19/01/2025 | 13:34 GMT+7, Hà Nội

Lan tỏa tinh thần xung kích trong "cơn bão" Covid-19

Cập nhật lúc: 12/08/2020, 15:27

Đại dịch Covid-19 xâm nhập Việt Nam, nhiều bệnh viện ở Hà Nội trở thành ổ dịch hoặc tuyến đầu chống dịch. Ở “điểm nóng” nhất là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một số nhân viên dọn vệ sinh, bảo vệ…

Đại dịch Covid-19 xâm nhập Việt Nam, nhiều bệnh viện ở Hà Nội trở thành ổ dịch hoặc tuyến đầu chống dịch. Ở “điểm nóng” nhất là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một số nhân viên dọn vệ sinh, bảo vệ… vì sợ mà xin nghỉ việc trong khi nhiều y bác sĩ của bệnh viện khi về nơi cư trú bị hàng xóm xa lánh, kỳ thị.

Đối mặt với tất cả những hiểm nguy, gian nan đó, ngoài tinh thần trách nhiệm với nghề, lương tâm đạo đức người thầy thuốc, mỗi cán bộ, nhân viên y tế rất cần bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần tiền phong, gương mẫu, dấn thân, không ngại gian khổ của người đảng viên. 

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị, thăm khám cho bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 (Ảnh: Tuấn Mark)

“Đừng gọi chúng tôi là người hùng”

Giữa tháng 5-2020, khi đợt dịch Covid-19 thứ nhất cơ bản được kiểm soát, nơi tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19 nhiều nhất cả nước là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025. Báo cáo chính trị trình Đại hội chỉ nêu khá vắn tắt: “Trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn thể đảng viên trong Đảng bộ Bệnh viện đã cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao trong công tác xây dựng đảng, công tác lãnh đạo chính quyền và đoàn thể nhằm hoàn thành tốt 7 chức năng, nhiệm vụ…”.

Đặc biệt, dù là tuyến đầu về điều trị Covid-19 của cả nước, cũng là một trong những thành trì quan trọng bậc nhất ở đợt dịch này, nhưng phần báo cáo thành tích chống dịch của Đảng bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chỉ tóm lược khiêm tốn: “Cuối năm 2019 đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên thế giới. Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện đã quyết liệt chỉ đạo chủ động lập khu cách ly, thu dung điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện; Chủ trì xây dựng phác đồ chăm sóc, điều trị trình Bộ Y tế ban hành, áp dụng trong toàn quốc; Cử cán bộ y tế tham gia đoàn đón công dân Việt Nam tại vùng dịch về nước, tổ chức cách ly, theo dõi, chăm sóc đảm bảo an toàn, được Bộ Y tế và cộng đồng đánh giá rất cao...”.

Lúc này nhìn lại, nhiều y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được nhân dân tôn vinh như những “người hùng chống dịch Covid-19”. Người ta cũng nhớ nhiều đến câu chuyện cảm động về sự dấn thân, hy sinh của những y bác sĩ hàng tháng trời lấy bệnh viện làm nhà dù bản thân có con nhỏ. Thậm chí, có cặp vợ chồng trẻ làm cùng bệnh viện, ở 2 khoa cạnh nhau mà cả tháng chỉ được nhìn nhau ít phút mỗi ngày qua cửa kính của khoa phòng cách ly… 

Tất nhiên, khi nhắc đến nhân viên y tế, người ta thường nghĩ ngay đến chức trách, nhiệm vụ của họ là làm nhiệm vụ cứu người bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thậm chí cho rằng sự hy sinh đó là công việc mà họ đã lựa chọn và phải chấp nhận. Thế nhưng, thực tế, tinh thần dấn thân vì người bệnh của mỗi nhân viên y tế được hun đúc từ khi còn học trong các trường y, được giáo dục thường xuyên qua các bài học về đạo đức nghề nghiệp - một nghề cao quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò “Lương y như từ mẫu”.

Và một vế quan trọng nữa, những y bác sĩ tham gia chống dịch cũng là đảng viên, cán bộ, viên chức trong một bộ máy Nhà nước. Họ làm việc, dấn thân vì trách nhiệm, vì sự an toàn của người bệnh, chứ không phải để mong được gọi là những “người hùng”.

Một trong những bác sĩ được nhắc tới nhiều nhất trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp. Ông vừa được Bộ Y tế bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện vào ngày 27-7.

Khi dịch Covid-19 bùng phát vào đúng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, lúc đó là Trưởng khoa Cấp cứu, Đảng ủy viên, Chủ tịch Công đoàn của bệnh viện đã phát huy tinh thần tiền phong gương mẫu, xung phong ở lại “cắm chốt” tại bệnh viện ở cơ sở 2 tại Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Hơn 1 tháng sau đó, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp không một lần được về nhà, chỉ có 1-2 lần ông bước chân ra khỏi cổng bệnh viện, khi được Bộ Y tế triệu tập đến báo cáo tình hình.

