19/01/2025 | 01:17 GMT+7, Hà Nội

Lao động, việc làm và thu nhập của người lao động được phục hồi, cải thiện

Cập nhật lúc: 09/10/2020, 17:12

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý 3/2020 đã được phục hồi, cải thiện hơn so với quý 2.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động 9 tháng đầu năm tăng 1%. Nếu lực lượng lao động 9 tháng năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016 - 2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động.

Tham dự họp báo công bố "Tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2020" có bà Valentina Barcucci, Phó giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam; đại diện các bộ, ngành và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí phát thanh, truyền hình trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Phục hồi trở lại so với quý trước

Tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý 3 và 9 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên do được Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tái bùng phát vào cuối tháng 7 tại Đà Nẵng đã tác động tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm của cả nước. Thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng không nhỏ...

Theo cơ quan thống kê quốc gia, kinh tế trong nước đang dần phục hồi trở lại so với quý trước. Trong quý 3, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19 đều có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.

Tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý 3/2020 cũng được cải thiện so với quý trước, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý 3 và 9 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Lao động, việc làm và thu nhập của người lao động được phục hồi, cải thiện

Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%.

Lao động quý 3/2020 tăng 1,5 triệu người

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 3/2020 là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

"Điều này cho thấy, sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II/2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước", bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc quý 3/2020 tăng 1,5 triệu người so với quý trước và tăng chủ yếu ở nhóm lao động phi chính thức. Số người thiếu việc làm tăng 560,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tình trạng thiếu việc làm không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản như các quý trước mà còn tăng lên ở cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Lao động tại khu vực nông thôn và lao động nữ vẫn là những nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi tác động của dịch Covid-19 với mức giảm của lực lượng lao động thuộc hai nhóm này so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 3,2% và 2,3%.

Bên cạnh đó, số lao động thiếu việc làm ở cả 3 khu vực kinh tế cũng gia tăng đáng kể.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý 3/2020 là 1,3 triệu người, giảm 81.400 người so với quý trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 560.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Gần một nửa số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý 3/2020 đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; song khu vực công nghiệp và xây dựng cũng không ngoại lệ.

Thu nhập của người lao động cũng đã cải thiện

Đáng chú ý, thu nhập của người lao động quý 3/2020 đã cải thiện so với quý trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức.

Theo đó, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 3 đạt 5,5 triệu đồng, tăng 258 nghìn đồng so với quý trước và giảm 115 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,3 triệu đồng, lao động nữ là 4,6 triệu đồng; lao động ở khu vực thành thị là 7 triệu đồng, lao động ở khu vực nông thôn là 4,8 triệu đồng.

Về thu nhập bình quân, lao động có thâm niên làm việc càng cao thì mức giảm thu nhập càng thấp.

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập 9 tháng năm 2020 của nhóm lao động có thời gian làm việc từ 3 năm trở lên có tốc độ giảm thấp nhất (giảm 0,6%).

Trong khi nhóm lao động có thời gian làm việc từ 3 tháng đến dưới 3 năm giảm 3,8%, nhóm lao động có thời gian làm việc dưới 3 tháng giảm 42,6%.

Điều này cho thấy, lao động mới tham gia thị trường lao động là nhóm dễ bị tổn thương hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới tình hình lao động việc làm.

Kết quả Điều tra lao động việc làm quý III năm 2020 cho thấy người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Đây là những đối tượng quan trọng góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Theo đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị các giải pháp tập trung vào đối tượng này như sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả.

Tập trung hỗ trợ cho các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm và đóng góp sức lao động trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Thứ ba, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19.

Trong đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp.