19/01/2025 | 02:06 GMT+7, Hà Nội

Loanh quanh chuyện mua hàng qua mạng

Cập nhật lúc: 21/05/2020, 15:24

Điều khiến tôi khiếp sợ nhất khi đi ngoài đường, trong những ngày “bình thường mới” này, là các anh chàng “shipper” (người giao hàng) xồng xộc lao trên xe máy điều khiển bằng một tay, tay kia cầm điện thoại...

Điều khiến tôi khiếp sợ nhất khi đi ngoài đường, trong những ngày “bình thường mới” này, là các anh chàng “shipper” (người giao hàng) xồng xộc lao trên xe máy điều khiển bằng một tay, tay kia cầm điện thoại, xe chất đầy những thứ cồng kềnh, anh ta thì vô cùng vội vã...

Sự lên ngôi của hoạt động mua bán online đã “khai sinh” ra một nghề mới, nghề shipper

“KHIẾP SỢ” không phải là một từ cường điệu, nó là thực tế, khi hơn một lần trong tuần vừa rồi, tôi bị ngã xe đạp bởi những người đưa hàng đi xe máy tốc độ cao bằng một tay như thế. Mối nguy này sẽ không giảm bớt, tôi biết, mà chỉ ngày càng tăng và tăng mạnh hơn. Mua hàng online có từ lâu.

Đặc biệt là sau thời kỳ giãn cách xã hội vừa rồi, người ta không đến chỗ đông người, người ta ở nhà, người ta rảnh. Mà rảnh thì trên mạng có nhiều thứ để xem và để mua... Sau những ngày căng thẳng vì Covid-19, một trong những điều chắc chắn là thói quen mua hàng online giờ đã ngấm rất sâu. Trước khi muốn có một món đồ gì đó, tôi chắc hầu hết những người mua hàng đều nằm lòng câu “Gì cũng có thể ship”. Mà gì cũng có thể “ship”, thì lực lượng “shipper” lớn mạnh không ngừng là lẽ đương nhiên.

Tôi tuyệt nhiên không có ý định trình bày nỗi lo âu (rất lớn) về đội ngũ “shipper” và cách thức vận chuyển hàng hóa của họ để coi đó như một cách phản đối việc mua bán hàng trực tuyến. Trên thực tế, tôi cũng đã quá quen việc đặt hàng trên mạng. Biết bao là tiện lợi từ cách mua bán này.

Ngồi một chỗ, bằng vài thao tác đơn giản trẻ con cũng làm được dễ dàng, không phải đi đâu, không phải gửi xe, vì rất dễ đánh mất vé xe, không phải cầm ví tiền, vì rất dễ đánh rơi, hoặc dễ tốn thêm cho một món đồ khác nữa nếu đi vào cửa hàng hay trung tâm thương mại... Ngồi nhà, chọn, đợi “shipper” đưa tận nơi. Tuyệt! Không có chuyện mua trên mạng thời gian vừa rồi, mấy con mèo của tôi chắc chắn đứt bữa vì đồ ăn của chúng không được mua dự trữ và suốt tháng, cửa hàng thường vẫn mua đóng cửa không để lại điện thoại.

“Trên thực tế, tôi cũng đã quá quen việc đặt hàng trên mạng. Biết bao là tiện lợi từ cách mua bán này. Ngồi một chỗ, bằng vài thao tác đơn giản trẻ con cũng làm được dễ dàng, không phải đi đâu, không phải gửi xe, vì rất dễ đánh mất vé xe, không phải cầm ví tiền, vì rất dễ đánh rơi, hoặc dễ tốn thêm cho một món đồ khác nữa nếu đi vào cửa hàng hay trung tâm thương mại... Ngồi nhà, chọn, đợi “shipper” đưa tận nơi. Tuyệt!”.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Kể những lợi ích của mua hàng trực tuyến, thì cả ngày không hết. Và đó là sự thật. Chẳng phải tôi, mà cả chồng tôi, vốn chưa hề tỏ ra có nhu cầu mua sắm và chưa hề có ý định bước chân vào bất kể chợ hoặc siêu thị nào, gần đây cũng đã biết đặt hàng trên Tiki, đầu tiên là sách vở, rồi tiếp các đồ vật khác. Nhân viên giao hàng của Tiki thậm chí giờ nắm vững có thể giao hàng cho tôi ở chỗ làm hay ở nhà, chồng tôi có thể nhận giúp thứ tôi đặt mua, và ngược lại. Khỏi cần đi đâu, mua được những gì mình cần một cách dễ dàng chưa từng thấy.

Mua bán trực tuyến chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ký Văn bản để đến năm 2025, tức là 5 năm nữa, 50% người Việt Nam mua sắm trực tuyến. Xã hội 4.0, thế cũng đương nhiên thôi. Đã, đang và sẽ có cạnh tranh trên mạng, tha hồ (nếu rảnh) ngồi chọn thứ mình cần với giá tốt nhất, có thể so sánh, đọc “comment” (bình luận) của những người mua trước... để mà rút kinh nghiệm. Vì thể nào cũng phải rút kinh nghiệm! 

Kinh nghiệm mua hàng online với tôi quả thật phong phú. Và tôi chắc xã hội ai cũng đều thế cả. Người bán đăng hình lên, nhìn rất được. Mua rồi mới biết không được. Tôi đã từng đặt mua quần dài, nhận thì hóa ra quần cộc. Khó kiểm tra hàng, dù nhà bán có ghi bên ngoài gói hàng là được xem hàng trước, nhưng người đưa hàng luôn vội lắm. Trao hàng là đi. Hoặc nhờ nhận hộ, thế là không thể đổi trả. Ảnh luôn là một chuyện, hàng thật là một chuyện khác nữa. Để bán hàng có ai lại không dùng những lời tốt đẹp. Bán hàng là một nghệ thuật mà.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Thế nên, cùng với việc gia tăng mua hàng trực tuyến, mối hoài nghi nhân loại cũng hoàn toàn có thể tăng trưởng. Nghệ thuật bán hàng trên mạng càng cao, hoài nghi càng lớn. Nói chung, chẳng cần văn bản, tôi sẽ mua hàng online ngày một nhiều, đây là thứ dễ dự báo. Nghiện mua sắm online cơ bản đã là bệnh chung. Chỉ cần khôn ngoan hơn là có lẽ không thua thiệt gì nhiều. Mặc dù việc thông minh lên trong lĩnh vực này đòi hỏi thời gian thử thách rất nhiều.