“Khi tiếp xúc, thăm khám trực tiếp cho người bệnh như vậy, bản thân ông có lo lắng bị lây bệnh hay không?”. “Đương nhiên là lo chứ, làm gì có ai mà không lo” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp trả lời câu hỏi của phóng viên một cách hết sức thẳng thắn. Song, nhiều năm công tác ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, ông đã quá quen với điều kiện làm việc như vậy.

Còn với các đồng nghiệp trẻ, đây thực sự là một thử thách không hề dễ dàng. Thời gian đầu khi dịch bùng phát, nhiều người tỏ ra hoảng loạn quá mức. Nỗi lo sợ ấy còn được những kẻ bất lương thổi bùng lên bằng cách đơm đặt, tung tin giả trên mạng xã hội, tạo thêm gánh nặng cho đội ngũ y, bác sĩ đang chiến đấu ở tuyến đầu. 

“Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa thường xuyên kiểm tra, nắm tâm tư nguyện vọng của nhân viên để động viên kịp thời, giải tỏa những áp lực cho họ. Nhờ thế, đội ngũ nhân viên y tế của chúng tôi vẫn kiên cường ở tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, một số nhân viên dọn vệ sinh, bảo vệ bệnh viện thì có sự dao động. Một vài người đã nghỉ việc khiến cán bộ y tế phải kiêm luôn việc dọn dẹp, trong khi nhiệm vụ chuyên môn chồng chất” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp kể lại.

Nêu cao trách nhiệm người Đảng viên

Tại Hà Nội, Bệnh viện dã chiến Mê Linh được xây dựng rất nhanh để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh mà bệnh viện dã chiến này sau khi khánh thành chưa từng đi vào hoạt động.

Trong số 130 nhân sự y tế dự kiến được huy động đến Bệnh viện dã chiến Mê Linh làm nhiệm vụ, ngoài nhân sự quản lý và các chuyên gia từ tuyến thành phố cử về, có hơn 90 y bác sĩ được huy động từ Bệnh viện Đa khoa Mê Linh - một bệnh viện tuyến huyện tầm trung và cũng đang phải căng sức, cắt cử cán bộ tham gia “trực chiến” tại tâm dịch thôn Hạ Lôi, lúc đó đang là ổ dịch “nóng” nhất Thủ đô.

Dẫu rất khó khăn vì nhân lực có hạn, chỉ trong một thời gian ngắn, Bệnh viện Đa khoa Mê Linh đã bố trí đủ danh sách 90 nhân viên y tế cử đi tập huấn để sẵn sàng vào Bệnh viện dã chiến nhận nhiệm vụ mới. Con số báo cáo lên huyện, Sở Y tế và thành phố rất tích cực. Song để bố trí được nhân sự như vậy không đơn giản. Ở một bệnh viện tuyến huyện, tỷ lệ bác sĩ không cao, những nhân viên y tế thu nhập còn thấp, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế, nhất là việc phải đối mặt trực tiếp với một đại dịch nguy hiểm toàn cầu như Covid-19, tâm lý hoang mang là khó tránh khỏi. 

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mê Linh Đỗ Viết Tuyến chia sẻ, lúc đó, vai trò của Đảng ủy, Ban Giám đốc, các tổ chức đoàn thể của bệnh viện, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên cần được phát huy cao nhất. 

Đảng ủy bệnh viện đã họp để quán triệt tới toàn bộ gần 70 đảng viên, từ các lãnh đạo khoa phòng tới y bác sĩ, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và lan tỏa đến các nhân viên y tế còn lại. Bản thân bác sĩ Đỗ Viết Tuyến là Giám đốc bệnh viện cũng trực tiếp vào tâm dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh mổ cấp cứu thành công 2 bệnh nhân nguy kịch. Cả 2 ca mổ đều diễn ra thâu đêm... Cứ thế, từ đảng viên đến nhân viên hợp đồng đều sẵn sàng tình nguyện vào “điểm nóng” để cứu chữa bệnh nhân, có những khoa, phòng chỉ có 8 người thì 7 người xung phong. 

“Tại thời điểm huy động nhân sự vào Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, cán bộ nhân viên trong diện được huy động đều thể hiện tinh thần tự nguyện rất cao, dù biết vào đây là phải vất vả, đối mặt với nhiều rủi ro. Điều này một lần nữa cho thấy, giữa tâm dịch, tinh thần y đức lại sáng ngời, trách nhiệm người cán bộ, đảng viên, viên chức được nêu cao” - bác sĩ Đỗ Viết Tuyến tự hào kể lại. 

Nhắc đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 những tháng đầu năm 2020, đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bên cạnh chuyên môn, trong công tác sinh hoạt Đảng, Đảng bộ bệnh viện thường xuyên tổ chức các buổi học tập chuyên đề, lồng ghép việc quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của các cấp ủy đảng tới cán bộ nhân viên, người lao động.

Đặc biệt, Đảng bộ bệnh viện khóa II đã tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. “Học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Đảng bộ bệnh viện đã có nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều bác sĩ, điều dưỡng, khoa phòng nhận được sự khen ngợi của bệnh nhân…” - đồng chí Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Bài 5: Càng “nước sôi, lửa bỏng”, vai trò người Đảng viên càng phải mạnh mẽ