22/01/2025 | 16:53 GMT+7, Hà Nội

Luật cần đi vào cuộc sống

Cập nhật lúc: 18/11/2015, 23:05

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường và Trần Hoàng Ngân đều cho rằng, nếu quy định “cứng” trần lãi suất thì hệ thống ngân hàng cũng như các công ty tài chính sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, thậm chí người dân cũng bị ảnh hưởng do khó vay vốn.

Tạo thuận lợi cho “người vay” lẫn “người cho vay”

Liên quan tới quy định lãi suất tại Điều 467 Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, không thể quy định “cứng” trần lãi suất, vì đó là quy định vô lý, không thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng; đồng thời, sẽ gây khó khăn cho nhu cầu cần vay vốn của người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường ủng hộ quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng không quy định áp trần đối với lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, thay vào đó là để cho luật chuyên ngành quy định; trong đó, chú trọng vai trò của Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội)

Bà Hường phân tích: Nếu quy định cứng trần lãi suất cho vay thì các tổ chức tín dụng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân các tổ chức tín dụng không muốn cho vay lãi suất cao nhưng vì đầu vào cao, lạm phát cao nên họ buộc phải cho vay cao.

Ví dụ với dịch vụ cho vay tiêu dùng chẳng hạn.

Hiện nay, khối các tổ chức tín dụng có rất nhiều dịch vụ tiện ích như cho vay mua xe máy, máy tính… số tiền cho vay tuy không lớn, có khi chỉ là vài triệu đồng, khách hàng được vay trong 2 năm mà lãi suất lại quy định không quá 20% thì làm sao cho vay được?

Để có được dịch vụ tốt thì chi phí quản lý mà các tổ chức tín dụng bỏ ra cũng rất lớn. Nếu áp trần một cách vô lý như vậy thì ngân hang hay các công ty tài chính khó có thể triển khai được dịch vụ, thậm chí có những dịch vụ buộc phải thu về, và người dân đã khó tiếp cận tới nguồn vốn nay lại càng khó khăn hơn.

Như vậy, quy định đưa ra trong luật không những không tạo điều kiện cho thị trường hoạt động tốt hơn mà còn cản trở sự phát triển của các tổ chức tín dụng và làm khó thêm cho người dân có nhu cầu vay vốn. Về bản chất là luật không đi vào cuộc sống, không đúng với mục đích mà Quốc hội hướng tới”.

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, một nền kinh tế phát triển và hội nhập thì trong đó không thể thiếu yếu tố cạnh tranh minh bạch, khi luật cho phép các ngân hàng được tự do thỏa thuận lãi suất sẽ góp phần tạo ra một thị trường lành mạnh hơn.

Ngân hàng nào có mức lãi suất thấp thì sẽ thu hút được khách hàng và ngược lại, ngân hàng nào lãi suất quá cao sẽ không thu hút được khách hàng.

Theo tôi, cần cởi trói cho các ngân hàng, để họ được quyền thỏa thuận với khách hàng, đấy là câu chuyện thị trường, không nên can thiệp bằng những biện pháp quá khô cứng. Hơn nữa, ngân hàng còn chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng, sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Rất nhiều bài học từ kinh doanh, nhất là giai đoạn bất động sản khó khăn vừa qua, có khi chủ doanh nghiệp chỉ cần có vốn để vượt qua một giai đoạn ngắn nhưng vì các quy định ngặt nghèo của luật nên họ không thể vay nổi của ngân hàng, cực chẳng đã mới phải đi vay nặng lãi.

Tôi tin rằng, tự do hóa lãi suất với hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính chính là một biện pháp ngăn chặn tín dụng đen.

Nếu cảm thấy lo lắng vì có chuyện lợi dụng hay chèn ép khách hàng thì Luật phải có những điều khoản quy định theo hướng đó, tức là phải có tính phổ quát, quản lý tổng thể, chứ không thể áp đặt một con số nào đó”, bà Hường nói.

Nữ đại biểu của đoàn Hà Nội cũng nhấn mạnh, hiện nay, trong Bộ luật Hình sự đã có quy định về chống cho vay nặng lãi (tín dụng đen). Theo hướng này, Quốc hội nên có thảo luận để chống tín dụng đen hiệu quả hơn và tách hoạt động của các tổ chức tín dụng ra khỏi quy định trần lãi suất.

Trên cơ sở đó, Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề xuất hai phương án cụ thể:

Một là, cho phép các tổ chức tín dụng được quyền thỏa thuận lãi suất cho vay với người dân và doanh nghiệp, không bị khống chế, nhưng chịu sự kiểm soát của pháp luật mà trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước.

hai là, nếu quy định lãi suất thỏa thuận cho vay giữa các bên không được vượt quá 20%/năm hoặc không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước, thì không áp dụng với các tổ chức tín dụng, mà chỉ quy định theo hướng chống tín dụng phi chính thức.

Tự do hóa lãi suất sẽ chống được tín dụng đen

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cũng ủng hộ quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo luật theo hướng không quy định con số trần lãi suất với các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh)

Theo ông Ngân, quy định con số trong luật này là rất cứng nhắc, sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, xa hơn nữa là gây ảnh hưởng chung tới sự phát triển của doanh nghiệp.

Trước đây, trong Bộ luật Dân sự đã quy định “cứng” trần lãi suất không quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Sau đó, vì không phù hợp với quy luật thị trường Quốc hội đã buộc ra một Nghị quyết riêng tháo gỡ, để Luật Các tổ chức tín dụng điều chỉnh. Bây giờ, lại quy định cứng trần con số lãi suất thì khác nào lặp lại sai lầm trên?.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu muốn chống cho vay nặng lãi thì không thể dựa vào những điều khoản như trong dự thảo luật, bởi vì nếu quy định áp trần lãi suất thì chỉ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng chứ không chống được tín dụng đen.

Tôi lấy ví dụ người ta cho vay nặng lãi lên tới 30-40% ngoài thị trường chợ đen, nhưng trên giấy tờ vay thì vẫn đúng luật, chúng ta chưa thực sự kiểm soát được tình hình này.

Người dân cũng đâu có muốn phải đi vay tín dụng đen lãi suất cao, cực chẳng đã họ không thể vay được tín dụng chính thức mới đành phải vay nặng lãi.

Do vậy, chúng ta cần xây dựng luật làm sao tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, mở rộng được thị trường cho vay chính thức thì sẽ giúp đẩy lùi tín dụng đen”, ông Ngân nói.

Đề cập cụ thể hơn vào quy định trần lãi suất đối chiếu với lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng: “Ngân hàng Nhà nước cần có thông báo chính thức lãi suất cơ bản là lãi suất gì? Một số quốc gia định nghĩa  lãi suất cơ bản là lãi suất cho vay qua đêm, cũng có quốc gia gọi đó là lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn…

Vậy lãi suất chuẩn (cơ bản) của Việt Nam là gì? Nếu không làm rõ được điều này thì không nên đưa vào luật”.