19/01/2025 | 06:15 GMT+7, Hà Nội

Lùm xùm tại dự án 6.000m2 đất vàng: “Điểm mặt” những dự án dính tai tiếng của Công ty Việt Hân

Cập nhật lúc: 11/01/2019, 19:01

Ngoài dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (liên danh chủ đầu tư dự án trên) còn có hàng loạt dự án khác cũng dính tai tiếng.

Thanh tra vào cuộc dự án 6.000m2 đất vàng

Ngày 5/1/2019, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 89/VPCP-V.I, nội dung: Trong thời gian vừa qua, một số báo có thông tin, phản ánh sai phạm và khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Về việc này, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra phản ánh thông tin của báo chí về sai phạm tại dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) và việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án trên, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/3/2019.

Theo nội dung Báo Lao Động phản ánh, trước đây khu đất vàng hơn 6.000m2 tại số 34, 36, 42 đường Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1 (TP.HCM) là khu tập thể cán bộ công nhân viên Vinafood2 từ năm 1975 tới nay.

Sau đó, Vinafood 2 và Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập liên doanh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (gọi tắt Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc để làm rõ những phản ánh của người dân.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc để làm rõ những phản ánh của người dân.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, người dân không đồng tình bởi mức giá đền bù chỉ 125 triệu/m2, trong khi giá thị trường khu vực này trên dưới 300 triệu/m2. Theo phản ánh, bởi không thương lượng được với dân, ngày 13/11, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã cho người xông vào khu nhà dân, rào chắn, giăng kẽm gai… gây náo loạn khu vực.

Việc tranh chấp các bên ngày càng quyết liệt. Công ty Việt Hân Sài Gòn đề nghị chính quyền địa phương giúp lực lượng giữ an ninh trật tự để khoan địa chất dự án và làm lại bức tường rào bao quanh vì sợ… ảnh hưởng tính mạng dân do mưa bão làm yếu nền. Lập tức các hộ dân cũng gửi kiến nghị tới chính quyền cho rằng họ không cần ai lo cho tính mạng mình và phản đối việc làm của chủ đầu tư.

Báo Lao động cũng thông tin, quá trình làm rõ vụ việc đã phát hiện, Vinafood 2 “biến hóa” làm trái chỉ đạo Thủ tướng và Bộ NNPTNT ở khu đất trên. Cụ thể, giữa năm 2017, Bộ NNPTNT có kết luận Thanh tra số 5278 đối với Vinafood2. Theo thanh tra, sắp xếp chuyển đổi nhà đất công, Vinafood2 đã chỉ định và góp vốn (20% chủ yếu quyền sử dụng đất và tài sản trên đất) cùng Công ty Việt Hân (80%) lập ra Công ty Việt Hân Sài Gòn để làm dự án khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê.

Tổng Giám đốc Vinafood 2 đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty Việt Hân về đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân đang ở trên khu đất thực hiện dự án là sai với nội dung Nghị quyết của Hội đồng thành viên Tổng Công ty của Bộ NNPTNT và đặc biệt là trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1647/TTg-KTN ngày 15/9/2015.

Đặc biệt, Hội đồng thành viên Vinafood 2 ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐTV ngày 22/10/2015 đã chuyển trách nhiệm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân từ Công ty Việt Hân sang Vianafood 2 chịu 100% là sai phạm. Đáng nói hơn, Vinafood 2 còn thỏa thuận với Công ty Việt Hân dự tính lấy số tiền chi cho đền bù, giải phóng mặt bằng từ tài khoản Cục Quản lý công sản, Bộ Tài Chính lại sai nghiêm trọng bởi sẽ làm Ngân sách nhà nước bị thất thoát.

Công ty Việt Hân và hàng loạt dự án tai tiếng

Liên quan đến việc thực hiện đầu tư xây dựng của Công ty Việt Hân, theo quảng cáo trên website công ty (http://www.viethangroup.vn) đơn vị này đang là chủ đầu tư nhiều dự án như: “Khu đô thị du lịch sinh thái và thể thao Tam Nông, tọa lạc trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, với quy mô khoảng 2.050 ha; Khu phức hợp Skypark tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô 92 ha; Khu dân cư Việt Hân số 3 và 5 tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô 36,1 ha; Dự án Goldmark City tại số 136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội”.

Tuy nhiên, trong số 5 dự án nêu trên thì có tới 4 dự án bị thu hồi. Cụ thể, ngày 11/6/2018, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đăng tải thông tin: “UBND tỉnh vừa ban hành 3 văn bản thu hồi và chấm dứt hiệu lực các văn bản về chủ trương đầu tư một số dự án do Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) triển khai thực hiện gồm: chủ trương cho nghiên cứu khảo sát lập dự án khu phức hợp công viên quảng trường biển, khách sạn 5 sao, Khu thương mại và chung cư cao tầng thuộc thị trấn Long Điền, huyện Long Điền; chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư Việt Hân 3 và Khu dân cư Việt Hân 5 thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền”.

Lý do thu hồi dự án vì từ khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đến nay, Công ty Việt Hân không phối hợp với địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định. Sở Xây dựng đã có văn bản thông báo cho chủ đầu tư dừng triển khai các Dự án nêu trên để thực hiện các thủ tục thu hồi chủ trương đầu tư, nhưng Công ty Việt Hân vẫn không có ý kiến phản hồi.

Sau 8 năm không triển khai, dự án Dream City đã bị UBND tỉnh Phú Thọ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án

Sau 8 năm không triển khai, chủ đầu tư bị UBND tỉnh Phú Thọ thu hồigiấy chứng nhận đầu tư dự án Dream City.

Trong một diễn biến khác, ngày 20/11/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ký Quyết định số 3206/QĐ-UBND Quyết định: “Chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dự án Khu đô thị sinh thái Du lịch nghỉ dưỡng – Thể thao Tam Nông tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ của Công ty Việt Hân”.

Được biết, Dự án Dream City được UBND tỉnh Phú Thọ cấp cho Công ty Việt Hân từ năm 2010, có diện tích 2.000 ha nằm trên khu đất của 9 xã thuộc huyện Tam Nông và tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD. Dự án được định hướng đáp ứng nhu cầu nhà ở, nhà nghỉ sinh thái sang trọng và khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi thể thao đa dạng, gồm: sân golf, casino, trường đua ngựa... cho khách cấp trung lưu trở lên, gồm cả người Việt Nam lẫn nước ngoài. Tuy nhiên, quảng cáo là như vậy nhưng sau 8 năm, hiện dự án này vẫn “đắp chiếu”.

Ngoài ra, đối với dự án GoldMark City (tại 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty Việt Hân là chủ đầu tư cũng bị dính không ít tai tiếng. Cụ thể, khách hàng mua căn hộ tại dự án này từng bức xúc căng băng rôn phản đối việc Công ty Việt Hân không thực hiện lời cam kết xây tường rào bao quanh dự án, theo như lời quảng cáo khi bán hàng. Cùng với đó, thời điểm giới thiệu bán hàng, chủ đầu tư cho biếtTTTM Khu C chỉ có 5 tầng, thế nhưng sau đó được điều chỉnh xây dựng lên 40 tầng.

Như đã nói ở trên, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra phản ánh thông tin của báo chí nêu và việc khiếu nại của các hộ dân tại dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Việc một đơn vị hoạt động mạnh trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, nhưng lại dính nhiều tai tiếng như trên sẽ khiến cho các nhà đầu tư bất động sản tỏ ra e dè đối với các dự án mà công ty này đang và sẽ triển khai.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin.

Hà Cường