22/11/2024 | 09:23 GMT+7, Hà Nội

“Lùm xùm” Tân Bình Apartment: Sở Xây dựng TP HCM dùng luật gì?

Cập nhật lúc: 26/05/2020, 19:49

Sở Xây dựng TP HCM cho rằng việc xử phạt và cho tồn tại sai phạm tại dự án Tân Bình Apartment là đúng quy định pháp luật nhưng “quy định pháp luật” nào thì Sở này lại che giấu khi được hỏi đến.

Nghi vấn làm trái Nghị định 139 của Chính phủ

Như Reatimes đã thông tin trong bài viết "Cho tồn tại sai phạm ở Tân Bình Apartment có trái Nghị định 139?", đây là trường hợp hiếm hoi được xử phạt cho tồn tại, kể từ sau khi Nghị định 139 có hiệu lực.

Được biết, Thanh tra Sở Xây dựng đã xử phạt Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình 100 triệu đồng và buộc chủ đầu tư tự tháo dỡ 11 hạng mục, công trình xây dựng sai thiết kế được duyệt. Tuy nhiên, trong 11 hạng mục này có 2 hạng mục chủ đầu tư xin được tồn tại và đã được chấp thuận.

Khách hàng căng băng rôn phản đối chủ đầu tư tại dự án Tân Bình Apartment

Theo các thông tin được công bố trên báo chí, việc UBND TP HCM chấp thuận cho tồn tại, không tháo dỡ phần diện tích vi phạm tại dự án Tân Bình Apartment, là dựa trên ý kiến đề xuất của Sở Xây dựng và Thanh tra TP.

Trước đó, UBND TP đã yêu cầu Thanh tra Sở Xây dựng vào cuộc. Để có cơ sở tham mưu cho UBND TP, Thanh tra TP đã đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng thẩm định lại kết quả kiểm tra kết cấu của công trình và có ý kiến chuyên ngành cụ thể đối với từng hạng mục vi phạm.

Từ đề nghị của Thanh tra TP, Sở Xây dựng đã giao Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng kiểm tra, tính toán lại báo cáo kiểm tra hệ kết cấu do Công ty TNHH IPC Việt lập. Theo đó, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xác định kết quả tính toán của Công ty TNHH IPC Việt lập là có cơ sở. Việc tháo dỡ các diện tích sai phép còn lại tại tầng lửng và 4 góc trục 1/A, 1/D, 9/A, 9/D sẽ gây ra tình trạng không bảo đảm ổn định và khả năng chịu lực của kết cấu tổng thể công trình. Việc gia cường chống đỡ hệ kết cấu tương đối phức tạp do liên quan đến lựa chọn đơn vị thực hiện, phê duyệt biện pháp phù hợp và thời gian có thể kéo dài… Ý kiến thẩm định của Thanh tra TP cho thấy, có hạng mục công trình không thể tiến hành tháo dỡ do ảnh hưởng đến an toàn của toàn bộ công trình.

Theo các chuyên gia, trong trường hợp tháo dỡ hạng mục sai phép ảnh hưởng đến kết cấu, vẫn có phương án khác là gia cường. Cho dù gia cường “phức tạp” nhưng không có nghĩa là không làm được. Do đó, lấy lý do gia cường “phức tạp” nên đề nghị buộc phải cho tồn tại, không tháo dỡ phần sai phạm chỉ là phép ngụy biện.

Việc xử lý công trình xây dựng sai thiết kế được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đã được quy định rõ trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ đầu năm 2018. Do vậy, việc cho phép tồn tại hay không tồn tại hạng mục sai phạm ở Tân Bình Apartment cũng không nằm ngoài quy định này. Phải chăng, TP HCM đang tìm cách hợp thức hóa cho sai phạm tại dự án này theo cách riêng, không nằm trong quy định?

Sở Xây dựng TP HCM sợ lộ điều gì mà trả lời "lấp liếm"?

Để làm rõ những khúc mắc nói trên, ngày 20/4/2020, chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị Sở Xây dựng TP HCM cung cấp thông tin liên quan đến quy trình xử lý các hạng mục sai phạm tại Dự án Tân Bình Apartment. Nội dung chúng tôi đề nghị Sở Xây dựng TP HCM phúc đáp như sau:

Thứ nhất: Việc gia cường chống đỡ hệ kết cấu, trong trường hợp tháo dỡ các diện tích sai phép tại chung cư Tân Bình Apartment, được đánh giá là tương đối phức tạp. Tại sao Sở Xây dựng đề xuất phương án cho tồn tại mà không yêu cầu chủ đầu tư mời đơn vị thiết kế, thi công có năng lực tìm phương án gia cường tốt nhất?

Thứ 2: Việc xử lý công trình xây dựng sai thiết kế được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, đã được quy định rõ trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ đầu năm 2018. Vậy tại chung cư Tân Bình Apartment, việc đề xuất cho tồn tại phần sai phép căn cứ vào Điều, Khoản nào trong Nghị định hay chỉ dựa vào nguyện vọng của doanh nghiệp và ý chí của lãnh đạo Sở Xây dựng?

Đến ngày 21/5/2020, Sở Xây dựng TP HCM đã ra văn bản số 5314/SXD-TT, phản hồi lại với nội dung cho rằng: “Các hành vi vi phạm của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã đươc cơ quan quản lý Nhà nước xử lý theo đúng quy định pháp luật. Nhằm giải quyết dứt điểm các sai phạm của dự án, các đơn vị liên quan đã có ý kiến đề xuất và được UBND Thành phố thống nhất hướng giải quyết theo đúng quy định pháp luật”.

Văn bản của Sở Xây dựng TP HCM không nói rõ việc xử lý theo “đúng quy định pháp luật” là quy định nào, dù chúng tôi đã đưa ra câu hỏi rất rõ ràng, minh bạch. Việc trả lời lấp liếm, né tránh câu hỏi của Sở Xây dựng TP HCM, khiến dư luận không khỏi thắc mắc, liệu có hay không chuyện khuất tất đằng sau vụ việc sai phạm này?