18/01/2025 | 15:06 GMT+7, Hà Nội

Lợi và hại của tham quan trực tuyến ảo 360 độ?

Cập nhật lúc: 04/05/2020, 16:31

Dịch Covid-19 làm nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với các bảo tàng và các đơn vị tổ chức triển lãm, dịch bệnh đã thúc đẩy các đơn vị này phát triển dịch vụ tham quan trực tuyến ảo.

Nằm trong xu thế chung của thế giới

Trên thế giới, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt các bảo tàng đã phải đóng cửa để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Nhiều người tưởng rằng, ở thời điểm này, chỉ có loại hình giải trí trực tuyến là sống tốt, sống khỏe thì điều bất ngờ đã xảy ra, khi các bảo tàng lớn trên thế giới đã mở cửa “online” phục vụ du khách. Đó là bảo tàng danh tiếng thế giới Louvre (Pháp) cho phép du khách tham quan miễn phí qua màn hình với khu vực: The Advent of the Artist, Egyptian Antiquities Galerie d'Apollon và Remains of the Louvre's Moat. Mỗi khu vực đều được thiết kế kiểu tham quan không giống nhau, mỗi tác phẩm đều có thông tin đầy đủ bằng tiếng Anh và hình ảnh phóng to để dễ dàng nhìn ngắm.

Bảo tàng Staedel (Frankfurt - Đức) đã số hóa được gần 25.000 hiện vật, xây dựng hơn 100 bộ phim kỹ thuật số phát trên mạng xã hội. Nhờ những ứng dụng hiện đại này, số người đến tham quan, nghiên cứu tại đây đã lên tới hơn 1 triệu lượt người/năm, tăng gấp hơn 2 lần so với khi chỉ thực hiện phương pháp truyền thống. Hoặc Viện Malacca (Malaysia) có mạng lưới với 24 bảo tàng, 12 phòng, đang trưng bày hơn 26.000 hiện vật. Để thu hút khách tham quan, họ sử dụng công nghệ tra cứu trên mỗi hiện vật nhằm giúp công chúng tìm kiếm thông tin nhanh chóng, dễ dàng dù ở bất cứ nơi đâu, vào bất kỳ thời gian nào...

Tại Việt Nam, nằm trong xu hướng này, Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long cũng đã vừa kịp ra mắt người xem triển lãm trực tuyến ảo 360 độ tại Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với sự hỗ trợ của internet và công nghệ số, việc tham quan trực tuyến đã khắc phục những trở ngại do đại dịch Covid-19 gây ra. Không cần đi tới tận nơi, chỉ cần ngồi nhà, du khách có thể khám phá Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67, một di tích lịch sử - cách mạng có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây, từ năm 1968 - 1975 trở thành Tổng Hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cũng tại đây, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, phân tích đánh giá tình hình cuộc chiến và kịp thời đưa ra những sự chỉ đạo cho cách mạng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cần nguồn vốn đầu tư lớn

Cũng vừa mới đây, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã ra mắt người xem triển lãm trực tuyến “Thống nhất non sông” sử dụng công nghệ tham quan ảo bằng việc mô phỏng không gian triển lãm với kiến trúc giả lập tương đồng thực tế, giúp khán giả tham quan và tương tác trực quan trên mạng diện rộng, vượt mọi rào cản địa lý. Tại đây, du khách đã được xem các tài liệu, hình ảnh, hiện vật về cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc thật như khi xem trực tiếp.

Chỉ cần ngồi nhà vẫn có thể xem các tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt của bảo tàng Lourve (Pháp)

Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam cũng đã nắm bắt kịp thời xu hướng này bằng việc ra mắt triển lãm tranh online các tác phẩm mỹ thuật kháng chiến chống Mỹ tại website và fanpage của đơn vị này. Về hình thức, các tác phẩm mới dừng lại ở việc chụp ảnh bức tranh và ghi chú thích, mà không phải việc số hóa 360 độ nên chưa mang lại cảm nhận về không gian 3 chiều như đứng trong phòng triển lãm. Dù lượng khách truy cập chưa hẳn đông nhưng việc một bảo tàng kinh viện như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kịp thời trở mình, thay vì đóng cửa im ỉm trong lúc đại dịch cũng là điều đáng mừng.

Tham quan trực tuyến ảo mang lại những lợi ích không thể chối cãi. Đó là nhờ công nghệ mà đông đảo công chúng có thể tiếp cận những hiện vật, bộ sưu tập ở bất kỳ đâu chỉ bằng các thiết bị cá nhân có kết nối mạng, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy công nghệ phát triển. Nhờ tham quan trực tuyến ảo, công chúng đã được bổ sung nguồn tri thức của  nhân loại, mà không dừng lại ở công cụ giải trí đơn thuần.

Để xem các kiệt tác, công chúng vẫn cần tới tận nơi để thưởng thức

Tuy nhiên, việc số hóa các tài liệu và phục dựng không gian 3 chiều cần nguồn vốn đầu tư lớn. Vì thế, không phải bảo tàng nào cũng làm được nếu như không tìm thấy nguồn vốn hỗ trợ. Hiện nay, đa phần các bảo tàng tiến hành việc tham quan trực tuyến ảo đều là các bảo tàng lớn trên thế giới và của Việt Nam. Dù còn nhiều khó khăn nhưng có một điều chắc chắn rằng, tham quan trực tuyến ảo là xu thế tất yếu của các bảo tàng, các đơn vị nghệ thuật ở hiện tại và trong tương lai.

Hơn thế, việc tham quan trực tuyến ảo không mang lại nguồn thu cho các bảo tàng để duy trì hoạt động. Chính vì thế, các đơn vị này thường chỉ số hóa các triển lãm thông thường, các tác phẩm nằm trong bộ sưu tập. Còn những kiệt tác, những tác phẩm độc nhất vô nhị như: Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci vẫn cần du khách tới tận nơi để thưởng thức. Không ngoa khi nói rằng, tham quan trực tuyến ảo cũng là một cách kích cầu, quảng bá thương hiệu và đánh vào tâm lý khám phá của người xem. Do vậy, các bảo tàng trên thế giới và Việt Nam đều lựa chọn và cân nhắc khi tiến hành mở triển lãm "ảo" trên mạng internet.