“Lật tẩy” vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước Sông Đà
Cập nhật lúc: 24/10/2019, 10:00
Cập nhật lúc: 24/10/2019, 10:00
Sự cố “nước sạch Sông Đà” bị nhiễm bẩn đã, đang khiến dư luận dậy sóng. Nhóm phóng viên báo Tiền Phong là những người phát hiện đề tài và Tiền Phong cũng là một trong những tờ báo bám sát thông tin, có những bài viết, hình ảnh đầu tiên về vụ việc này.
Thông tin được tìm kiếm, khai thác từ những manh mối rất mỏng nhưng các phóng viên cùng Tòa soạn vẫn quyết tâm tìm ra sự thật, từ đó “lật tẩy” vụ đổ trộm dầu thải tại đầu nguồn nước Sông Đà (Kỳ Sơn, Hòa Bình), nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng chưa từng có tại phía Tây Nam Hà Nội vừa qua. Phóng viên Trần Hoàng – Báo Tiền Phong đã có những chia sẻ:
Từ ngày 10/10 – 11/10/2019, báo Tiền Phong cùng các cơ quan thông tấn bắt đầu đồng loạt đăng những phản ánh của người dân ở các khu vực Hoàng Mai, Thanh Xuân…về việc nước có mùi khét và nhiều mùi clo. Là phóng viên theo dõi mảng nước sạch ở Hà Nội, tôi biết đây không phải lần đầu tiên nước sông Đà bị phản ánh có mùi, đục, có màu lạ. Tuy nhiên, đây là lần đầu nước có mùi khét trên diện rộng như vậy, đặc biệt tôi đã đến một số chung cư để kiểm tra thông tin thì thấy rằng, nước ở thời điểm đó mùi rất hắc, người dân không thể sử dụng được.
Điều đáng nói là, trước đây mỗi lần nước sông Đà có sự cố thì lãnh đạo Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) thường có phản hồi ngay nhưng lần này thì không. Tôi đã cố gắng gọi hàng chục cuộc điện thoại cho các lãnh đạo Viwasupco nhưng bất thành. Tối ngày 12/10, Phó TBT Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng trao đổi với tôi về một nguồn tin cho biết, nguồn nước sạch có thể bị ô nhiễm, lãnh đạo còn gửi một bức hình về một đoạn suối đen kịt dầu. Ngay khi nhận thông tin nói trên, tôi cùng một đồng nghiệp Ban Thời sự ngay lập tức đi thẳng lên nhà máy nước sạch sông Đà. Khi đến nơi trời bắt đầu đổ mưa to, khu vực này cư dân khá ít nên chúng tôi phải tự mò đường. Xe đi qua rất nhiều suối nhưng do mưa to, nước chảy rất mạnh nên hầu như không còn thấy dầu ở điểm nào. Suốt hơn một tiếng đầu tiên nhóm phóng viên chúng tôi không tìm thấy manh mối nào, mọi việc có vẻ đi vào bế tắc.
Đúng lúc này, trời dần ngớt mưa, chúng tôi ngồi nghỉ ngơi ở một chỗ trú cạnh suối thì thấy mùi khét bốc lên nồng nặc. Đi càng gần dòng suối mùi càng bốc lên mạnh hơn. Lúc này chúng tôi cởi giầy, xắn ống quần và men theo đường mòn trơn trượt đi xuống dòng suối. Đoạn suối này còn lác đác váng đen, nhưng cỏ dại 2 bên suối thì bám đầy những vệt dầu đen. Đến lúc này chúng tôi nhận định, chắc chắn dầu thải đã tràn qua đây nên quyết định đi lên đầu nguồn. Đoạn đường xấu, trơn trượt do mưa, nên xe không thể đi lên tiếp, chúng tôi quyết định đi bộ. Chân lội suối, nhóm phóng viên bị bám dầu đen kịt, kỳ rửa mãi không sạch nhưng đổi lại, chúng tôi lại được cung cấp những nguồn tin đầu tiên từ phía những người dân, người chứng kiến sự việc này.
Trên đường đi, chúng tôi gặp anh Dũng, một người làm thuê tại trang trại gần dòng suối. Anh Dũng cho chúng tôi biết, cá trang trại chết đến chục tạ, ba ba cũng “ngắc ngoải” vì nguồn nước có vấn đề. Dẫn tôi vào trang trại, mở ra 2 thùng phi cá chết đang chuẩn bị làm phân bón cho cây, chưa kể hàng tạ cá chết đang chôn bên ngoài. Dòng suối chảy qua nhà anh Dũng bốc mùi khét lẹt. Sau đó, chúng tôi tìm gặp một số người dân xóm Vật Lại (xã Phú Minh), một trong số đó chính là người đã được thuê để vớt váng dầu. Họ kể về loại dầu thải mà ai nghe cũng phải rợn người. Dầu ăn găng tay cao su, khiến găng tay co dúm lại, bở ra không thể sử dụng lại. Một số người chủ quan vớt dầu rửa nhiều lần vẫn không hết dầu và mùi khét. Quần áo, ủng đi vớt thì ám mùi và ngập dầu không thể giặt sạch, bắt buộc phải đốt đi (đó là lý do Công ty Viwasupco tăng giá công cho họ từ 300 lên 500.000 đồng/ngày). Người dân cũng cung cấp cho nhóm phóng viên một số hình ảnh họ chụp lại hôm vớt dầu.
