07/10/2024 | 20:36 GMT+7, Hà Nội

Kỳ 2: Hơn 80% người nhầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc

Cập nhật lúc: 25/02/2022, 10:00

Đó là số liệu trong một cuộc khảo sát của sinh viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM, về sự hiểu biết của người tiêu dùng với những sản phẩm thực phẩm chức năng.

Thực phẩm chức năng (TPCN) đã không còn là một khái niệm xa lạ trong xã hội hiện đại. Khi điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người cũng gia tăng. Ngày càng có nhiều người tìm đến với các sản phẩm TPCN để bổ sung các dưỡng chất tăng cường sức khỏe. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người vẫn còn nhầm tưởng TPCN là thuốc và có tác dụng như thuốc chữa bệnh, mặc các khuyến cáo liên quan mà cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành. 

Vượt qua cái tên "thực phẩm", nhiều người đang tìm đến TPCN với mong muốn chữa được bệnh, thậm chí là bệnh nan y càng khiến các sản phẩm này nở rộ, mọc lên như nấm. 

Theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 21% dân số đang sử dụng TPCN, tương đương hơn 20 triệu người ở khắp 63 tỉnh thành. Thị trường khổng lồ này là mảnh đất màu mỡ cho các đơn vị sản xuất TPCN, chính vì vậy không ít đơn vị đã không từ các "thủ đoạn" để quảng cáo, tâng bốc các công dụng của TPCN, cố tình "đánh lận con đen" để người tiêu dùng hiểu lầm. 

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, trên tinh thần nghiên cứu, chúng tôi khởi đăng tuyến bài: Thị trường thực phẩm chức năng: Phức tạp như "ma trận". 

Xin mời quý độc giả đón đọc Kỳ 2: Màn sương mù bao phủ thị trường TPCN

Một cuộc khảo sát của sinh viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM đã cho thấy, có tới 80% người nhầm thực phẩm chức năng (TPCN) là thuốc. Cuộc khảo sát này tuy quy mô không lớn, nhưng con số 80% cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhận thức về TPCN bởi hiện nay, số lượng người sử dụng TPCN hàng ngày tại Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số, trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước. 

***

Khi kinh tế được cải thiện, cuộc sống con người ngày càng nâng cao thì việc có những đòi hỏi, nhu cầu về sức khỏe là không thể thiếu. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều sản phẩm TPCN được ra đời và loại sản phẩm này cũng ngày càng trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam. 

TPCN là ranh giới “giao thoa” giữa thực phẩm và thuốc, giống thực phẩm về bản chất nhưng khác về hình thức, giống thuốc về hình thức nhưng khác về bản chất.

Theo thông tư số 08/TT-BYT ngày 23/08/2004 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm TPCN” đã đưa ra định nghĩa: TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật.

Còn thuốc, theo Bộ Y Tế là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, trừ thực phẩm chức năng.

Như vậy, ngay trong các khái niệm mà Bộ Y Tế nêu ra đã thể hiện rõ sự khác biệt hoàn toàn giữa thuốc và TPCN. TPCN không phải là thuốc và không có vai trò thay thế được thuốc chữa bệnh.

Thực phẩm chức năng khác thuốc

Điều kiện sử dụng đối với thuốc là phải có chỉ định kê đơn của bác sỹ và mua ở nhà thuốc; còn đối với TPCN thì dễ dàng hơn trong việc mua bán, có thể mua ở cửa hàng, siêu thị. Người bệnh, người khỏe đều có thể dùng được TPCN; còn thuốc thì chỉ dùng cho người bệnh sử dụng.

Thực phẩm chức năng có thể được sử dụng thường xuyên, liên tục và không gây biến chứng. Còn thuốc khi sử dụng phải có chỉ định, kê đơn của bác sĩ và có nguy cơ biến chứng, tai biến.

Đặc biệt, trên nhãn mác sản phẩm, nếu là TPCN thì phải ghi rõ là “thực phẩm chức năng” (sản xuất theo Luật TP), nếu là thuốc sẽ phải ghi rõ là “thuốc” (sản xuất theo Luật Dược).

Rõ ràng hai khái niệm về TPCN và thuốc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau với những công dụng, vai trò, cách sử dụng cũng hoàn toàn riêng biệt. Thế nhưng, hiểu biết của nhiều người dân lại có vẻ mập mờ, pha trộn giữa hai khái niệm này.

Khảo sát của Cục An toàn thực phẩm năm 2011 cho thấy, tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, có hơn 50% số người lớn sử dụng TPCN. Tuy nhiên, phần đông người tiêu dùng trong nước vẫn chưa nhận thức được đúng công dụng của TPCN. Bản chất chỉ là sản phẩm bổ sung, hỗ trợ các chất cho cơ thể và không có tác dụng điều trị bệnh thế nhưng hầu hết người sử dụng lại cho rằng TPCN có công dụng “hai trong một”.

thực phẩm chức năng

Gọi là TPCN nhưng lại khẳng định nó có vai trò như thuốc chữa bệnh, chị H.Ly (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Tôi hay bị đau đầu và thiếu máu lên não nên thường xuyên phải sử dụng TPCN. Tôi thường sử dụng những lúc tôi thấy mệt mỏi, chóng mặt. Sản phẩm tôi đang uống điều trị căn bệnh của tôi khá nhiều nên hầu hết lúc nào tôi cũng mang theo bên mình để phòng ngừa bệnh tái phát”.

