05/11/2024 | 10:42 GMT+7, Hà Nội

Làng hoa Đồng Dụ, Hải Phòng: Cho mùa xuân thêm hương sắc

Cập nhật lúc: 08/02/2019, 11:00

Cùng quá trình đô thị hóa, đất trồng hoa đã dần bị thu hẹp, không ít làng nghề trồng hoa biến mất, lùi vào dĩ vãng. Tuy nhiên, nhờ có sự nhanh nhạy chuyển đổi hướng sản xuất, kinh doanh, người Đồng Dụ vẫn giữ và sống được bằng cái nghề mà cha ông để lại.

Không những thế, họ còn phát triển thêm nhiều loài hoa khác, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa làm cho mùa xuân thêm hương sắc.

Hoa nở đất cằn

Từ lâu, làng Đồng Dụ (xã Đặng Cương, huyện An Dương) đã được coi là một trong những vựa hoa lớn nhất thành phố Hải Phòng. Thế nên, cứ đến những ngày cuối năm, thương lái từ khắp các tỉnh thành lân cận như Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, thậm chí từ miền Nam.. lại đổ về Đồng Dụ. Tiếng cười, nói tấp nập của kẻ mua, người bán tạo ra một khung cảnh hết sức nhộn nhịp vào những ngày giáp Tết. Khắp các vườn đào, quất, hải đường, người dân ở đây đang tất bật chăm bón, tỉa cành, tuốt lá cho cây, đón chào những sản phẩm hoàn hảo mới, sẵn sàng đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết của nhân dân. Làng trên xóm dưới, đi đâu người ta cũng chỉ cười nói với nhau về nắng, về gió, về khí lạnh, khí ấm, về ngày, về tháng và về những kinh nghiệm trồng hoa lâu năm của ông bà truyền lại. Vẻ mặt ai cũng thấp thoáng những nét âu lo nhưng không giấu được niềm tự hào khi nghĩ đến cái ngày nụ khởi hoa bung. Không khí trong làng trở nên ấm cúng, thân thiện khác thường.

Loài hoa được trồng lâu năm nhất ở Đồng Dụ là hải đường, một loài cây thân gỗ sống lâu năm, thường ra hoa rộ từ đầu tháng Chạp đến hết tháng Giêng âm lịch. Theo phong thủy, đây là loài hoa mang ý nghĩa tượng trưng cho giàu sang, phú quý vì hoa nở đúng vào dịp Tết nên nó còn tượng trưng cho sự làm ăn may mắn, tấn tới. Ngoài ra, hoa hải đường cũng tượng trưng cho anh em hòa hợp, cuộc sống vui vầy, tình bạn keo sơn. Đặc biệt, hoa rất lâu tàn, ngay cả khi cắt cành cắm vào bình, lọ để chơi xuân hàng tháng vẫn chưa phai sắc.

Hơn nữa, từ nhiều năm qua, hải đường của Đồng Dụ cũng nổi tiếng trong giới chơi hoa. Vì hoa trồng ở đây có vẻ đẹp riêng biệt và những đặc tính quý mà không hải đường nơi nào sánh kịp. Đó là bông hoa to, đỏ thắm với cánh hoa lớn, dày và mịn màng ôm lấy nhị hoa vàng óng. Lá xanh đậm, to bản và dày hơn hải đường nơi khác. Cành nhiều và khỏe, phủ kín quanh thân cây từ gốc đến ngọn.

Làng hoa Đồng Dụ, Hải Phòng: Cho mùa xuân thêm hương sắc

Đào ở Đồng Dụ phần lớn gốc đều to, xù xì, hoa dày, cành mẫm

Chính vì thế nên có những thời điểm thương lái Trung Quốc đổ xô về Đồng Dụ để lùng mua những cây hải đường cổ thụ. Có những cây lên đến hàng trăm triệu đồng. Không ít gia đình đã bán đi gần hết cả vườn, chỉ để lại những cây 20-30 tuổi. Nhưng cũng có rất nhiều gia đình nhất định không bán, dù thương lái trả bất cứ giá nào, như gia đình ông Nguyễn Sinh Súy. Bởi theo ông đó là di sản quý của ông bà để lại và để nhắc nhở cháu con về truyền thống của gia đình, quê hương. Đồng Dụ có cuộc sống ấm no hôm nay là nhờ cây hoa hải đường. Những cây hải đường lâu năm thường cho giống tốt, giữ lại cây cổ thụ cũng là để bảo tồn nguồn gen quý.

