22/11/2024 | 07:56 GMT+7, Hà Nội

Luật phòng, chống tác hại của rượu bia: Những điểm mới cần chú ý

Cập nhật lúc: 19/06/2019, 07:00

Trong các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Trong các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc Quốc hội quyết định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia nhận được sự đồng thuận lớn của cử tri và nhân dân.

Đây là qui định từng gây xôn xao dư luận khi đưa ra lấy ý kiến, chỉ có 44,21% đại biểu đồng ý. Tuy nhiên, sau quá trình thảo luận, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định "nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" với 77,27% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Như vậy, kể từ khi luật này có hiệu lực vào ngày 1-1-2020, người đã uống rượu, bia sẽ không được lái xe.

Để đảm bảo cho điều cấm này khả thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, Nghị quyết của Quốc hội đã giao cho Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng qui định cụ thể 13 hành vi bị nghiêm cấm. Đồng thời, qui định các địa điểm không uống rượu, bia như: Cơ sở y tế, trừ trường hợp sử dụng rượu, bia để chữa bệnh theo chỉ định của bác sỹ; Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; Cơ sở hoặc khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ, cơ sở giam giữ phạm nhân; Cơ sở bảo trợ xã hội; Nơi làm việc của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

luat phong chong tac hai cua ruou bia nhung diem moi can chu y
Phòng, chống tác hại của rượu bia

Ngoài ra, luật cũng cấm uống rượu bia tại các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh rượu, bia không được sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia; niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.

Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ phải nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia. Kể từ ngày Luật có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 mét, tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, PTTH.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Luật được thông qua qui định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cấm khuyến mại rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên và cấm sử dụng rượu, bia ở mọi loại độ cồn để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi. Đối với các loại rượu, bia không thuộc trường hợp kể trên thì sẽ sử dụng những biện pháp quản lý quảng cáo, khuyến mại phù hợp theo từng mức độ cồn, tương ứng với từng loại phương tiện quảng cáo.

Theo đó, không được quảng cáo trên phương tiện quảng cáo (trong đó có báo in) dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, phụ nữ mang thai; không quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18 -21 giờ hàng ngày, trừ trường hợp quảng cáo trong các chương trình thể thao đã mua bản quyền được tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, Luật cũng quy định chặt chẽ việc quảng cáo trên internet, mạng xã hội để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập vànghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia.
13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.
(Theo Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia)

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-nhung-diem-moi-can-chu-y-152144.html