19/01/2025 | 10:24 GMT+7, Hà Nội

Phường Tứ Liên: Trách nhiệm lãnh đạo phường mờ nhạt, dân bức xúc làm đơn kiện

Cập nhật lúc: 15/07/2020, 08:56

Có một thực tế đã và đang diễn ra tại Tứ Liên là tình trạng quản lý và sử dụng đất đai thiếu quy hoạch, buông lỏng pháp luật, dù thành phố và quận Tây Hồ liên tục có công văn yêu cầu xử lý các sai phạm.

Trên một website mua bán bất động sản có đăng tin: “Bán mảnh đất nông nghiệp diện tích 115m, chiều ngang 3,5m. Mặt đường Âu Cơ, cạnh đất chợ Hoa Quảng Bá, thuộc phường Tứ Liên. Đất là đất ở đô thị, không trong quy hoạch, rất thích hợp để mua về đầu tư chờ cấp sổ đỏ. Đặc biết đường Âu Cơ đã bắt đầu hạ đê để mở rộng đường nên vị trí đất nếu không mua sớm sẽ không còn đâu ạ. Ai có nhu cầu xem đất liên hệ mình nhé…”. 

Theo người này, hiện trên mảnh đất nông nghiệp này đã được xây dựng một nhà tạm cấp 4 bằng tôn. Căn nhà tôn đã được xây dựng cách đây vài năm. Bởi đây là đất nông nghiệp nên không có sổ đỏ.

“Tôi không dám chắc là bạn mua đất nông nghiệp này và xây nhà cấp 4 kiên cố thì có gặp khó khăn gì hay không. Nhưng hàng xóm nhà tôi cũng xây nhà cấp 4 kiên cố trên nguồn gốc đất nông nghiệp, Tết năm ngoái đã hoàn thiện. Anh ta phải làm luật với chính quyền phường Tứ Liên và Đội TTXD của Quận Tây Hồ mới hoàn thành được. Nếu bạn muốn mua đất và xây nhà, tôi sẽ giới thiệu bạn để người đó chỉ dẫn cho…”, người rao bán chia sẻ.

Một công trình có dấu hiệu sai phạm về sử dụng đất ngay gần trụ sở UBND Phường Tứ Liên cũ đã tồn tại từ khá lâu.

Trên thực tế, những điều mà người đăng bán tư vấn cho PV là hoàn toàn có cơ sở, khi mà nhiều năm qua, tình trạng người dân xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp đã và đang diễn ra theo cấp số nhân tại phường Tứ Liên (quận Tây Hồ).

Cụ thể, theo nội dung đơn thư tố cáo của ông Dương Tiến Sử, địa chỉ ngõ 76, phố An Dương, phường Tứ Liên cho rằng đã có hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Công Quảng – Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên khi gây tổn thất tài sản Nhà nước và nhân dân ở mức nghiêm trọng. 

Đơn thư của ông Dương Tiến Sử gửi UBND quận Tây Hồ

Hiện tại, ông Dương Tiến Sử đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Công Quảng lên UBND quận Tây Hồ và các ngành chức năng khác, với mong muốn làm rõ các vấn đề sai phạm đã và đang xảy ra trên địa bàn phường Tứ Liên

Bên cạnh đó, ngoài những vấn đề tranh chấp đất đai, sai phạm đã được người dân phản ánh bằng đơn thư, PV còn ghi nhận trên địa bàn phường Tứ Liên nổi cộm rất nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị ngang nhiên hiện hữu, thậm chí có những sai phạm như công trình xây vượt tầng hoặc xây nhà trên đất nông nghiệp xảy ra ngay sát trụ sở của UBND Phường Tứ Liên nhưng chính quyền phường này  hình như không hề hay biết. 