Theo một số chủ vườn hoa lâu năm ở Đồng Dụ thì một cây hoa hải đường đẹp, trước hết phải có nhiều lộc non. Đây là tiêu chí hàng đầu của những người chọn mua cây, với hy vọng rước “lộc” về nhà trong dịp năm mới. Cây đẹp còn phải có nhiều nụ, nhiều hoa, lá xanh mướt, nhiều cành kín thân. Để có được một cây hải đường đẹp có giá từ vài triệu lên đến đến hàng chục triệu đồng, người trồng phải bỏ ra rất nhiều công sức trong nhiều năm trời, bởi hải đường là giống cây trồng hết sức khó tính.

Làng hoa Đồng Dụ, Hải Phòng: Cho mùa xuân thêm hương sắc

Ông Bùi Xuân Khải (bên phải), Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Dương, trao đổi với PV

“Hải đường có thể nói là một trong những loài hoa khó trồng và cần chăm sóc hết sức tỉ mỉ. Để hoa có cánh to, đỏ thẫm, lộc như búp chè thì đòi hỏi chăm sóc rất kỳ công. Từ tưới tắm cho đến cắt cành, tỉa lá. Đất trồng hải đường phải được phơi khô, đào xới nhiều lần, đảm bảo dinh dưỡng. Tốt nhất là dùng đất ở ruộng lúa hoặc cũng có thể dùng bùn phù sa trộn với rơm sạch, cứ 60% bùn phù sa trộn với 40% rơm, trộn thật dẻo, dùng hỗn hợp này để trồng cây”, ông Phạm Văn Đang, một chủ vườn hoa lâu năm ở Đồng Dụ chia sẻ.

Cũng theo ông Đang thì hải đường từ lúc trồng đến khi cây cao 0,8m đến 1m, cứ một tháng cho bón phân một lần. Dùng nước ốc ngâm hay nước bể phốt, pha loãng với 3 đến 4 phần nước lã tưới đều. 18 tháng sau thì có hoa, và sau 2 năm, hải đường sẽ đem bán được. Cây to phải sau 3 - 4 năm mới có nhiều hoa đẹp. Nếu phát hiện những cành tăm, cành khuất tán, cành bị nhiễm sâu bệnh, nhất định phải tỉa bỏ để tập trung nhựa sống nuôi các cành chủ…

Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống

Trong khoảng chục trở lại đây, để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, ngoài hải đường, người Đồng Dụ bắt đầu đầu tư trồng thêm những loài hoa khác như hồng cổ hay là đào thế. Khác với đào đến từ những làng nghề có truyền thống lâu năm như Nhật Tân, Yên Thế hay Xuân Du, đào Đồng Dụ hầu như toàn bộ đều là những cây đào cổ, thân bự cành to. Những gốc đào này đều được người dân mua về từ Mộc Châu (Sơn La) hay Lào Cai, Yên Bái, sau đó mang về ghép mắt. Qua nhiều công đoạn kỹ thuật, họ đã tạo ra một giống hoa đào khác lạ, cánh dầy và tươi sắc bền lâu.

Nhưng để có được thành quả đó, không hẳn là người dân Đồng Dụ không phải trả giá. Bởi vạn sự khởi đầu nan, thật khó để kể hết những khó khăn, thử thách mà họ đã phải vượt qua. Do thiếu hiểu biết và kinh nghiệm, thất bại ban đầu cũng là điều dễ hiểu. Chỉ cần ghép hay chăm sóc sai kỹ thuật, quy trình, cả năm hỳ hụi của người nông dân cuối cùng cũng đổ xuống sông, xuống biển. Bởi để có một cây đào cho cành ngắn, mập, hoa lại dày chưa bao giờ là điều đơn giản.

Ông Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Dương: “Ngoài các thương hiệu làng nghề hoa, cây cảnh được thành phố công nhận là Đồng Dụ và Tri Hiếu tại xã Đặng Cương, Kiều Trung xã Hồng Thái, Minh Kha xã Đồng Thái, An Dương sẽ có thêm nhiều làng nghề nữa được xây dựng trong thời gian tới. Hiện huyện đã có quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung, nhân rộng vùng sản xuất hoa, cây cảnh sang các xã lân cận như Hồng Thái, Đồng Thái, Lê Lợi, Quốc Tuấn...”.