18/01/2025 | 20:01 GMT+7, Hà Nội

Lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản Thủ đô mùa dịch

Cập nhật lúc: 26/09/2021, 06:22

Với lợi thế của mình, thương mại điện tử đã phát huy tác dụng khi thể hiện là cánh tay nối dài trong chuỗi cung ứng hàng hóa, tại thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội.

Giải pháp hữu hiệu

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho biết, để tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, thì việc tiêu thụ thông qua các hình thức TMĐT, bán hàng online và livestream được xem là giải pháp hữu hiệu. Người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc mua sắm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, bảo đảm giãn cách xã hội và an toàn phòng dịch Covid-19.

Mua sắm online của người dân Thủ đô tăng cao trong đợt giãn cách.
Mua sắm online của người dân Thủ đô tăng cao trong đợt giãn cách.

Để hỗ trợ cho các DN, HTX, các chủ thể sản phẩm OCOP vượt qua khó khăn, thời gian qua, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức một số chương trình livestream, nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội. Mở các lớp tập huấn trực tuyến miễn phí cho các chủ thể nhằm thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Khoá học với nội dung chuyên sâu về phương thức, kỹ năng bán hàng online, livestream để tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội đã có nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ DN, HTX ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ sản phẩm bằng cách mở ra kênh bán hàng mới trên mạng xã hội. Đây được xem là đòn bẩy để các DN, HTX và các chủ thể sản phẩm OCOP làm quen với sàn TMĐTtrong thời đại công nghệ số hiện nay.

Song song với việc triển khai hệ thống bán hàng bình ổn giá, chợ lưu động, để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, Hà Nội đã có văn bản đề nghị các địa phương, hộ kinh doanh, DN… tăng cường khuyến khích người tiêu dùng sử dụng phương thức mua bán hàng trực tuyến. Cùng với đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã đẩy mạnh triển khai bán hàng qua sàn thương mại điện tử, website, qua đó đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho TP khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đẩy mạnh bán hàng trực tuyến

Cùng với việc Hà Nội siết chặt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội; thì một trong những vấn đề được quan tâm là làm sao đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, kịp thời cho người dân. Do đó, bên cạnh việc triển khai các mô hình sáng tạo như phát tem, phiếu đi chợ, điểm bán hàng lưu động… thì việc triển khai bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, giao hàng không tiếp xúc trực tiếp được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Theo đó, để khuyến khích người dân, DN đẩy mạnh bán hàng online, Sở Công Thương Hà Nội đã có Công văn số 3275/SCT-QLTM gửi UBND các quận, huyện, thị xã và lãnh đạo các Ban quản lý chợ đề nghị tăng cường khuyến khích, vận động người tiêu dùng, hộ kinh doanh lựa chọn sử dụng phương thức mua bán trực tuyến, thay vì mua trực tiếp hàng hóa tại chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại... Đồng thời, phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn thông tin các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, website, ứng dụng thương mại điện tử có đặt hàng trực tuyến như: Grap, Now, GoFood, AhaMove… để phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.

Chung tay cùng chính quyền đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa được thông suốt, cũng như hạn chế tụ tập đông người; hàng loạt hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C và GO!, VinMart, Co.opmart, Hapro, AEON… nhanh chóng triển khai bán hàng theo hình thức trực tuyến, giao hàng đến tận nhà cho người tiêu dùng.

Đơn cử, với hệ thống siêu thị Big C và GO!, khi dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống này đã áp dụng chính sách bán và giao hàng tại nhà, hỗ trợ giao hàng miễn phí trong phạm vi 10km cho đơn hàng từ 200.000 đồng. Ngoài giao hàng online miễn phí, hệ thống siêu thị Big C, GO! cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến mại nhằm hỗ trợ khách hàng giảm chi phí trong mùa dịch. Cùng với việc đẩy mạnh bán hàng qua hình thức trực tuyến của các DN, hàng loạt các sàn thương mại điện tử cũng nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ người tiêu dùng trong thời điểm TP Hà Nội giãn cách xã hội.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kênh thương mại điện tử đang góp phần hỗ trợ kênh phân phối truyền thống, giúp người dân có thể mua sắm thuận lợi tại nhà và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Qua đó, đảm bảo giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy tại Hà Nội, cũng như tại nhiều địa phương khác trên cả nước.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/loi-giai-cho-bai-toan-tieu-thu-nong-san-thu-do-mua-dich-260936.html