22/11/2024 | 09:03 GMT+7, Hà Nội

Lý do đề xuất nạp thẻ điện thoại trả trước phải nhập số chứng minh nhân dân

Cập nhật lúc: 07/06/2020, 15:00

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu người dùng nhập số chứng minh nhân dân khi nạp thẻ điện thoại nhằm cập nhật chính xác thông tin thuê bao.

Theo đó, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua kiểm tra diện rộng vẫn phát hiện tình trạng bán sim rác của các nhà mạng trên thị trường.Trong đợt thanh tra đã tịch thu 6.900 sim đã được đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ. Tổng số tiền xử phạt khoảng 777 triệu đồng.

Theo Thanh tra Bộ, có nhiều nguyên nhân khiến sim rác vẫn tồn tại trên thị trường bao gồm việc lợi dụng quy định cá nhân, tổ chức có thể đăng ký sử dụng nhiều thuê bao để thực hiện các thủ tục đăng ký thông tin cho nhiều sim rồi thực hiện việc bán sim đã kích hoạt trước.

Ngoài ra, thanh tra Bộ phát hiện có tình trạng sao chép, trao đổi ảnh chụp chủ thuê bao, ảnh chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân giữa các đại lý để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Một trong những giải pháp được phía Thanh tra Bộ đưa ra để ngăn chặn tình trạng sim rác là yêu cầu chủ thuê bao nhập kèm số chứng minh nhân dân hoặc mã số căn cước công dân hoặc hộ chiếu, ngày cấp trong một lần nạp thẻ điện thoại.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cụ thể, Thanh tra Bộ đề xuất trong một lần nạp thẻ cần yêu cầu chủ thuê bao nhập kèm số chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu cùng ngày cấp để xác thực thông tin chủ thuê bao có chính xác hay không.

Khách hàng chỉ cần nhập số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu một lần khi nạp thẻ, nếu thông tin thuê bao đã chính xác thì những lần nạp tiền sau vào tài khoản sẽ diễn ra bình thường. Nếu thông tin chưa chính xác so với thông tin trong cơ sở dữ liệu của nhà mạng, chủ thuê bao cần được thông báo đến điểm giao dịch của nhà mạng đó để cập nhật lại thông tin chính xác và mới được tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Ngoài ra, phía Thanh tra Bộ kiến nghị các đơn vị liên quan bao gồm công an, quản lý thị trường tại địa phương phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh có biện pháp thanh tra, giám sát tình trạng mua bán sim rác ra ngoài thị trường, ngăn chặn việc lợi dụng sử dụng sim rác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ TT&TT đang tích cực vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng sim rác, sim kích hoạt sẵn.

Liên quan đến đề xuất trên, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel cho biết, hiện 80% số cuộc gọi rác đến từ sim điện thoại không chính danh, do vậy, nếu không có giải pháp mạnh thì không thể ngăn chặn được vấn nạn này. "Viettel cam kết áp dụng các giải pháp chặn nạn sim rác và từ năm 2020 không đặt mục tiêu tăng trưởng phát triển thuê bao mới", ông Tào Đức Thắng thông tin.

Trong khi đó, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone khẳng định, nhà mạng này đã nghiêm túc thực hiện việc dừng bán sim mới tại các đại lý ủy quyền. Đây là giải pháp hiệu quả ngăn chặn nạn sim rác, cuộc gọi rác; song cũng không ảnh hưởng đến các thuê bao đang hoạt động.

Còn theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, để ngăn chặn sim rác cần có biện pháp quản lý tốt hai khâu "cung" và "cầu". Trong đó, "cung" là nhà mạng, kênh phân phối và "cầu" là người dùng. 

"Việc các nhà mạng cùng cam kết dừng phát hành sim mới trên kênh phân phối từ ngày 1-6 vừa qua là một giải pháp mạnh, cũng là hành động thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý, nhà mạng nhằm chặn nguồn rác viễn thông (sim rác, tin rác, cuộc gọi rác)", ông Lê Văn Tuấn khẳng định.