Ngay trong lời chia sẻ của chị Ly đã cho thấy một cách hiểu sai về TPCN. TPCN không có tác dụng điều trị bệnh hay chữa bệnh thế nhưng chị Ly lại đang có sự nhầm lẫn trong điều này.

Tương tự như chị H.Ly, bà Minh (75 tuổi, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có sự nhầm lẫn khi tưởng rằng TPCN có vai trò như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, khi được PV hỏi tới công dụng của TPCN mà bà đang dùng, bà Minh lại nói: “Tôi đang dùng TPCN Amway. Nó chữa được nhiều bệnh lắm. Dù hơi đắt so với những TPCN khác nhưng cứ chữa được cái gì là tôi đều mua”.

Thực phẩm chức năng

Sự nhầm lẫn này không chỉ là xảy ra ở bà Minh hay chị H.Ly mà còn là tình trạng của rất nhiều người tiêu dùng khác đang gặp phải. Theo khảo sát của nhóm sinh viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM, trong tổng số 384 người tiêu dùng được khảo sát có tới 312 người nhầm lẫn TPCN là thuốc chữa bệnh, chiếm tỷ lệ 80,8%.

Đây chỉ là con số điển hình nhưng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo. Không có gì nguy hiểm bằng việc người sử dụng không hiểu rõ thứ mình đang dùng. Nó không chỉ “khoét” sạch túi tiền của người dân mà thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng, nếu sử dụng sai cách, chưa kể đến những sản phẩm giả, trà trộn hoặc sản phẩm kém chất lượng. 

Bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn

Theo Ths. Bs. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện TƯQĐ 108, có thể dễ dàng nhận biết những TPCN ở dạng tự nhiên được sử dụng hằng ngày. Nhưng với những thực phẩm có bổ sung và biến đổi, người tiêu dùng phải biết cách đọc nhãn bao bì thực phẩm (với điều kiện chúng phải qua kiểm duyệt một cách nghiêm túc và được sản xuất bởi những công ty có uy tín). Trên thực tế, không ít loại thực phẩm chức năng đã không ghi rõ và đầy đủ những thông tin xác nhận có lợi cho sức khỏe và những thông tin xác nhận có lợi cho cấu trúc/chức năng. Mặt khác, cũng có một số kiểu “luồn lách”, ví dụ như các thực phẩm chức năng gắn tên “thực phẩm chữa bệnh” (medical foods) để tránh được quy định của cơ quan kiểm duyệt, hoặc có trường hợp nhà sản xuất bổ sung thêm một số chất có lợi cho sức khỏe vào các sản phẩm giàu chất béo, cholesterol, đường... để bán ở dạng thực phẩm chức năng. Bởi vậy, người tiêu dùng nhiều khi không hề hay biết tính xác thực và mức độ tin cậy của sản phẩm.

Câu chuyện không thể dừng lại ở những người đã “lỡ sai” và sau khi nhận lấy hậu quả mới tự rút bài học. Bởi việc mập mờ, thiếu hiểu biết trong nhận thức về TPCN và thuốc không phải là câu chuyện của riêng ai.

Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến thực trạng phổ biến đáng báo động này?

Trước những lời “mời gọi” được rao lên một cách không rõ ràng về vai trò, công dụng của TPCN, những quảng cáo rầm rộ, những chiêu đánh bóng sản phẩm một cách quá tay đã khiến nhiều TPCN vốn chỉ để hỗ trợ ít nhiều cho cơ thể nay lại được xem là “thần dược” chữa bách bệnh.

Ví dụ như sản phẩm “TPCN dành cho người tiểu đường, huyết áp, tim mạch”, được Cục ATVSTP chứng nhận có công dụng thay thế một phần hoặc toàn phần khẩu phần ăn hàng ngày, nhưng trên nhãn mác hay các quảng cáo, nhà sản xuất lại cố tình thêm công dụng ngừa các bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch, ung thư, loãng xương, giúp trẻ lâu…, như vậy khiến cho nhiều người tiêu dùng hiểu nhầm, hiểu sai về tác dụng thực sự của TPCN, nhầm tưởng TPCN là thuốc, có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, hoặc tưởng rằng một loại TPCN có thể có tác dụng với nhiều bệnh, triệu chứng...  

