18/01/2025 | 20:09 GMT+7, Hà Nội

Lan tỏa niềm vui trong ngày đầu nhận hỗ trợ

Cập nhật lúc: 01/05/2020, 20:31

Ngày 30-4, nhiều người dân thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Thủ đô phấn khởi đón nhận số tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng...

Ngày 30-4, nhiều người dân thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Thủ đô phấn khởi đón nhận số tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cùng với niềm vui lan tỏa trong ngày đầu nhận hỗ trợ, nhiều người thụ hưởng còn cảm động trước tinh thần nghiêm túc, khẩn trương của hàng nghìn cán bộ đã không quản ngày nghỉ lễ để đưa nguồn hỗ trợ đến sớm nhất cho họ...

Ngày 30-4, nhiều người dân thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Thủ đô phấn khởi đón nhận số tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cùng với niềm vui lan tỏa trong ngày đầu nhận hỗ trợ, nhiều người thụ hưởng còn cảm động trước tinh thần nghiêm túc, khẩn trương của hàng nghìn cán bộ đã không quản ngày nghỉ lễ để đưa nguồn hỗ trợ đến sớm nhất cho họ...

Cán bộ UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa) chi trả tiền hỗ trợ tại nhà cho một thương binh trên địa bàn trong ngày 30-4. Ảnh: Quang Thái

Trợ giúp kịp thời

8h sáng 30-4, đông đảo người dân Thủ đô cầm trên tay cuốn sổ màu đỏ (sổ lĩnh tiền ưu đãi hằng tháng) và cuốn sổ màu xanh (sổ hộ nghèo, cận nghèo) đến nhà văn hóa, nhà hội họp ở các khu dân cư, tổ dân phố để nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội dành cho những người bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19. Tại các địa điểm chi trả, người dân được hướng dẫn đặt sổ theo thứ tự, ngồi cách nhau tối thiểu từ 1 đến 2m chờ đến lượt lĩnh tiền. Trước khi ký tên, nhận tiền, ai nấy đều tự giác sát khuẩn tay, đeo khẩu trang đúng quy định.

Lắng nghe những câu chuyện chung, chuyện riêng được chia sẻ nhanh của những người thụ hưởng, phóng viên Báo Hànộimới càng hiểu rõ hơn những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của họ hoặc đó là những gia đình có công với đất nước. Tại Nhà văn hóa tổ dân phố 5, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), cụ Nguyễn Thị Bớt (89 tuổi) là mẹ liệt sĩ xúc động chia sẻ: “Trong cuộc sống, gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ là món quà tri ân đặc biệt nhất, đáng nhớ nhất, bởi chính sách này đến với người dân trong giai đoạn rất khó khăn”.

Tại điểm chi tiền hỗ trợ số 55 Đốc Ngữ (quận Ba Đình), bà Trương Thị Hảo, tổ dân phố 3D, phường Liễu Giai rưng rưng nước mắt khi đón nhận 4 triệu đồng tiền mặt và một số đồ dùng sinh hoạt thiết yếu do các cơ quan chức năng trao tặng. Bà Trương Thị Hảo cho biết, hai vợ chồng bà đã ngoài 70 tuổi, nhưng hằng ngày vẫn phải đi bán hàng rong nuôi hai người con không may bị khuyết tật. Trong thời điểm có dịch Covid-19, hai vợ chồng bà phải nghỉ bán hàng, khiến cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn, nay lại càng thiếu thốn. “Mặc dù vậy, chúng tôi chưa từng phải thiếu ăn, thiếu mặc bởi luôn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội. Hôm nay, ngoài kinh phí hỗ trợ 3 triệu đồng dành cho 2 người con khuyết tật, gia đình tôi còn được quận Ba Đình hỗ trợ thêm 1 triệu đồng và nhiều phần quà”.

Là đối tượng thuộc hộ cận nghèo, chị Nguyễn Thị Thuận, thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) bày tỏ: “Số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng được nhận hôm nay là phao cứu sinh của hai mẹ con tôi. Tôi sẽ dùng tiền hỗ trợ để mua lương thực, thực phẩm…”.

Thực thi nghiêm túc, quyết liệt

Để các nguồn lực trợ giúp đến với đối tượng thụ hưởng chỉ sau ít giờ UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1757/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của thành phố, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương đã vào cuộc thực thi chính sách với trách nhiệm cao nhất.

Ngay từ chiều 29-4, hầu hết quận, huyện đã tạm ứng từ các nguồn tài chính hợp pháp trong ngân sách để chi trả cho người thụ hưởng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương, ngay sau khi thành phố ban hành Quyết định số 1757/QĐ-UBND, huyện đã có quyết định phân bổ nguồn kinh phí hơn 18 tỷ đồng cho các xã, thị trấn trên địa bàn để hỗ trợ cho hơn 14.600 đối tượng thụ hưởng; đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai cho đúng và trúng”.

Các cơ quan, đơn vị chức năng cũng đã bố trí lực lượng cán bộ đi làm cả ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, bảo đảm việc chi trả diễn ra liên tục từ nay đến khi các đối tượng nhận đủ tiền hỗ trợ. Dù khó khăn, vất vả, nhưng ai nấy đều được an ủi khi nhìn những người thụ hưởng vui với phần hỗ trợ vừa nhận. Chị Nguyễn Thị Hạnh, công chức văn hóa - xã hội của UBND phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Chứng kiến các đối tượng đón nhận tiền hỗ trợ trong niềm xúc động, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để phục vụ bà con”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của các cấp, các ngành, đến cuối ngày 30-4, 23/30 quận, huyện, thị xã đã tiến hành chi tiền hỗ trợ cho các đối tượng. Toàn thành phố có khoảng gần 300.000 người đã nhận tiền hỗ trợ, bằng hơn 60% tổng số đối tượng có tên trong danh sách nhận hỗ trợ đợt 1. Một số địa phương cơ bản hoàn thành việc chi trả là các quận: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Tây Hồ… Với tiến độ này, các địa phương đã bố trí được nguồn kinh phí sẽ cơ bản hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ trong ngày hôm nay, 1-5. Các địa phương chưa triển khai là các quận, huyện, thị xã: Hà Đông, Đông Anh, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Sơn Tây do chưa kịp rút tiền từ kho bạc về trong chiều 29-4, nên việc chi trả sẽ thực hiện vào đầu tuần tới.

Nhằm giám sát hoạt động chi trả, ngày 30-4, các đoàn kiểm tra do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và các sở, ngành chức năng thành lập đã kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương. Kết quả cho thấy, công tác chi trả trong ngày đầu tiên bảo đảm an toàn về nguồn tiền, đúng người, đúng đối tượng; tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.