19/01/2025 | 02:26 GMT+7, Hà Nội

"Ma trận" thông tin quảng cáo mỹ phẩm White Doctors

Cập nhật lúc: 16/07/2018, 06:45

Dù chỉ là mỹ phẩm, nhưng hoàng loạt sản phẩm White Doctors lại được Công ty TNHH EBC Giang Điền quảng cáo như thuốc đặc trị, điều trị các bệnh, cải thiện sắc đẹp. Điều này khiến người tiêu dùng rơi vào cảnh "ma trận" thông tin không biết đâu là thật, giả.

White Doctor "nổ" mỹ phẩm như thuốc điều trị

Quảng cáo trên trang của White Doctors

Quảng cáo trên trang bán hàng của White Doctors.

Dù chỉ là mỹ phẩm, không phải thuốc điều trị bệnh nhưng các sản phẩm mang thương hiệu White Doctors do Công ty TNHH EBC Giang Điền sản xuất đều được thêu dệt bằng những từ ngữ có cánh như “đặc trị” và “điều trị” trên website "Whitedoctor.com".

Ví dụ như White Doctors – Melasma Pro, bản chất là kem hỗ trợ điều trị nám thì được quảng cáo là "kem trị nám tàn nhang thể nặng".

Đi kèm với đó là lời giới thiệu: “Kem điều trị nám chuyên nghiệp, điều trị nám thể nặng White Doctors đặc điều trị nám nặng như: Nám lì, Nám lâu năm, Tàn nhang, Đồi mồi, Đốm nâu trên mặt và cơ thể, Da tổn thương nặng do laser, IPL, lột tẩy… ra đời, giúp bạn giải quyết nổi lo về nám một cách nhanh chóng, hiệu quả”.

Các công dụng của lọ kem này quảng cáo rất hoành tráng khiến khách hàng nhẹ dạ cả tin dễ dàng mắc bẫy: “Các tính chất đặc trị thấm sâu vào da loại bỏ các loại nám nặng, nám lì, nám lâu năm, sạm da khi bạn kiên trì sử dụng; Loại bỏ hết các loại tàn nhang, đốm nâu, đồi mồi; Phục hồi da bị tổn thương nặng do laser, IPL, lột tẩy…; Ngăn ngừa nám, tàn nhang, đốm nâu quay trở lại; Làm trắng da, chống lão hóa, chống nhăn da”.

Một sản phẩm kem trị nám của White Doctor

Một sản phẩm kem trị nám của White Doctor

Một sản phẩm khác, kem điều trị mụn White Doctors Acne Pro được gắn với nhiều công dụng đặc biệt như: "điều trị mụn chuyên sâu, đồng thời có khả năng nuôi dưỡng, tái tạo da tổn thương; sau khi điều trị sẽ không tái phát”.

Còn “Kem đặc trị sẹo rỗ và sẹo lõm White Doctors Scar Clearr” thì được "nổ" với ưu điểm siêu việt vượt trội như "là sự lựa chọn tốt nhất cho các vấn đề phục hồi làn da sau mụn như: sẹo rỗ, sẹo mụn,… Công thức tái tạo da, làm đầy vết sẹo rỗ".

Các sản dưỡng trắng da cũng được quảng cáo với hàng loạt ưu điểm, công dụng mà thực tế muốn đạt được chừng đấy tác dụng, các khách hàng phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị, thực phẩm chức năng khác nhau chứ không phải chỉ đơn giản là thoa một loại mỹ phẩm mà có thể giải quyết hầu hết các vấn đề của làn da. 

Ví dụ, dưới đây là một đoạn quảng cáo khá tự tin của White doctor: “khi sử dụng sản phẩm sẽ nhận được 7 lợi ích: Làn da trắng hồng tự nhiên lên từng ngày bởi men bia được nhập từ Pháp thẩm thấu vào da loại bỏ sắc tố đen và tế bào chết; Làm mờ nếp nhăn, giảm vết thêm nám, sạm và ngăn ngừa chúng quay trở lại; Tăng độ đàn hồi và giữ mãi độ tươi trẻ cho làn da bởi các tinh chất collagen, vitamin và omega 3; Làm mờ các vết rạn da sau khi sinh, Cung cấp dưỡng ẩm cho làn da luôn căng và láng mịn bởi các tinh chất tảo spirulila và dầu oliu, tác dụng chống nắng toàn thân,…". 

Ngoài ra, nhiều sản phẩm của White Doctor còn in hàng loạt những từ ngữ tiếng Anh, thêm vào đó nhiều trang bán hàng còn quảng cáo sản phẩm này có xuất xứ nước ngoài. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn đây là những loại mỹ phẩm đắt tiền được nhập khẩu, xách tay từ nước ngoài về Việt Nam phân phối.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

Gần 100 sản phẩm được White Doctor đưa ra, trong số đó nhiều sản phẩm được quảng cáo như thuốc

Gần 100 sản phẩm được White Doctor đưa ra, trong số đó nhiều sản phẩm được quảng cáo như thuốc

Theo quy định hiện hành về quảng cáo mỹ phẩm do Bộ Y tế ban hành, các hành vi sau bị nghiêm cấm: Quảng cáo những tác dụng chưa được chứng minh, lợi dụng danh nghĩa và địa vị của tổ chức y tế, cán bộ y tế, uy tín cá nhân để quảng cáo, cấm dùng câu chữ như “mỹ phẩm này là số 1, là tốt hơn tất cả”, “mỹ phẩm này hoàn toàn vô hại, không có tác dụng phụ, không gây kích ứng...”.
 

Bên cạnh đó, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo có nêu rõ: Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng.

Như vậy, với trường hợp của công ty Công ty TNHH EBC Giang Điền (Đường số 3, KCN Giang Điền, Xã Giang Điền, Huyện Trảng Bom, Tỉnh Đồng Nai), cơ quan chức năng cần vào cuộc để kiểm tra, thanh tra, xác minh làm rõ và nếu có sai phạm cần phải xử lý nghiêm theo các quy định liên quan của pháp luật, nhằm tránh gây thiệt hại đến sức khỏe và kinh tế của người tiêu dùng.

Bộ Y tế đưa ra khái niệm để phân biệt thuốc và mỹ phẩm:

-Thuốc: là chất hoặc hỗn tạp các chất dùng cho người nhằm phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, vật liệu làm thuốc, văcxin, sinh phẩm y tế. Tân dược (tân dược) hay thuốc ta (đông dược) đều phải được sản xuất tại các nhà máy sinh sản thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sinh sản thuốc - theo tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới). Thuốc không phải là thực phẩm, phải cẩn trọng khi dùng, phải đúng liều đúng lượng.

- Mỹ phẩm: một chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với phần bên ngoài thân thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi) hoặc răng và niêm mạc mồm với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ thân thể trong điều kiện tốt. Mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh.