19/01/2025 | 13:25 GMT+7, Hà Nội

Lợi nhuận ngân hàng năm 2021 sẽ bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nợ xấu tăng?

Cập nhật lúc: 12/06/2021, 16:45

Hiện nay, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường trước. Vì vậy, mức độ rủi ro và sức chịu đựng của ngành ngân hàng đang bị đe dọa.

Dịch bùng phát mạnh, nỗi lo nợ xấu tăng

Thống kê số liệu tài chính của 26 ngân hàng cho thấy, trong quý I/2021 có tới 20/26 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng, trong đó một số ngân hàng tăng mạnh quanh mức 30%.

Trong số các ngân hàng đang niêm yết, 17 ngân hàng có sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu với mức tăng trưởng trung bình từ 0,05 đến 0,1%. Nợ xấu một số ngân hàng lớn tăng ở mức từ 0,19 - 0,32%.  

Ở chiều ngược lại, có 6 ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm là VietinBank, Sacombank, SeABank, Techcombank, BacABank, Kienlongbank. Trong đó, Kienlongbank là ngân hàng có nợ xấu giảm mạnh nhất.

Nợ xấu ở một số ngân hàng lớn đã nhích tăng.
Nợ xấu ở một số ngân hàng lớn đã nhích tăng.

Đáng lưu ý, trong quý 1/2021, bên cạnh lãi dự thu đi ngang hoặc giảm nhẹ tại một số ngân hàng như như ACB, MB, VPBank, SCB, Sacombank, BIDV… thì một số ngân hàng vẫn tiếp tục tăng ở mức cao như lãi dự thu của NamABank tăng 34,5%, VietinBank tăng 16%, Vietcombank tăng 17%, của SeABank tăng 26,4%... cho thấy mức lãi dự thu trong tổng thu nhập của các ngân hàng còn khá lớn.

Thực tế, năm 2020 các chuyên gia của VNDIRECT đã nhận định tốc độ hình thành nợ xấu phụ thuộc vào 3 yếu tố, gồm:

Thứ nhất, cơ cấu cho vay giữa phân khúc doanh nghiệp và cá nhân: các ngân hàng với tỷ lệ cho vay mảng bán lẻ cao, nhờ có tập khách hàng đa dạng hơn, ít rủi ro tín dụng hơn các ngân hàng tập trung cho vay doanh nghiệp.

Thứ hai, khẩu vị rủi ro của ngân hàng: nợ xấu của các ngân hàng có dư nợ lớn đối với các lĩnh vực có rủi ro cao, ví dụ như cho vay tín chấp, được dự báo sẽ tăng nhanh hơn các ngân hàng khác.

Thứ ba, mức độ rủi ro tập trung: việc phụ thuộc vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn tạo ra rủi ro thất thoát vốn.

“Chúng tôi cho rằng vấn đề này sẽ tiếp tục kéo dài nửa cuối năm còn lại đến năm 2021, vì các ngân hàng có thể cơ cấu lại các khoản cho vay giải ngân trước ngày 23/1/2020, lên đến 12 tháng, mà không cần phân loại lại thành nhóm cho vay rủi ro hơn nhưng những khoản này có thể phản ánh trên bảng cân đối kế toán thời gian tới”, VNDIRECT dự báo.

Hồi cuối năm 2020, ông Jacques Morriset, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận xét, nợ xấu của Việt Nam năm 2021 sẽ tăng.

"Nguy cơ nằm ở mối quan hệ tín dụng của những ngân hàng cho vay với những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như du lịch, hàng không, bất động sản”, ông Jacques Morisset nhấn mạnh.

Theo đó, để tránh gặp rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu có thể xảy ra trong tương lai, các ngân hàng cần chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại để phòng xa. Bởi, nếu sau thời điểm Thông tư 01 hết hiệu lực mà khách hàng vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng rất mạnh, những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng sẽ xoay sở không kịp.

Lợi nhuận ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng?

Thống kê báo cáo tài chính quý I/2021 của 19/27 ngân hàng niêm yết/đăng ký giao dịch (chiếm 60% vốn hoá của ngành) cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế tăng 86,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tổng thu nhập hoạt động chỉ tăng 30,2%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Lợi nhuận ước tính ngành ngân hàng 2020-2021

Có 3 yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I. Thứ nhất, cải thiện NIM (do lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng). Thứ 2, tăng thu từ hoạt động dịch vụ và cuối cùng là giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Cụ thể, tổng thu nhập lãi thuần trong quý I/2021 của 19 ngân hàng được thống kê tăng 30% so với cùng kỳ, với NIM quy ra năm ở mức 4,3% (cùng kỳ là 3,9%). Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 10,1% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 12% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến đà phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát gia tăng trong quý II/2021 do giá xăng dầu tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam - ông Andrew Jeffries cho rằng Việt Nam không còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi lạm phát có khả năng tăng nhẹ lên 3,8% trong năm 2021 và dự báo ở mức 4% trong năm 2022.

Đáng lưu ý, ông Andrew Jeffries còn lo ngại rủi ro trước mắt về bong bóng tài sản, ví dụ sự tăng giá của thị trường chứng khoán, giá cả bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng nhanh cũng như tỷ lệ nợ xấu dự báo tăng. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng.

Các chuyên gia phân tích của FinnGroup cho rằng, trong nhóm ngân hàng, điểm cần lưu ý với 19/27 ngân hàng đó là tỷ lệ nợ xấu cuối quý I/2021 ở mức 1,4%, không đổi so với thời điểm cuối năm 2020, nhưng nợ cần chú ý (SMLs) tăng 2 điểm phần trăm về tỷ trọng trong cơ cấu dư nợ cho vay và tăng 20,8% về quy mô, trong đó, VPBank, VIB, VietinBank dẫn đầu về mức tăng tính theo giá trị tuyệt đối.

Nguồn: https://congluan.vn/loi-nhuan-ngan-hang-nam-2021-se-bi-anh-huong-do-dich-benh-covid--19-no-xau-tang-post138514.html