19/01/2025 | 10:25 GMT+7, Hà Nội

Làm thế nào để gói hỗ trợ tín dụng kịp thời tiếp cận doanh nghiệp?

Cập nhật lúc: 17/04/2020, 07:20

Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 rất cần vốn trong giai đoạn này nhưng thực tế gói hỗ trợ các ngân hàng tung ra dường như khó có thể tới tay họ. Vậy nguyên nhân do đâu và giải pháp nào là phù hợp?

Khi doanh nghiệp cần vốn để duy trì hoạt động

Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với các doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2020 cho thấy tác động của đại dịch tới hoạt động sản xuất kinh doanh là rất nghiêm trọng.

Cụ thể, có tới gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm.

Còn theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm và 80% doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Doanh nghiệp đang tự cứu lấy mình, nhưng để vượt qua giai đoạn khủng hoảng họ cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các ngân hàng để duy trì hoạt động

Như vậy có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ những đơn vị làm ăn phát triển, có khả năng trả nợ tới doanh nghiệp bị thua lỗ từ trước đó.

Khi chúng tôi trao đổi với một số doanh nghiệp, điều họ lo nhất là hiện nay là việc kinh doanh đình trệ, không có doanh thu hoặc doanh thu bị sụt giảm gần hết nhưng vẫn phải trả các khoản chi phí cho hoạt động trả lương, lãi vay, phí thuê mặt bằng…

Đại diện của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Long (Hà Nội), anh Hoàng Cao Phong chia sẻ, từ trước tới nay, doanh nghiệp không phải là đơn vị vay lãi của ngân hàng nhiều, không thuộc nhóm nợ xấu, hoạt động kinh doanh bình thường nhưng do dịch nên mọi hoạt động xây dựng bị dừng lại. 

“Trong khi, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa rõ đến khi nào thì mới ổn định để kinh doanh trở lại, nên tôi lo lắng chỉ cầm cự được trong thời gian ngắn nữa, nhiều nhân viên sẽ phải cho nghỉ việc. Tôi rất thương họ, nhưng công ty cũng không còn tiền để chi trả”, anh Phong chia sẻ.

Cũng giống anh Phong, anh Nguyễn Cao Cường – giám đốc Công ty CT Group, một doanh nghiệp du lịch đang đau đầu vì sắp phải đóng cửa công ty do mọi nguồn thu đều bị cắt từ khi xảy ra dịch.

“Doanh nghiệp của chúng tôi mới thành lập được 3 năm nay, doanh thu chưa lớn nhưng vẫn phát triển bình thường. Mọi người cũng biết ngành này đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, trong khi, công ty vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng và lương nhân viên, mỗi tháng lên tới 100 triệu đồng. Chưa kể, chủ cho thuê văn phòng còn yêu cầu đóng tiền 12 tháng thì mới cho giảm một tháng. Tôi bị áp lực suốt gần 3 tháng nay không thể ngủ nổi”, anh Cường nói.

Như vậy, về bản chất, nhiều doanh nghiệp hiện nay không phải là những đơn vị kinh doanh bị thua lỗ, họ chỉ bị giảm hoặc mất doanh thu do ảnh hưởng bởi dịch, nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, vận tải, bất động sản... Khi dịch bệnh được khống chế, hoạt động trở lại bình thường thì mọi nguồn thu sẽ như cũ. Đây cũng là nhóm cần được hỗ trợ cần thiết nhất hiện nay từ phía ngân hàng và Chính phủ.

Họ vay để trả khoản nợ kinh doanh hiện hữu, duy trì tình trạng hoạt động hàng ngày, hàng tháng, cầm cự đến khi hết dịch sẽ lại tái đầu tư, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, bán hàng… thu lại lợi nhuận.

Chưa kể, chi phí trả lương, mặt bằng, thuế, tiền lãi ngân hàng mà doanh nghiệp đang cần ngay lúc này đều là những chi phí thấp hơn chi phí đầu tư nên họ cần được tiếp cận với gói vay với lãi xuất thấp.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, với tình hình sản xuất kinh doanh xấu như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ không đầu tư, vì thời điểm hiện tại mọi hoạt động đều đã co cụm hết nên những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đều có nhu cầu được cứu trợ bằng khoản vay duy trì chứ không phải đầu tư.

Thời điểm 5 - 6 tháng tới chắc chắn sẽ là khoảng thời gian vàng để chúng ta có thể tiếp sức và giải cứu cho doanh nghiệp nhằm cứu lấy nền kinh tế, tránh mọi hậu quả xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay.

Mặc dù, tính chất cần vốn trong giai đoạn này của doanh nghiệp là như vậy, nhưng thực tế  gói hỗ trợ các ngân hàng tung ra dường như khó có thể tới tay doanh nghiệp. Vậy nguyên nhân do đâu?

