22/11/2024 | 05:34 GMT+7, Hà Nội

Lừa đảo trong mua bán qua mạng xử phạt như thế nào?

Cập nhật lúc: 13/01/2019, 10:36

Tư vấn về hành vi gian dối trong mua bán qua mạng và hình thức xử phạt đối với hành vi đó.

Độc giả hỏi: Vừa qua tôi có mua 1 chiếc điện thoại cũ của một người ở trên mạng facebook với giá 10 triệu đồng. Sau khi mua xong thì tôi mới phát hiện là điện thoại này bị hỏng. Tôi liền gọi ngay cho người bán thì anh ta đã chặn hết cuộc gọi của tôi và chặn luôn facebook tôi. Khi bán người bán đó còn nói với tôi là chiếc điện thoại này còn bảo hành. Nhưng khi tôi đem đến cửa hàng điện thoại thì được biết là máy này đã mua được gần 2 năm rồi không còn bảo hành nữa. Vậy xin luật sư cho tôi biết hành vi trên của người bán có được cho là lừa đảo không ạ? Và hình thức xử phạt đối với anh ta là gì ạ?

Trả lời:

Như thông tin bạn đã trình bày thì hành vi của người bán hàng là công bố thông tin sai sự thật về chiếc điện thoại cho bạn. Sau khi bạn phát hiện thì có hành vi trốn tránh, không chịu trách nhiệm nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền 10 triệu đồng.

Trường hợp thứ nhất, hành vi của người bán hàng là hành vi cố ý giới thiệu làm cho bạn hiểu sai lệch về chiếc điện thoại nhằm mục đích để bạn tin tưởng và chấp nhận mua chiếc điện thoại. Khi đó, giao dịch dân sự giữa hai bên có thể bị vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối:

“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.”

Như vậy, bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự này là vô hiệu. Khi giao dịch dân sự vô hiệu, hậu quả được quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.”

Như vậy, khi bạn có đơn yêu cầu Tòa án công nhận giao dịch dân sự vô hiệu, giữa hai bên không phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự kể từ thời điểm hai bên thỏa thuận mua chiếc điện thoại. Khi đó, hai bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, tức là bạn sẽ trả lại bên kia chiếc điện thoại, đồng thời bên kia phải trả lại cho bạn số tiền 10 triệu đồng đã nhận từ bạn.

Trường hợp thứ hai, vì số tiền người bán đã nhận được là 10 triệu đồng mà phía bên kia có ý định lừa dối ngay từ đầu thì hành vi của người bán có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”

Như vậy, hành vi của người bán hàng là hành vi lừa đảo, đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bạn có thể trình báo ra cơ quan công an để họ giải quyết quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, bạn phải có đủ bằng chứng chứng minh việc mua bán giữa hai bên: hóa đơn chuyển khoản qua ngân hàng, ảnh, tin nhắn qua facebook hoặc tin nhắn qua điện thoại…

Ngoài ra, bạn có thể được trả lại tài sản, tức nhận lại số tiền 2 triệu đồng theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

“1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

Minh Dương