Cụ thể, công trình tại hẻm 50 ngõ 310 Nghi Tàm có nguồn gốc là đất nông nghiệp nhưng đã xây dựng kiên cố thành ngôi nhà 2 tầng và mới đi hoàn thiện. Tiếp đến, công trình số 55 ngách 172/55 Âu Cơ (ngách 124/55 Âu Cơ kéo dài) được quây tôn xây dựng 3 tầng trên nền đất nông nghiệp, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện. Công trình số 115 đường nước Phần Lan, cũng được xây dựng 5 tầng trên đất nông nghiệp. 

Theo khảo sát tại ngách 45, 55, ngách 22, ngõ 124 Âu Cơ; khu vực đê Quai; khu vực ngách 76/35 An Dương; khu vực đường nước Phần Lan; khu vực ngõ 31 Nghi Tàm… đều có hiện tượng công trình xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp.

Có thể thấy, tình trạng xây dựng, lấn chiếm và sử dụng đất sai mục đích tại phường Tứ Liên vẫn đã và đang diễn ra một cách vô cùng khủng khiếp mà không hề thấy hành động rõ rệt nào từ chính quyền địa phương cùng Đội TTXD quận Tây Hồ. 

Trong khi đó, UBND quận Tây Hồ đã từng có những chỉ đạo rốt ráo buộc UBND phường Tứ Liên phải xử lý nghiêm túc những sai phạm về TTXD. Công văn số 402/UBND-KT, ban hành ngày 6/4/2020, UBND quận Tây Hồ đã yêu cầu UBND các phường có đê và các đơn vị trực thuộc chỉ đạo xử lý vi phạm pháp về đê điều. 

Công văn nêu rõ, trước tình hình vi phạm Luật Đê điều xảy ra trên địa bàn các phường có đê có diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng đổ trộm phế thải, lấn chiếm bờ, bãi sông, xây dựng lều lán trái phép, trồng rau, hoa màu, nuôi động vật, để vật liệu, rác thải trên mái đê... UBND quận Tây Hồ yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc, UBND các phường có đê nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Yêu cầu các phường, trong đó có phường Tứ Liên phải xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm Luật Đê điều còn tồn tại trên địa bàn quận tính từ 2010 đến nay. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn không để phát sinh mới; tiếp tục, xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; tăng cường công tác quản lý không để phát sinh mới các trường hợp xây dựng nhà, lều lán trái phép vi phạm Luật Đê điều.

Thế nhưng, theo ghi nhận của PV thì những sai phạm mới vẫn tiếp tục xảy ra tại phường Tứ Liên sau công văn chỉ đạo rất rõ ràng của quận Tây Hồ. 

Đã gần 2 tháng sau khi PV liên hệ và đặt lịch làm việc với UBND phường Tứ Liên nhưng chính quyền phường này vẫn im lặng dù giấy giới thiệu của PV đã có bút phê của Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - ông Đỗ Anh Tuấn. Phải chăng, chính quyền phường Tứ Liên coi thường chỉ đạo của UBND quận và "không có gì để nói" với báo chí về những sai phạm đã và đang xảy ra trên địa bàn phường?

Cũng về vấn đề vi phạm trật tự xây dựng đô thị, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 26/3/2019, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - Nguyễn Lê Hoàng đã nhấn mạnh: “Các trường hợp xây dựng không phép, sai phép phát sinh, quận đều cưỡng chế dỡ bỏ, cương quyết xử lý dứt điểm”. Nhưng không hiểu vì sao riêng ở phường Tứ Liên, dù sai phạm lồ lộ phát sinh, chính quyền sở tại vẫn không hề xử lý? 

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Văn bản 1316/SXD-TTr (ngày 18/2/2020) đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng xác định, nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm TTXD kéo dài do việc phát hiện vi phạm không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ của không ít cán bộ cơ sở, trách nhiệm này thuộc về chính quyền các cấp của TP. 

Ðã có khoảng 100 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra xây dựng bị xử lý vì để xảy ra vi phạm. Do vậy, cần nhìn nhận lại một cách thấu đáo để giải quyết vấn đề được tốt hơn.