Lợi ích “kép” từ cho vay tiêu dùng
Cập nhật lúc: 03/05/2018, 20:10
Cập nhật lúc: 03/05/2018, 20:10
Sau 10 năm có mặt ở Việt Nam, thị trường tài chính tiêu dùng liên tục tăng trưởng mạnh nhờ kinh tế phát triển và nhu cầu mua sắm của người dân không ngừng gia tăng theo đà tăng thu nhập bình quân đầu người.
Số liệu của Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, cho vay tiêu dùng cuối năm 2017 tăng tới 65%, tăng mạnh so với mức 50,2% của năm trước đó và vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (khoảng 19%).
Còn theo số liệu của Stoxplus, tổng quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng năm 2016 đạt mức 960.000 tỉ đồng (khoảng 43 tỷ USD).
Nói về vai trò của tài chính tiêu dùng, TS. LS Bùi Quang Tín cho rằng, tài chính tiêu dùng đang mang lại lợi ích trực tiếp và nhiều nhất cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình thấp, bởi các đối tượng này thường bị các ngân hàng thương mại truyền thống từ chối cho vay do khó chứng minh khả năng trả nợ.
Cho vay tiêu dùng cũng góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho người dân, từ đó giúp họ quản lý tài chính cá nhân tốt hơn, hợp lý hóa chi tiêu, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Đồng thời, sản phẩm tài chính này còn góp phần thu hẹp các hoạt động cho vay phi chính thức như họ, hụi, ‘tín dụng đen’, qua đó giúp người dân tránh được nhiều rủi ro không đáng có.
Cho vay tiêu dùng còn là động lực quan trọng giúp gia tăng sức mua của thị trường, buộc các nhà sản xuất phải tăng cường năng lực cạnh tranh nói riêng và từng bước thúc đẩy nền kinh tế nói chung, TS Tín nhấn mạnh.
Ông Phạm Xuân Hoè – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cũng chỉ ra rằng, với ưu điểm là thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng, sản phẩm đa dạng, sáng tạo và không ngừng cải tiến, cho vay tiêu dùng đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trên thị trường tài chính, thậm chí “lấn lướt” ngân hàng thương mại trong việc tiếp cận người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động cho vay trả góp từ các công ty tài chính này vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Trong đó, các vấn đề bị phản hồi nhiều nhất là thông tin tư vấn không đầy đủ, thái độ “phó mặc” khách hàng khi ký kết hợp đồng, đôn đốc thu hồi nợ quá “rát” hay lãi suất vẫn ở mức cao,...
Để giải quyết những vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng các tổ chức tài chính tiêu dùng cần lưu ý việc mở rộng quy mô hoạt động phải đi cùng với năng lực về quản trị, đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững. Trong khi đó, người dân cũng phải được giới thiệu, đào tạo để có kiến thức và kỹ năng tài chính tốt hơn, từ đó mới có thể hiểu và đưa ra quyết định lựa chọn sản phẩm tài chính phù hợp.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, các công ty tài chính tiêu dùng vẫn cần phải hoàn thiện hơn nữa bộ máy quản lý và mạng lưới bán hàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo dựng một thị trường tài chính hiện đại và cạnh tranh lành mạnh.
06:20, 27/04/2018
00:31, 19/04/2018
15:53, 06/04/2018
06:10, 05/04/2018
00:18, 05/04/2018