Nhưng ngân hàng “gồng mình” vẫn không tới

Tại Chỉ thị 11/CT-TTg ban hành ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng đăng ký các gói hỗ trợ tín dụng nhằm cứu doanh nghiệp. Hưởng ứng lời kêu gọi, các “anh lớn” cùng các ngân hàng khác đã cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%), tức tăng 163.900 tỷ đồng. Như vậy, khoảng chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 108.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%), tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), tương đương giải ngân thêm khoản 55.700 tỷ đồng ra nền kinh tế.

Như vậy, lượng tiền dôi ra trong hệ thống ngân hàng còn rất lớn, trong khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế lại rất thấp. Theo giới chuyên gia, tiền thừa không cho vay được, ngân hàng Nhà nước không hút về lại còn yêu cầu không chia cổ tức bằng tiền mặt để tối đa nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nên hành động giảm lãi suất để hưởng ứng của các ngân hàng có nhiều hàm ý.

Như vậy, các ngân hàng đang phải "gồng mình" giảm chi tiêu, giảm lợi nhuận theo lời kêu gọi của Chính phủ, thực hiện đúng theo đăng ký với ngân hàng Nhà nước, tung ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng không nhiều doanh nghiệp muốn vay bởi khó tiếp cận.

Lý giải vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cho đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa đưa ra được một gói hỗ trợ nào cho nền kinh tế ngoài 62.000 tỷ ở trong gói 285.000 tỷ mà Chính phủ nói cách đây 1 tháng. Trong 285.000 tỷ thì có tới 250 nghìn tỷ là của các ngân hàng thương mại họ tự cân đối vốn để hỗ trợ nền kinh tế và không có số tiền nào của Chính Phủ trong đó, chỉ có 62.000 tỷ là chính sách tài khóa bên Bộ Tài chính. Trong khi, gói đó quá nhỏ bé để có thể để cứu vãn được những ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh gây ra.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu

Trong khi, gói 250.000 tỷ vẫn là chủ chương là chính vì nó tuỳ thuộc vào mỗi ngân hàng.

Cũng theo vị chuyên gia này, vay vốn là cả một vấn đề vô cùng khó khăn đối với doanh nghiệp, vì những đơn vị nào vẫn còn tồn tại được thì họ không vay. Nguyên nhân là do tình hình sản xuất kinh doanh đang xấu thì doanh nghiệp sẽ không đầu tư, họ chỉ vay khi nào phát triển kinh doanh, nâng cấp hạ tầng cơ sở hoặc mở rộng về mặt địa lý, sản phẩm… trong khi thời điểm hiện tại đều đã co cụm hết. Những doanh nghiệp đã gặp khó khăn thì họ mới cần vay nhưng những đơn vị này ngân hàng lại rất sợ, vì cho vay mà không trả được nợ thì thành nợ xấu. Cho nên, những doanh nghiệp này không thể trông chờ được vào gói hỗ trợ từ các "anh lớn". 

"Về bản chất, 250.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ tự nguyện của các ngân hàng, không phải tiền của Chính phủ hay ngân hàng Nhà nước. Nếu dựa vào sự tự nguyện của các đơn vị đó để giúp các doanh nghiệp thì họ chỉ giúp các doanh nghiệp có khả năng trả nợ mà thôi”, ông Hiếu nói.

Do đó, trên nguyên tắc, gói cứu trợ này là tốt, có tác động tích cực, nhưng không đủ, vì rất nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được, nhất là những doanh nghiệp đã phá sản hoặc đang gặp khó khăn rất khó để được hỗ trợ tích cực.

Giải pháp phù hợp

Để giải quyết vấn đề vướng mắc này, chuyên gia Trí Hiếu đưa ra đề xuất, Chính phủ cần một gói nhằm vào hai đối tượng. Thứ nhất là các doanh nghiệp khó khăn hiện tại, bơm tiền cho họ để các doanh nghiệp này thanh khoản, duy trì sự sống.

Do dịch bệnh nên doanh nghiệp không có doanh thu, trong khi, hàng ngày họ vẫn phải trả tiền lương công nhân, chi phí thuê mặt bằng, duy trì hoạt động trong cơ xưởng… chưa kể trả nợ cho ngân hàng, trả thuế. Tất cả những chi phí đó đang đè nặng lên vai của doanh nghiệp. Nếu không được bơm tiền thì doanh nghiệp sẽ bị phá sản ngay. Do đó, Chính Phủ cần nguồn tiền mặt để hỗ trợ ngay cho các đơn vị này.

Bên cạnh đó, đối tượng thứ 2 là người lao động. Chính phủ đã có những động thái để thực hiện vấn đề này. Đây là một tín hiệu mừng cho chúng ta.

“Những khó khăn của doanh nghiệp sẽ càng thấy rõ trong những ngày tới nếu Chính phủ không hỗ trợ, ngân hàng không buông bỏ bớt lợi ích”, ông Hiếu nhận định.