc, Suối Hồ 1, Suối Hồ 2, Nhà Pha. Để cung cấp nước cho Sa Pa, chi nhánh cấp nước Sa Pa đang quản lý, vận hành Nhà máy xử lý nước với công suất 6.000 m3/ngày đêm nhưng thực tế chỉ đạt 3050 m3. 

Tuy nhiên, từ Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết không có mưa nên các con suối này gần như cạn kiệt.Trong số này, Suối Hồ 2 có lượng nước tương đối lớn, nhưng thời gian gần đây, nhà máy không thể khai thác do 24 hộ dân thôn Suối Hồ chặn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó lượng khách du lịch đến Sa Pa ngày càng đông, đặc biệt là cận dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 đã khiến tình trạng thiếu nước ở đây diễn ra trầm trọng.