19/01/2025 | 12:04 GMT+7, Hà Nội

Ma lực của “giao thức tối” - phương cách marketing dụ người mua hàng

Cập nhật lúc: 25/03/2020, 06:00

Thời đại công nghệ, nhiều người “nghiện” mua hàng online là chuyện bình thường. Song, “nghiện” đến độ... nhẹ dạ cả tin, trao gửi lòng tin vào “ma quỷ” thì lại là chuyện bất bình thường.

Truy cập vào các website bán hàng, mạng xã hội, chắc ai cũng thấy những quảng cáo các loại thuốc chữa bệnh, thời trang, mỹ phẩm... đại loại như: “Nhanh tay đặt hàng, nhận ngay ưu đãi”, “Chương trình khuyến mãi chỉ áp dụng trong 3 ngày từ... đến...”, “Mỗi tháng chỉ có một chương trình khuyến mãi duy nhất hôm nay”, “Chỉ còn 01 giờ nữa là hết thời gian khuyến mãi” (có cả đồng hồ đếm ngược, thậm chí chỉ đặt thời gian khoảng 10 phút đếm ngược), “Hãy bấm vào trò chơi quay số để nhận khuyến mại 10%, 20%, 30%, 50%”, “Chương trình khuyến mãi chỉ có hiệu lực đến ngày...”, “Anh A vừa đăng ký thành công combo sản phẩm khuyến mại”, “Chị B vừa tiết kiệm được 500K” (những cái tên khách hàng chẳng biết thật hay giả, chắc 99,999% là giả)...

Ảnh minh họa.

Thế rồi, vài giờ sau, thậm chí vài tháng sau, mở website ra hoặc tình cờ thấy xuất hiện trên Facebook, người dùng vẫn thấy những quảng cáo ấy chẳng hề thay đổi chút nào.

Đó thực chất là một phương cách marketing để dụ người dùng mua hàng, thuật ngữ marketing gọi là “giao thức tối” (dark patterns).

“Giao thức tối” tác động rất mạnh đến suy nghĩ, hành vi của người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng đưa ra những quyết định bất thường, mua những thứ mà bản thân không thực sự cần. Chẳng hạn, hình ảnh đồng hồ đếm ngược và lời thông báo chỉ còn vài phút là hết thời hạn giảm giá sẽ khiến nhiều người cảm thấy không thể cầm lòng, phải click vào ô “Mua hàng ngay” hay “Đặt hàng ngay”...

Mới đây, một số chuyên gia của Đại học Princeton (Mỹ) đã khảo sát, nghiên cứu hơn 10.000 trang thương mại điện tử. Kết quả cho thấy, có ít nhất 1.200 trang thương mại điện tử sử dụng “giao thức tối” để bẫy khách hàng chi trả nhiều tiền hơn. “Giao thức tối” không phải là lựa chọn, mà chỉ là mánh khóe khiến người tiêu dùng mất tiền.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn phát hiện 15 cách mà các website bán hàng online dẫn dụ khiến người tiêu dùng dễ mất tiền hơn, chẳng hạn như gây khó ở công đoạn hủy đơn, tạo cảm giác ái ngại cho khách hàng khi không mua, dùng các tài khoản giả để tự đánh giá tốt cho mặt hàng của mình...

Từ xa xưa, theo nhà quân sự lỗi lạc thời Trung Hoa cổ đại Tôn Tử (tên thật là Tôn Vũ), dùng binh là hành động dối trá - “Binh giả, quỷ đạo dã” (tạm dịch: Dùng binh là con đường ma quỷ). Nay, 36 kế sách của “Binh pháp Tôn Tử” nổi tiếng luôn được các nhà kinh doanh online thực thi trong marketing, được coi như những triết lý kinh doanh. Trong đó, kế “Phao chuyên dẫn ngọc” (Ném ngói dụ ngọc - đưa ra miếng nhỏ để thu về cái lợi lớn) được sử dụng khá thường xuyên nhằm dụ người tiêu dùng mua hàng (mua hàng thật thì còn tha thứ được; mua phải hàng giả, hàng chất lượng thấp, giá cao, chắc phải đưa “ma quỷ” xuống... âm ty).

Người xưa nói: “Dưới cái mồi thơm tất có con cá chết”. “Giao thức tối” chính là “mồi thơm” có ma lực rất lớn. Người tiêu dùng đừng biến mình thành “cá khờ, cá dại”, cắn câu mà chết uổng, mất tiền vô ích!