Nếu dịch Covid-19 tái bùng phát, nợ xấu sẽ mang tính hệ thống
Cập nhật lúc: 29/04/2021, 10:37
Cập nhật lúc: 29/04/2021, 10:37
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, trong năm 2020 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 3 lần, từ 6 % xuống mức thấp kỷ lục 4,0%; lãi suất chiết khấu giảm từ 4,0% xuống 2,5%.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm trần lãi suất huy động tiền VND kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hỗ trợ tín dụng thông qua cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện tại và áp dụng lãi suất ưu đãi cho các khoản vay mới đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh ảm đạm và tình trạng phá sản doanh nghiệp làm cho nhu cầu tín dụng sút giảm.
Tính đến cuối năm 2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng ngân hàng ước tính vào khoảng 11,0% so với năm 2019, giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua. Cung tiền ước tăng 12,6% trong năm 2020, cao hơn so với mức 12,1% trong năm 2019.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tại Ấn Độ đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 200.000 người tử vong và số ca nhiễm có thể tới hơn nửa tỷ người. Còn tại Việt Nam số ca nhiễm Covid-19 phải cách ly trong quá trình nhập cảnh tại biên giới Campuchia – Việt Nam liên tục gia tăng.
Trước thực trạng này, ông Andrew Jeffries - Giám đốc ADB tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia ứng phó và kiểm soát dịch rất tốt. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn đó và đây cũng chính là mối quan ngại vì có đường biên giới mở với Lào và Campuchia. Do đó, việc trước mắt là Việt Nam phải có chính sách nhập cảnh phải nghiêm ngặt.
Đối với phát triển kinh tế thì chính sách đối với doanh nghiệp là rất cần thiết. Nhìn vào tài khoá trong năm 2020 cho thấy chính sách cắt giảm lãi suất, khoanh, giãm, hoãn nợ… cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một chính sách rất thực thi bởi đây là thành phần kinh tế dễ bị tác động. Vì thế, khi dịch bệnh chưa chấm dứt thì các chính sách về tài khoá như trong năm 2020 sẽ phải tiếp tục duy trì trong năm 2021.
Hiện ADB đang hỗ trợ người dân thông qua các ngân hàng địa phương, tuy nhiên, đối với các ngân hàng thương mại thì sẽ khó khăn hơn bởi họ cho vay phải căn cứ trên các tiêu chí.
“Nếu nhìn vào doanh nghiệp kém thì rất khó để các tổ chức tín dụng giải ngân nên bố trí chia sẻ rủi ro từ Chính phủ là cần thiết”, Giám đốc ADB tại Việt Nam khuyến nghị.
Chia sẻ về mối lo nợ xấu, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng, bất kỳ nền kinh tế nào cũng khó có thể tránh khỏi nợ xấu bởi nợ xấu có thể khởi phát từ dịch bệnh nhưng cũng có thể do nội tại nền kinh tế.
Hiện nay con số nợ xấu chưa đầy đủ cho nên bức tranh nợ xấu sẽ rõ hơn cuối 2021 và 2022. Trong năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã hạ được bớt nợ xấu, tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại thì nguy cơ cho nợ xấu là “rất căng”.
Mặc dù các ngân hàng đã chuẩn bị “tinh thần” nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và doanh nghiệp vẫn tiếp tục cần hỗ trợ thì về mặt lý thuyết nợ xấu sẽ mang tính hệ thống… ông Cường nhận định.
Nguồn: https://congluan.vn/neu-dich-covid-19-tai-bung-phat-no-xau-se-mang-tinh-he-thong-post130384.html
09:51, 02/02/2021
17:30, 24/01/2021
14:20, 19/11/2020