03/05/2024 | 20:54 GMT+7, Hà Nội

Lộ trình cải cách chính sách tiền lương sẽ tiến hành thế nào?

Cập nhật lúc: 04/07/2023, 09:30

Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, vừa được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2023, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Quốc hội đang yêu cầu báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội đang yêu cầu báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội yêu cầu tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Quốc hội cũng yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. Sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV đã thông qua Nghị quyết 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, có đề cập nội dung: “Trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương…”

Thực hiện nội dung này, tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023, Chính phủ yêu cầu: “Trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách”.

Và mới đây, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, khi phát biểu về chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội) cho biết, tháng 10 tới đây, nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị.

Như vậy, dự kiến tháng 10/2023, Chính phủ sẽ trình lộ trình cải cách tiền lương công chức theo Nghị quyết 27 lên Quốc hội.
Do chưa thực hiện cải cách tiền lương nên trong năm 2023, tiền lương công chức vẫn tính theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, cụ thể: Mức lương = hệ số lương x lương cơ sở. Từ ngày 1/7/2023: Mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.

Theo Nghị quyết 27, Nhà nước sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong 5 bảng lương mới sau đây:

Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Ngoài ra, bãi bỏ một số loại phụ cấp với cán bộ công chức gồm: Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); Bãi bỏ phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); Bãi bỏ phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); Bãi bỏ phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, Bộ Nội vụ cũng tham mưu cho cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi công vụ. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ hy vọng trong năm tới tình hình kinh tế trong nước khởi sắc, chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện lộ trình cải cách tiền lương với mục tiêu “bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”.

Theo Nghị quyết 27 ban đầu chính sách cải cách tiền lương dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, chúng ta đã 3 năm lỡ hẹn, liên tục lùi thời điểm cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Quốc hội đang yêu cầu báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/lo-trinh-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-se-tien-hanh-the-nao-342534.html