25/11/2024 | 01:14 GMT+7, Hà Nội

Lễ vật và văn khấn cúng rằm tháng chạp đúng chuẩn

Cập nhật lúc: 17/01/2019, 19:28

Cúng Rằm tháng Chạp là phong tục truyền thống không thể thiếu của người Việt mỗi dịp cuối năm. Đây là một trong ba lễ cúng quan trọng trong tháng cuối cùng mà bất cứ nhà nào cũng phải chuẩn bị thật chu đáo.

1. Quan niệm của người Việt về cúng rằm tháng Chạp

Những lưu ý khi cúng rằm tháng chạp 2019

Những lưu ý khi cúng rằm tháng chạp 2019

Cũng như những tháng khác trong năm, lễ cúng ngày Rằm thường diễn ra vào ngày 14-15 âm lịch tuy nhiên, cúng rằm tháng Chạp được người Việt xem là quan trọng hơn vì đó là thời điểm đánh dấu kết thúc năm cũ.

Theo đó, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy cùng ngày Rằm tháng Chạp là những ngày Rằm lớn nhất trong một năm.

Nhiều người thắc mắc rằng cúng rằm tháng Chạp có giống như những ngày rằm hàng tháng trong năm?

Thực ra, tháng Chạp cũng giống như những ngày rằm hàng tháng, tùy vào sự tín ngưỡng hay quan điểm tâm linh mà các gia đình có những lựa chọn là ngày nào đó quan trọng với họ hay không.

Theo phong tục, vào ngày Rằm tháng Chạp nhà nhà thường bày biện lễ vật cúng dường và thành tâm cầu nguyện để nhận được sự phù hộ, độ trì cho gia đình, người thân khỏe mạnh, bình an, may mắn, thành đạt.

Chính vì lẽ đó, nhiều gia đình muốn chuẩn bị tươm tất hơn, họ chọn mua nhiều đồ hơn, lễ vật nhiều hơn, loại hoa đẹp và đắt tiền hơn để bày biện lên bàn thờ.

Việc này hoàn toàn tùy thuộc vào quan niệm khác nhau của từng gia đình. Nhưng quan trọng là sự thành tâm và lòng thành của gia chủ trọn vẹn là được.

Cúng Rằm tháng Chạp cũng không khác mấy so với các ngày Rằm khác, nhưng vì là ngày cuối cùng nên tâm thế sẽ khẩn trương và muốn chuẩn bị tươm tất chu toàn hơn.

Các gia đình đều muốn thể hiện sự trọn vẹn, chỉnh chu của cả một năm thông qua lễ cúng Rằm, đồng thời cũng đánh dấu cho tháng Tết, tháng mừng năm mới đã khởi động.

Theo Lịch Ngày Tốt, ngày Rằm tháng Chạp 2019, sẽ rơi vào Chủ nhật ngày 20/1/2019 (Dương lịch), tức là ngày Đinh Tỵ, tháng Ất Sửu, năm Mậu Tuất. Đây là một ngày Hoàng Đạo (ngày tốt).

Theo Lịch Vạn niên 2019, trong ngày Rằm tháng Chạp có các giờ hoàng đạo sau: giờ Sửu (từ 1h-3h), giờ Thìn (7h-9h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Mùi (13h-15h), giờ Tuất (19h-21h) và giờ Hợi (21h-23h).

2. Lễ vật cúng Rằm tháng Chạp

Lễ vật và văn khấn cúng rằm tháng chạp đúng chuẩn

Lễ vật và văn khấn cúng rằm tháng chạp đúng chuẩn

Cúng Rằm thường không quá cầu kì, giống các nghi thức khác lễ này cần chuẩn bị hai phương diện: đồ lễ và văn khấn. Đồ lễ là lễ vật dâng lên thần linh, gia tiên và văn khấn là bài khấn nguyện gửi gắm tâm tư nguyện vọng của con cháu tới các bậc anh linh. Đồ cúng tháng Chạp cũng tương tự như các ngày Rằm khác trong năm, nếu có thay đổi thì chỉ là một số chi tiết nhỏ không quá quan trọng.

Về đồ lễ, gia đình nào đơn giản thì chỉ cần cúng lễ chay gồm trầu cau, hoa quả, hoa tươi, hương đèn, nước sạch và nến. Hiện nay quả Phật thủ rất được ưa chuộng, bày ban thờ tươi lâu và ý nghĩa lại tốt đẹp; ngoài ra có thể sử dụng các loại quả thông thường như táo, cam, dưa hấu, chuối,…. Các loại hoa thường dùng là hoa huệ và hoa cúc – hai loài hoa được coi là có ý nghĩa tâm linh đặc biệt.

Gia đình nào muốn tươm tất hơn thì biện lễ mặn gồm các món ăn truyền thống như xôi gấc tượng trưng cho may mắn, gà luộc đại diện cho sung túc, giò chả, nem rán, món xào, canh măng miến và đặc biệt, có thể thêm bánh chưng cho không khí ngày cận tết càng thêm đầm ấm. Lễ vật chuẩn bị cho cúng Rằm không cầu kì sang trọng, chỉ cần thành tâm thành ý, thể hiện sự trân trọng của gia chủ là đủ.  

Đồ lễ cần thiết cho lễ cúng Rằm tháng Chạp

  • Hương
  • Hoa tươi
  • Trái cây
  • Trầu cau 
  • Nước sạch
  • Đèn nến
  • Vàng mã
  • Rượu, thuốc lá 

Văn khấn cúng Rằm tháng Chạp

Khi làm lễ cúng rằm tháng Chạp, cần phải đọc văn khấn cúng Thổ công và các vị thần linh trước rồi mới khấn tới gia tiên.

VĂN KHẤN CÚNG THỔ CÔNG VÀ CÁC VỊ THẦN

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)

Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Đông Thần Quân

Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần

Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần

Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.

Tín chủ (chúng) con là: ……………………………

Ngụ tại: ………………………………

Hôm nay là ngày … tháng … năm … tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa. Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này. Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời thương xót thương tín chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)

VĂN KHẤN CÚNG GIA TIÊN

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn Thần.

Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển Tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ)

Tín chủ (chúng) con là: ……….........

Ngụ tại: ………………….................

Hôm nay là ngày ….. gặp tiết ..... (ngày rằm, mồng một), tín chủ con nhờ ơn đức trời đất, chư vị Tôn thần, cù lao Tiên Tổ, thành tâm sắm lễ, hương, hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

Chúng con kính mời: Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ …......, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, làm ăn phát tài, gia đình hòa thuận.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)