18/01/2025 | 12:08 GMT+7, Hà Nội

Làm thế nào để sớm phát hiện được nguồn nước đang bị ô nhiễm và cách xử lý?

Cập nhật lúc: 21/10/2019, 13:10

"Để đánh giá chất lượng nguồn nước sạch chúng ta vẫn phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm mẫu nước của các đơn vị chức năng thông qua các mẫu xét nghiệm định kỳ trong khi nguồn nước đầu vào có thể biến động, thay đổi".

Chưa có phương án triệt để kiểm soát nguồn nước đầu vào

Sự cố ô nhiễm nguồn nước Sông Đà vừa qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của khoảng hơn 150.000 khách hàng là các hộ gia đình và cơ quan, đơn vị thuộc địa bàn các quận huyện phía Tây Nam của thành phố Hà Nội như: Hà Đông, một phần Nam Từ Liêm, một số xã của huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa...

Từ sự việc này, một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường không khỏi giật mình vì đại đa số các nhà máy nước của chúng ta đều sử dụng nguồn nước đầu vào từ nước mặt lấy từ các sông suối, ao hồ sau đó xử lý theo quy trình, công nghệ xử lý của nhà máy nước.

Trong điều kiện bình thường nguồn nước sử dụng vẫn đạt tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt theo quy định. Tuy nhiên, do nguồn nước đầu vào là nước ao hồ, sông suối lấy từ tự nhiên nên sẽ biến động rất lớn về chất lượng nguồn nước thô đầu vào cho các nhà máy nước sạch. Do đó, chất lượng nước đầu ra ở nhiều thời điểm có kết quả khác nhau là một thực trạng đang diễn ra ở nhiều nơi.

Trong những năm vừa qua chúng ta cũng thường bắt gặp các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, nước sạch ở các khu vực nào đó có nồng độ Asen hoặc Amoni vượt hạn mức cho phép. Một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ việc các nhà máy nước sạch chưa có phương án triệt để để kiểm soát được nguồn nước đầu vào cung cấp cho các nhà máy nước.

Thạc sĩ Lê Hữu Thi – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường và Chăm sóc Sức khỏe trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Lê Hữu Thi – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường và Chăm sóc Sức khỏe trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam - chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu về nguồn nước của Việt Nam cho rằng, việc kiểm soát, đảm bảo an toàn cho nguồn nước thô trước khi được xử lý cần được quan tâm đặc biệt.

“Hiện nay phần lớn các nhà máy cấp nước sạch thường sử dụng các nguồn nước mặt để làm nguồn cấp nước thô đầu vào, sau đó qua quá trình xử lý của nhà máy để cho ra nguồn nước sạch cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, với công nghệ xử lý nước hiện nay, các nhà máy nước sạch còn nhiều hạn chế, trong khi đó nguồn nước đầu vào cho các nhà máy nước thường phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước của các ao hồ, sông suối. Do vậy, việc vận hành kiểm soát, bảo vệ nguồn nước thô đầu vào cho các nhà máy gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương và đơn vị dịch vụ cấp nước.

Ai trong chúng ta cũng biết nguồn nước sạch để ăn uống, sinh hoạt là một phần không thể thiếu của cuộc sống, nhưng làm thế nào để có nguồn nước sạch đủ tiêu chuẩn và ổn định về chất lượng cung cấp cho người dân trở thành một bài toán không hề đơn giản cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ nước sạch sinh hoạt, đặc biệt sau sự cố ô nhiễm nước sạch Sông Đà vừa qua.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để các đơn vị cung cấp nguồn nước sạch và người sử dụng có thể sớm phát hiện nhanh được nguồn nước đang bị ô nhiễm? Trong khi đó hiện nay các thiết bị quan trắc của các nhà máy nước sạch chỉ kiểm soát được sơ bộ một số tiêu chí cơ bản về hàm lượng chất rắn hòa tan, độ dẫn diện, độ trong, hóa chất… Để đánh giá chất lượng nguồn nước sạch chúng ta vẫn phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm mẫu nước của các đơn vị chức năng thông qua các mẫu xét nghiệm định kỳ trong khi nguồn nước đầu vào có thể biến động, thay đổi hàng giờ”, ông Lê Hữu Thi cho biết.

Một thực trạng hiện nay rất dễ nhận thấy đó là, do tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp phát triển nhanh chóng ở các tỉnh thành dẫn đến hệ thống cấp nước ở nhiều khu vực bị quá tải. Vào những thời gian cao điểm, các nhà máy cấp nước sạch hoạt động quá công suất. Việc đảm bảo nguồn nước cung cấp cho khách hàng cũng tạo áp lực không nhỏ thậm chí có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp.

Trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ nước sạch cũng đang lúng túng trong việc kiểm soát nguồn nước đầu vào cho các nhà máy thì đâu là giải pháp cho người dân đang sử dụng nước sạch từ các nhà máy mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là nước sạch?

Đâu là giải pháp để bảo vệ nguồn nước sạch hiện nay?

Thạc sĩ Lê Hữu Thi cho hay, Nhà nước cần phải có chiến lược quy hoạch và bảo vệ các nguồn nước sạch đồng bộ trên cả nước. Bên cạnh các văn bản luật hiện hành, cần thiết phải hoàn thiện thêm các văn bản pháp luật để bảo vệ nguồn nước đầu nguồn.

Suối đầu nguồn sông Đà bị ô nhiễm do dầu thải (Ảnh: Dân trí)

“Về vĩ mô, trước khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp cần phải có tính toán quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước đồng bộ, đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai; Ban hành cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bên có liên quan trong việc bảo vệ nguồn nước đầu nguồn; Tuyên truyền vận động nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn nước; Ban hành quy chuẩn chặt chẽ, tăng cường công tác quản lý giám sát nguồn nước của các nhà máy cấp nước.

Về vi mô, cần phải đầu tư, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến công nghệ hiện đại cho các nhà máy nước. Xây dựng phương án và trang bị thiết bị cảnh báo rủi ro khi nguồn nước đầu vào bị biến động.

Kết nối mạng lưới cung cấp nguồn nước thô đầu vào cho các nhà máy nước, đảm bảo một nhà máy nước có tối thiểu 2 -3 nguồn nước thô đầu vào khác nhau để khi phát hiện sự cố ở nguồn nước thô đầu vào có vấn đề phải chuyển ngay sang nguồn nước dự phòng để đảm bảo hệ thống cấp nước phải hoạt động liên tục.

Về góc độ tổ chức, cá nhân, sử dụng nước: Khuyến cáo người sự dụng nước hãy phát hiện và phản hồi kịp thời cho đơn vị cung cấp và cơ quan chức năng khi phát hiện sự cố nguồn nước.

Người dân có thể tự trang bị xử lý nước đầu nguồn trước khi cấp vào hệ thống nước sinh hoạt của cả gia đình, lưu ý phải lựa chọn đơn vị dịch vụ xử lý nước chuyên nghiệp, có nguồn gốc các loại vật tư thiết bị xử lý nước rõ ràng.

Ngoài ra, do đặc thù nước các nhà máy nước hiện nay chỉ đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch dung cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế, nên để sử dụng nước uống các gia đình có thể lựa chọn thêm các loại thiết bị lọc nước với công nghệ phù hợp", Thạc sĩ Thi cho hay.