19/01/2025 | 10:04 GMT+7, Hà Nội

Lãnh đạo phường Tứ Liên buông lỏng hay "làm ngơ" cho sai phạm trật tự xây dựng?

Cập nhật lúc: 21/07/2020, 13:30

Ngày 25/3/2019, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch TP ông Nguyễn Đức Chung cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm TTXD còn nhức nhối ở Hà Nội là cán bộ cơ sở "có biểu hiện bao che, làm ngơ".

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

"Sai phạm trật tự xây dựng là do cán bộ cơ sở bao che, làm ngơ"

Tháng 5/2020, phóng viên (PV) liên hệ và đặt lịch làm việc với UBND phường Tứ Liên về những vấn đề sai phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn, đến nay sau hơn 2 tháng, chính quyền phường Tứ Liên vẫn "im lặng", mặc dù trong giấy giới thiệu của PV, đã có bút phê của Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - ông Đỗ Anh Tuấn. Phải chăng, chính quyền phường Tứ Liên "coi thường" chỉ đạo của UBND quận cũng như những thông tin phản ánh của báo chí về  sai phạm TTXD đã và đang xảy ra trên địa bàn phường?!

Được biết, tại phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội), dư luận địa phương đang vô cùng bức xúc trước tình trạng vi phạm TTXD diễn ra ồ ạt, ngang nhiên còn chính quyền địa phương lại không thẳng tay xử lý. Chính vì vậy, Tứ Liên nghiễm nhiên trở thành điểm nóng của tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận Tây Hồ, một trong những vấn đề nhức nhối gây khó khăn trong việc phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội.

Một công trình tại khu vực đê Quai thuộc phường Tứ Liên xây dựng đồ sộ trên đất nông nghiệp. Đáng nói, công trình này nằm gần trụ sở UBND Phường Tứ Liên.

Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp vi phạm TTXD trên địa bàn thành phố Hà Nội đang diễn ra công khai mà không hề được chính quyền cơ sở xử lý, dẫn đến việc người dân trên địa bàn vô cùng bức xúc, gửi đơn khiếu nại, tố cáo lên các cấp chính quyền. 

Một số công dân sống trên địa bàn đã có đơn tố cáo đích danh ông Nguyễn Công Quảng – Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên.

Theo nội dung đơn thư tố cáo của ông Dương Tiến Sử, địa chỉ ngõ 76, phố An Dương (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) từ năm 2019 cho đến nay, ông Nguyễn Công Quảng sau khi được điều động giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên đã có nhiều dấu hiệu không làm tròn trách nhiệm, dẫn đến nhiều sai phạm trong trật tự xây dựng trên địa bàn.

Trích đơn thư của ông Dương Tiến Sử, địa chỉ ngõ 76, phố An Dương, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ.

Cụ thể, trong nội dung đơn tố cáo nêu chính xác các công trình tại số 80B ngõ 310 đường Nghi Tàm; số nhà 27 và 47 thuộc ngách 35/76 phố An Dương; số nhà 3 ngõ 172 phố Âu Cơ đều không có giấy phép nhưng tiến hành xây dựng 3 tầng kiên cố. Hiện tại, ông Dương Tiến Sử đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Công Quảng lên UBND quận Tây Hồ với mong muốn làm rõ các vấn đề sai phạm xảy ra trên địa bàn phường Tứ Liên.

Ngoài những sai phạm về TTXD đã được chỉ ra trong bài "Phường Tứ Liên: Sai phạm TTXD ai cũng thấy, chỉ chính quyền phường "không thấy?", đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn phường Tứ Liên còn phát hiện rất nhiều sai phạm như công trình 145 Âu Cơ, công trình trong ngõ 172 Âu Cơ xây dựng trái phép; tại địa chỉ số 52A ngõ 124/22 đường Âu Cơ, một công trình đồ sộ và đẹp mắt đã bắt đầu hoàn thiện 6 tầng 1 lửng; số 8 ngõ 124/64 đường Âu Cơ, công trình đã xây dựng 6 tầng.

Công trình 145 Âu Cơ có dấu hiệu xây dựng trái quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, con đường mang tên "Đường nước Phần Lan" trên địa bàn phường Tứ Liên thực tế không hề có tên trong ngân hàng đặt tên đường của thành phố Hà Nội. Con đường nằm trên khu đất được người dân quây tôn hoặc xây nhà dựng cửa kiên cố, đóng biển  quảng cáo, biển số nhà. Bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hoá (Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội) cho biết, thành phố chưa hề ra quyết định đặt tên con đường nào như vậy. Bà Lan Anh khẳng định, để xảy ra tên đường tự phát tồn tại, trách nhiệm quản lý thuộc về phường, quận. 

Con đường mang tên "Đường nước Phần Lan" trên địa bàn phường Tứ Liên thực tế không hề có tên trong ngân hàng đặt tên đường của thành phố Hà Nội

Như vậy, trách nhiệm của chính quyền UBND phường Tứ Liên và lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Tây Hồ ở đâu, như thế nào trước những sai phạm lộ rõ như ban ngày?

