19/01/2025 | 06:10 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Sẽ rà soát việc chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho lao động tự do

Cập nhật lúc: 23/07/2020, 06:40

Dự kiến trong tuần này, lãnh đạo Thành phố sẽ chủ trì họp liên ngành, trong đó có Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đánh giá và rà soát việc chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho lao động tự do...

Dự kiến trong tuần này, lãnh đạo Thành phố sẽ chủ trì họp liên ngành, trong đó có Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đánh giá và rà soát việc chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho lao động tự do, từ đó tiếp tục tháo gỡ khó khăn đối với nhóm đối tượng này để làm sao chi trả kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định.

Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 21/7, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được Hà Nội triển khai rất bài bản, khẩn trương, đúng quy định.

"Với 4 nhóm đối tượng gồm: Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, chỉ 2 ngày sau khi Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định, các địa phương đã trao hỗ trợ cho gần 90% trường hợp. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng", ông Khánh nói.

Tuy nhiên với nhóm đối tượng lao động tự do, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, trong quá trình triển khai thực hiện có một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố có văn bản hỏi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đến nay, Bộ đã có văn bản trả lời, giải đáp những khó khăn.

"Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ra văn bản hướng dẫn các quận, huyện. Dự kiến trong tuần này, lãnh đạo Thành phố sẽ chủ trì họp liên ngành trong đó có Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đánh giá và rà soát, từ đó tiếp tục tháo gỡ khó khăn đối với nhóm đối tượng này để làm sao chi trả kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định", ông Khánh thông tin.

Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc chi trả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cho lao động tự do

Trước đó, báo cáo về việc thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ tại  Hội nghị giao ban  triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2020, UBND Thành phố cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước triển khai sớm gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020, Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1757/QĐ-UBND ngày 29/4/2020 của UBND Thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai rất kịp thời, hiệu quả việc hướng dẫn, chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo thuộc Thành phố gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Kết thúc giai đoạn 1, Thành phố đã hoàn thành cơ bản việc chi trả gói an sinh xã hội đợt 1 cho một số nhóm đối tượng. Cụ thể, Thành phố đã có hơn 400.000 người được tiếp cận gói hỗ trợ này với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 500 tỷ đồng. Quá trình chi trả có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng từ thành phố tới cơ sở, bảo đảm an toàn về nguồn tiền, tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Đến nay, các cơ quan chức năng chưa nhận bất kỳ thông tin phản ánh nào về việc chi trả để xảy ra nhầm lẫn hay sai sót.

Cũng theo UBND Thành phố, công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh đang được tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Thành phố đã xét duyệt cho vay từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho 22.926 lao động với số tiền 1.009 tỷ đồng; duyệt trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 22.188 người với số tiền 496,2 tỷ đồng.

Ngoài việc chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội, một số quận như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm… đã thực hiện nghiêm túc việc vận động các hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu mở cửa hoạt động sau 9h00 hằng ngày, đồng thời linh hoạt trong các biện pháp quản lý, kịp thời hỗ trợ người dân. Ghi nhận bước đầu cho thấy mật độ phương tiện tham gia giao thông vào các giờ sáng đã giảm đáng kể, hạn chế cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố trong các giờ cao điểm.