Loạt sản phẩm Sangu, viên sủi Kaioshin, Ích cốt long lừa dối người tiêu dùng
Cập nhật lúc: 16/05/2021, 06:15
Cập nhật lúc: 16/05/2021, 06:15
Cụ thể, theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua trên các website: https://www.sanguchinhhang.vn/; https://www.sangu-vietnam.website/km; https://renuane3.com/pro/ có nội dung quảng cáo không đúng bản chất, quảng cáo gây hiểu lầm, coi thực phẩm giảm nguy cơ gây bệnh gout SANGU như thuốc chữa bệnh (điều trị tận gốc; tinh chất tiêu gút số 1 Nhật Bản…) lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Sản phẩm này được Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế BUSNO Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 1, tòa OTC3B Khu đô thị Handiresco, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Ngoài ra, theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, trên một số website: https://nhathuoc115.vn/chi-tiet/vien-sui-kaioshin?g; https://huelinhstore.com/san-pham/kaioshin;https://vivita.vn/vien-sui-kaioshin; https://topsanpham.vn/vien-sui-kaioshin/ có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên sủi KAIOSHIN không đúng bản chất, quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Sản phẩm này được CTCP Thịnh Tâm Đường, (Địa chỉ: Số 16A, ngách 61, ngõ 230 phố Định Công Thượng, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Cùng với đó, trên https://www.facebook.com/107488918172621/posts/107494474838732/ có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ích Cốt Long không đúng bản chất, quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh (bài thuốc trị đau nhức xương khớp, hỗ trợ điều trị xương khớp số 1 Việt Nam, chữa dứt điểm thoát vị đĩa đệm…;) lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Sản phẩm này được Công ty TNHH thuốc nam Nguyễn Kiêu (Địa chỉ: Số 6, khu Nhà vườn số 671 đường Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xác định chủ thể vi phạm, xử lý theo quy định hiện hành. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi sau :
1. Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế;
2. Gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
3. Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:
1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
2. Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm;
3. Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;
4. Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng;
5. Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/can-trong-voi-thong-tin-quang-cao-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-20201231000002115.html
06:54, 05/01/2024
06:00, 02/11/2022
10:00, 25/02/2022
09:45, 26/05/2020