Việc xử lý nghiêm và dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP Hà Nội luôn được lãnh đạo thành phố coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng Hà Nội trở thành thành phố văn minh, là nơi đáng sống. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc xử lý vi phạm TTXD bởi nhiều nguyên nhân. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung đã từng thẳng thắn chỉ ra những góc khuất của việc sai phạm TTXD tràn lan, tại kỳ họp của HĐND TP Hà Nội về công tác quản lý trật tự xây dựng do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức ngày 25/3/2019. Theo lời ông Chung, nguyên nhân của hiện trạng vi phạm trật tự xây dựng nhức nhối trên địa bàn là có việc cán bộ cơ sở có biểu hiện bao che, làm ngơ cho công trình vi phạm dẫn đến công trình đã xây xong, thậm chí đã xây dựng với quy mô lớn rồi mới bị phát hiện.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. 

Trong 3 năm qua (2016 – 2019), đã có 98 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đã bị kỷ luật, cách chức liên quan đến trách nhiệm trong quản lý TTXD tại địa bàn phụ trách.

Luật sư Nguyễn Văn Đạt, Công ty Luật TNHH SH Legal Việt Nam cho rằng: “Những vụ việc sai phạm đất đai và trật tự xây dựng có thể bắt gặp ở khắp nơi, thường là những sai phạm nhỏ do người dân tự ý lấn chiếm đất nông nghiệp bằng các công trình tạm dễ tháo lắp hay cố ý xây dựng vượt tầng, vượt mật độ xây dựng. Theo quy định pháp luật, những cá nhân, tổ chức sai phạm buộc phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.”

Bên cạnh việc xử lý các cá nhân, công trình sai phạm, Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai và Luật Cán bộ, công chức đã quy định khá chi tiết về các trường hợp bị xử lý vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai có thể bị xử lý kỷ luật đến cách chức, buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 25/3/2019, cũng tại kỳ họp của HĐND TP Hà Nội về công tác quản lý trật tự xây dựng do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội còn kéo dài một phần là do lực lượng thanh tra xây dựng địa phương chưa làm hết trách nhiệm.

"Một gia đình đẩy xe cát vào nhà, thanh tra xây dựng biết nhưng tại sao nhà xây to như con voi mà các đồng chí lại không biết? Ở đây, các đồng chí chưa làm hết trách nhiệm, chỉ lập biên bản báo cáo để đấy, chứ chưa xử lý", bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

Số nhà 66 Đê Quai thuộc phường Tứ Liên được xây dựng đồ sộ, kiên cố trên đất nông nghiệp.

"Mỗi người dân là một người giám sát về TTXD"

Đó là quan điểm của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi phát biểu tại Phiên giải trình do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức sáng 25/03/2019. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ mong muốn cử tri, nhân dân tiếp tục giám sát công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn, hỗ trợ thành phố giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực này.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vi phạm TTXD tập trung ở 4 nhóm: Vi phạm TTXD ở các công trình, dự án do các chủ đầu tư, công ty thực hiện; vi phạm TTXD của các cá nhân, hộ gia đình; vi phạm trên đất nông nghiệp (gồm cả phần đất công do UBND các phường, xã giao cho chủ đầu tư quản lý và phần đất do các hộ dân thực hiện); vấn đề liên quan đến nhà siêu mỏng, siêu méo; vi phạm trật tự quản lý về đất rừng phòng hộ, trong đó có vi phạm diễn ra trong thời gian dài, nhiều công trình vi phạm gây bức xúc và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, với nội dung vi phạm như vậy, để lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng, ngay từ năm 2016, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố”. Thực hiện Chỉ thị này và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND TP đã ban hành những quy định cụ thể, đề ra những biện pháp, lộ trình cụ thể.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp thu các ý kiến đại biểu và khẳng định quyết tâm xử lý dứt điểm trong thời gian tới. Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung mong muốn cử tri, nhân dân tiếp tục giám sát công tác này, hỗ trợ thành phố giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vi phạm.

Trước thực trạng vi phạm TTXD đang diễn ra ngang nhiên nhiều năm qua, để tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp ngăn chặn đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, mới đây UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp chính quyền và sở, ngành chức năng phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, gắn với phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính.

Mặc dù có sự chỉ đạo sát sao từ UBND TP Hà Nội và các cấp chính quyền, thế nhưng thực trạng vi phạm TTXD tại phường Tứ Liên vẫn diễn ra ồ ạt và công khai, gây nên nhiều hệ luỵ cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, khiến người dân trên địa bàn thành phố vô cùng bức xúc. Nhưng không biết vì lý do gì chính quyền địa phương liệu vẫn tiếp tục im lặng "làm ngơ" cho sai phạm?!