Với những thông tin này, chúng tôi tiếp tục phải thực hiện một công việc quan trọng khác, đó là xác minh nước từ dòng suối này có chảy về hồ Đồng Bài hay không? Nhóm phóng viên nhờ một người dân dẫn đi xuôi dòng suối, những khu vực bị lấp hay có góc khuất, chúng tôi trèo xuống tận nơi để kiểm tra. Sau gần 4km suối Trâm chảy xuống suối Bằng, nước suối Bằng chảy một vòng rồi đi thẳng vào hồ Đầm Bài (nhà máy nước sông Đà trực tiếp bơm nước từ đây).
Sau khi xác minh đầy đủ thông tin, chúng tôi tiếp tục liên hệ với lãnh đạo Viwasupco và cung cấp một số hình ảnh đề nghị đơn vị xác nhận và có ý kiến phản hồi. Đáng ngạc nhiên, lãnh đạo đơn vị này trả lời rằng: “Đây là sự nhầm lẫn, không phải nước ở gần nhà máy”. Trước sự vô trách nhiệm của nhà máy, sự cấp thiết cần thông tin của hàng vạn người dân đang sử dụng nước sông Đà, chúng tôi đã xử lý những thông tin, hình ảnh một cách nhanh nhất để những tuyến bài đến với độc giả một cách kịp thời nhất.
Thực tế, khó khăn nhất khi thực hiện những tuyến bài điều tra với chúng tôi đó là phải thực sự dấn thân và làm vì trách nhiệm xã hội. Từ nguồn tin rất mỏng ban đầu nhưng chúng tôi xác định ngay rằng, kể cả đây không phải là đầu nguồn nước sông Đà, mà là vụ đổ dầu tại một địa điểm khác thì cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh. Những gì liên quan đến người dân, người làm báo chúng tôi luôn phải có trách nhiệm xác minh làm rõ. Những vấn đề “nóng” như thế này, anh em phóng viên gặp rất nhiều áp lực khi thực hiện, thậm chí cả những lời đe dọa. Nhưng với nhiều vụ việc và cụ thể là vấn đề nước sông Đà lần này, chúng tôi luôn nghĩ trước tiên phải đưa đến cho bạn đọc những thông tin trung thực nhất.
Trên mạng xã hội, luôn có những thông tin đa chiều, thậm chí những vấn đề được lái theo một chiều hướng hoàn toàn khác. Chuyện đồn đại, vu khống nhận tiền để “đánh đấm” không thể tránh nếu làm báo, trừ khi “không làm thì không sai”. Riêng đối với vụ việc lần này, tôi khẳng định có liên hệ với Nhà máy nước sông Đuống gần như đồng thời sau khi đăng những bài viết đầu tiên. Việc này nhằm tìm hiểu sâu hơn về hệ thống lấy nước mặt và xử lý nước mặt, tiêu chuẩn kỹ thuật của bể sơ lắng, khi nào được châm thêm chất clo… khi mà công ty Viwasupco gần như không có bất cứ phản hồi gì về các thông tin báo chí đăng. Không chỉ làm việc với Nhà máy Sông Đuống, chúng tôi còn làm với các chuyên gia, luật sư... xung quanh vấn đề này. Đây cũng là một trong những kĩ năng nghề nghiệp và trách nhiệm trong thông tin của người làm báo với công chúng. Người làm báo không phải là “cuốn từ điển” cái gì cũng biết được, chúng tôi phải nỗ lực tìm hiểu các thông tin xung quanh sự việc từ nhiều nguồn tin. Nhờ đó, chúng tôi có được cái nhìn tổng quan về mặt được và những mặt chưa được của nước mặt. Thực tế là trong các hệ thống lấy nước mặt sông thì việc đảm bảo nước sạch đầu nguồn đang có vấn đề. Ở đây cần nhìn nhận việc kiểm soát, giám sát đầu vào và chất lượng nước đầu ra chưa đảm bảo. Mặc dù nhiều Thông tư của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng đều có đề cập đến an toàn nguồn nước nhưng hầu như chưa được thực hiện.
Không chỉ vậy, dù những kẻ đổ dầu thải “đầu độc” nguồn nước đã lộ diện, hồi chuông cảnh báo về an ninh nguồn nước vẫn là bài toán cần đưa ra giải quyết triệt để. Chính vì vậy, sắp tới, báo Tiền Phong sẽ tiếp tục đưa những bài viết tổng quan về hoạt động khai thác nước mặt và nước ngầm. Đồng thời dự kiến tổ chức một buổi tọa đàm với các nhà quản lý tại tỉnh Hòa Bình, TP. Hà Nội, các nhà làm chính sách… làm sao để có sự hài hòa giữa hai nguồn nước, quản lý an ninh an toàn nước ra sao, từ đó góp ý cho nhà quản lý để có phương án quản lý nguồn nước phù hợp.
13:53, 22/10/2019
13:10, 21/10/2019
06:00, 18/10/2019