Nữ giám đốc thuê nhóm đối tượng “đầu độc” nguồn nước sạch sông Đà là ai?
Cập nhật lúc: 21/10/2019, 11:40
Cập nhật lúc: 21/10/2019, 11:40
Trước khi thực hiện hành vi bị cả xã hội lên án, Vũ làm nghề buôn bán dây chun nhưng cách đây khoảng 4-5 năm thì chuyển sang thành lập một xưởng đốt cao su để ép dầu. Sau đó, xưởng xảy ra sự cố nổ gây chết người nên Vũ thôi không hoạt động và chuyển xưởng đi nơi khác làm.
Cách đây mấy tháng, Công an huyện Thuận Thành đã ra quyết định xử phạt đối tượng này về hành vi gây rối trật tự công cộng, cụ thể là hành vi đốt xe và đánh người. Nhiều người thân cũng xác nhận gần đây Vũ vướng vào nhiều khoản nợ nần.
Lý Đình Vũ tại cơ quan điều tra. Ảnh do công an cung cấp
Sáng 20/10, sau khi Lý Đình Vũ ra đầu thú, cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh đã bàn giao đối tượng cho Công an tỉnh Hòa Bình để tiếp tục đấu tranh, làm rõ vụ án theo thẩm quyền.
Theo lời khai ban đầu của Vũ thì đối tượng có quen biết từ trước với một phụ nữ tên Trang, là giám đốc một công ty gạch tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Trang nói có dầu cặn thải nên đã thuê Vũ đi đổ hộ với giá 7 triệu đồng.
Từ lời khai của đối tượng Lý Đình Vũ và quá trình lấy lời của đối tượng khác, cơ quan công an đang làm rõ động cơ thuê Vũ đổ thải của nữ giám đốc tên Trang.
Từ trái qua, các đối tượng Hoàng Văn Thám và Nguyễn Chương Đại.
Tuy nhiên, nguyên nhân vụ việc này hiện đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều luồng giả định khác nhau, trong đó dư luận đặt ra câu hỏi, nữ giám đốc tên Trang có phải người của Công ty Gốm sứ Thanh Hà hay không? Có phải Công ty Gốm sứ Thanh Hà đã thuê các đối tượng trên đi "xả" 10m3 chất thải hay không? Vì sao nữ giám đốc tên Trang lại thuê Vũ đi đổ số lượng dầu thải trên? Vì sao lại chọn đầu nguồn nước sạch Sông Đà để xả thải chứ không phải địa điểm khác?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, Phú Thọ) xác nhận thông tin nguồn dầu thải trong vụ việc là của công ty mình. Ông Truyền khẳng định, quan điểm của cá nhân và công ty là không ủng hộ việc vi phạm làm ô nhiễm môi trường.
Từ đường Quốc lộ 6 để đi vào khu vực xả thải là đoạn đường gồ gề, di chuyển khó khăn. Điều đáng ngạc nhiên là nhóm đối tượng quyết tâm phải vào được đến tận khu suối ở đầu nguồn nước sông Đà để xả thải. Ảnh: Nhật Tân
Đáng chú ý, theo lời ông Truyền, dầu thải này từ máy ép và mỗi năm sẽ có khoảng 400 lít dầu thải như vậy. Trước đây, lượng dầu này được nông dân quanh nhà máy xin về để đổ xuống ruộng để tránh chuột vào cắn lúa nhưng giờ họ không xin nữa. Trong khi đó, dù công ty đã ký với Công ty Môi Trường Xanh để xử lý chất thải nhưng phải đủ số lượng. Do vậy, có thể người làm ở bộ phận kho của Công ty Gốm sứ Thanh Hà đã lén lút đem cho (hoặc bán) số lượng dầu nói trên.
"Lượng dầu cặn này mà xử lý phải mất tới 3,5 triệu đồng/khối nên tôi nghĩ đây hoàn toàn là bài toán kinh tế, vì lòng tham của con người thôi. Không có chuyện thuê mướn để hại nhau đâu...", ông Nguyễn Đức Truyền nói.
Lượng dầu thải bị xả trộm quá lớn khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
Trước đó, ngày 16/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Gây ô nhiễm môi trường". Một ngày sau, Công an tỉnh Hòa Bình quyết định tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp với Đại và Thám để phục vụ công tác điều tra.
Số dầu thải mà bọn chúng xả trộm đã chảy tràn xuống suối Trâm, vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà. Từ ngày 10/10, nhiều khu vực của TP Hà Nội người dân phát hiện nước sạch sông Đà có mùi lạ, có nơi ngửi thấy khét, rất khó chịu.
Giới chức Hà Nội sau đó phải ra khuyến cáo người dân không dùng nước này để ăn uống, mà chỉ dùng tắm giặt, đồng thời thành phố tiến hành cung cấp nước sạch miễn phí cho người dân.
Công nhân Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam tiến hành khử trùng tại khu vực bị xả dầu thải khiến nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sông Đà ô nhiễm.
Tình trạng thiếu nước sạch trong nhiều ngày đã khiến cuộc sống của người dân ở Hà Nội đảo lộn. Ngoài ra, người dân lo ngại sức khỏe bị ảnh hưởng khi dùng phải nước không đảm bảo trong nhiều ngày, trước khi có khuyến cáo từ nhà chức trách.
Người thân của Lý Đình Vũ cho biết, trong ngày 20/10, sau khi đầu thú, Vũ được tiếp xúc với gia đình tại trụ sở công an tỉnh.
Chị C, vợ Vũ kể lại: "Anh ấy nói đây là lần đầu tiên đổ trộm chất thải và được thuê với tiền công 7 triệu đồng. Tôi hỏi lại, vì 7 triệu đồng mà đánh đổi cả cuộc đời liệu có đáng không? Thậm chí 7 triệu đó còn phải trả lương cho nhân viên, xăng xe".
Cũng theo chị C., Vũ nói từng có ý định thuê khu đất trống gần nhà máy nước sạch để làm lò gạch nên biết khu vực đó vắng vẻ, xa khu dân cư nhưng Vũ không ngờ chỗ mình đổ thải lại có con suối ở dưới.