19/01/2025 | 10:24 GMT+7, Hà Nội

Lo ngại tình trạng thiếu i-ốt ở Việt Nam quay trở lại

Cập nhật lúc: 03/06/2018, 11:00

Theo báo cáo của mạng lưới i-ốt toàn cầu, Việt Nam nằm trong số 19 nước người dân thiếu iốt tồi tệ nhất thế giới, sau 13 năm thoát khỏi tình trạng này.

Theo một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, chỉ 6% số người được hỏi dùng duy nhất gia vị mặn là muối i-ốt; còn lại 75% sử dụng gia vị mặn từ các sản phẩm chế biến có muối như nước mắm, nước tương, bột canh… Các thực phẩm nuôi trồng tự nhiên có hàm lượng muối i -ốt không đáng kể, không thể đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Nếu như năm 2005, độ bao phủ muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh của Hà Nội lên đến gần 100%, thì sau 3-4 năm chỉ còn gần 30%. Kết quả điều tra năm 2013-2014 cho thấy, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ 8-10 tuổi lên đến gần 10%, mức trung vị i-ốt niệu là 8,4mcg/dl.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của mạng lưới i-ốt toàn cầu, Việt Nam vẫn nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất.

Thiếu i-ốt gây hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của con người, đặc biệt là bệnh bướu cổ

Thiếu i-ốt gây hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của con người, đặc biệt là bệnh bướu cổ

GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Dinh dưỡng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải trộn i-ốt.

Uớc tính, thực phẩm chế biến hiện nay cung cấp khoảng 75% tổng lượng muối ăn vào cơ thể, chỉ 15% thông qua muối ăn trực tiếp."Ăn nhiều muối dẫn đến tăng huyết áp, vì thế bắt buộc phải đưa i-ốt vào thực phẩm khác", GS Tuyên nói.

GS Tuyên cũng khẳng định, sử dụng gia vị bổ sung i-ốt trong nấu ăn hàng ngày là biện pháp phòng ngừa thiếu i-ốt hiệu quả và bền vững.Hiện trên thế giới đã có 130 quốc gia quy định bắt buộc bổ sung; 69 quốc gia (53%) yêu cầu sử dụng muối i-ốt cho thực phẩm chế biến.

Năm 2016, Chính phủ ban hành nghị định về bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, trong đó quy định bắt buộc muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/3/2017, thực tế chưa được các doanh nghiệp thực hiện tốt.

Cũng theo GS Lê Danh Tuyên, ngoài tình trạng thiếu i-ốt, người Việt Nam đang thiếu trầm trọng các vi chất dinh dưỡng khác như kẽm, thiếu sắt. Gánh nặng kinh tế do thiếu các vi chất dinh dưỡng này theo cảnh báo của các chuyên gia y tế điều này rất khủng khiếp.

Theo đó, tình trạng thiếu máu của người dân Việt Nam hiện nay không chỉ gây tác hại đối với sức khỏe, năng lực, trí tuệ mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước do năng suất lao động kém và những chi phí do bệnh tật - hậu quả của tình trạng thiếu máu, thiếu sắt.

Theo tính toán của các nhà kinh tế, việc khắc phục tình trạng thiếu i-ốt, vitamin A và sắt có thể nâng cao được chỉ số thông minh (IQ) của cộng đồng tới 10-15 điểm; giảm tử vong bà mẹ khoảng 1/3, giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống 40% và tăng khả năng lao động khoảng 1,5 lần.

Viện Dinh dưỡng khuyến cáo, để tăng cường vi chất cho cơ thể và phòng bệnh, người dân nên bổ sung i-ốt vào thực phẩm ăn hàng ngày. Nếu không trong tương lai sẽ gây ra hệ lụy khôn lường.