Rất dễ để bắt gặp các đoạn quảng cáo như “giúp làm tan cục máu đông, tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ trong các trường hợp huyết áp không ổn định, xây xẩm, tê yếu tay chân, giúp ngừa tai biến đột quỵ tiêu chuẩn Nhật Bản" hay "Bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho sụn khớp, phục hồi mô sụn; Cải thiện tình trạng đau nhức, giảm viêm, sưng đỏ ở các đầu khớp; Thúc đẩy quá trình tái tạo sụn, sửa chữa những tế bào tổn thương, đồng thời bảo vệ sụn khớp trước tác động của gốc tự do; Kích hoạt dịch nhầy bôi trơn khớp, tăng khả năng vận động linh hoạt cho xương khớp; Sản phẩm hiệu quả cho mọi vùng xương khớp trên cơ thể: Khớp gối, đốt sống lưng, bả vai, khớp tay chân,..; Làm chậm quá trình thoái hóa sụn khớp, giúp cơ thể luôn dẻo dai, vận động tốt"... 

Tất cả đều có chung một công thức là dùng các cụm từ như "giúp làm..." hay "hỗ trợ..."; "thúc đẩy..." và "làm chậm..." dù không phải tác động trực tiếp nhưng lại rất dễ khiến người nghe hiểu lầm bởi sau các cụm từ trên là hàng loạt triệu chứng bệnh được cung cấp dài dằng dặc và nhanh dồn dập. 

Thậm chí, người xem rất khó để có thể nghe được câu: “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Bởi câu nói được lùi về những giây cuối cùng khi quảng cáo sắp kết thúc và được nói với một tốc độ nhanh “thần tốc" như thể không muốn người xem có thể nghe thấy hay chú ý đến. Dù vô tình hay cố ý thì kết quả đem lại là sẽ có những khán giả là những người tiêu dùng, không nhận biết được sản phẩm này là thuốc hay TPCN. Và nếu số ít nhận biết được đây là TPCN thì cũng sẽ có những suy nghĩ rằng nó có công dụng như thuốc điều trị bệnh.

TPCN không phải là thuốc

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu người tiêu dùng không mua TPCN bởi bị ảnh hưởng từ những quảng cáo này. Tuy nhiên, sự việc lại ngược lại.

Theo khảo sát của sinh viên Đại học Y dược TP.HCM, nguồn cung cấp thông tin về TPCN nhiều nhất mà người tiêu dùng tiếp cận được là từ quảng cáo sản phẩm trên tivi, sách báo, internet và tờ rơi chiếm tỷ lệ hơn 80%. Còn nguồn thông tin đáng tin cậy từ tài liệu khoa học chỉ chiếm tỷ lệ 8,6%. Sự chênh lệch quá lớn để thấy tác động của quảng cáo trong việc ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng. 

Dù vậy, nói đi cũng phải nói lại, việc một bộ phận người tiêu dùng hiện nay không tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về sử dụng thuốc và TPCN cũng là cơ hội để các sản phẩm TPCN ngày càng được tiêu thụ nhiều. Có thể vì biết nhưng vẫn muốn tin vào công năng "thần kỳ" của sản phẩm, cũng có thể là không biết, nhưng không thể phủ nhận việc rất nhiều người đang sử dụng TPCN mà không hiểu đúng về bản chất của sản phẩm và/hoặc không tham khảo ý kiến chuyên môn của y bác sĩ. 

Vậy nên, theo tư vấn của nhiều chuyên gia, trước khi quyết định chọn mua và sử dụng loại thực phẩm chức năng nào, người tiêu dùng nên đặt ra mười câu hỏi: Thành phần mang lại hiệu quả chức năng của sản phẩm là gì, có sẵn tự nhiên trong thực phẩm hay do bổ sung vào; hiệu quả của sản phẩm ra sao, có nghiên cứu nào xác nhận lợi ích này không; nhà sản xuất có phải là một công ty có tiếng tăm tốt, đáng tin cậy không; trên nhãn có ghi hàm lượng các thành phần trong thực phẩm là bao nhiêu không; thành phần bổ sung vào thực phẩm thế nào, có những thực phẩm nào ảnh hưởng đến sự hấp thu thành phần chức năng này không; thành phần chức năng bổ sung vào thực phẩm dưới dạng sinh học nào, có ở dưới dạng dễ hấp thu hay dễ chuyển hóa không; đặc điểm dinh dưỡng của thực phẩm chức năng có phù hợp với mục tiêu sức khỏe mà người sử dụng mong muốn không; so sánh giá cả của thực phẩm chức năng với thực phẩm thông thường, giá có tương xứng với thành phần chức năng mang lại lợi ích cho người sử dụng không; cách thức chế biến thực phẩm (nóng, lạnh) hay cách bảo quản có ảnh hưởng đến hiệu quả chức năng của thực phẩm không...

Thực phẩm chức năng

Mời quý độc giả tiếp tục theo dõi Kỳ 3: Hoang mang như lạc vào thị trường TPCN. 

04/15/2021 09:45

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/hon-80-nguoi-nham-tuong-thuc-pham-chuc-nang-la-thuoc-20201231000001548.html