19/01/2025 | 12:03 GMT+7, Hà Nội

Làm sao để bố trí bếp theo âm dương ngũ hành?

Cập nhật lúc: 05/03/2021, 07:30

Theo phong thủy, bếp chủ về tài lộc và sức khỏe. Trong việc bố trí bếp cần phải theo đúng âm dương, ngũ hành và điều quan trọng là không được để bếp bị thủy khắc.

Nếu bố trí trong phòng bếp hợp cách sẽ giúp cho gia chủ không những phát về tài lộc mà còn tốt cho sức khỏe và duy trì hạnh phúc trong gia đình. Ngược lại, bố trí bếp không hợp cách, gia chủ không những gặp khó khăn về tiền bạc mà sức khỏe của mọi người, nhất là người nữ trong nhà sẽ bị ảnh hưởng.

Cùng với điều quan trọng là chọn hướng bếp như ở kỳ trước chúng tôi đã trình bày thì một điều không kém phần quan trọng là gia chủ cũng cần bố trí bếp và các vật dụng trong nhà bếp sao cho khoa học, thuận tiện và hợp phong thủy theo nguyên lý âm dương, ngũ hành.

Nguyên tắc đầu tiên cần chú ý là quy luật tương sinh, tương khắc trong ngũ hành. Quy luật tương sinh là: Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy… Quy luật tương khắc là: Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa… Bếp lò (cũng như bếp dầu, bếp điện, bếp từ… để đun nấu) nói riêng và nhà bếp nói chung là nơi nhen nhóm, duy trì ngọn lửa; vì vậy nó mang hành Hỏa và thuộc Dương. Theo ngũ hành thì Thủy khắc Hỏa, vì vậy cần chú ý đến vị trí đặt bếp cũng như các vật dụng khác thuộc Thủy để tránh cho bếp đun không bị Thủy khắc.

Cụ thể, không được để bếp đun đối diện với chậu rửa, máy giặt, tủ lạnh và những gì có nước hoặc thuộc về nước (hành Thủy) nói chung… Lý do: Vì chậu rửa và máy giặt chứa nước là hành Thủy, tủ lạnh vừa chứa nước vừa chứa khí lạnh nên nó là hành Thủy và thuộc Âm, như vậy Âm sẽ khắc Dương, Thủy khắc Hỏa làm hao tốn tiền bạc và có hại cho sức khỏe của người trong nhà.

Đặc biệt, càng không nên để bếp đun bị kẹt giữa hai bên là nước; chẳng hạn như bếp ở giữa, một bên là chậu rửa, bên kia là tủ lạnh hoặc máy giặt sẽ rất xấu. Cũng không nên để các vật này gần bếp đun, tốt nhất nên để càng xa càng tốt hoặc tối thiểu cũng phải cách nhau ít nhất 20 - 30cm.

Đồng thời, không nên treo bình nóng lạnh hay bình nước phía trên bếp. Nhìn rộng ra, nếu là nhà nhiều tầng thì tầng trên phía trên bếp không được bố trí là nhà tắm, vệ sinh hoặc để bể nước, bồn nước…

Cũng theo nguyên lý này, bếp đun nên tránh đặt trên rãnh nước, mương nước hay thậm chí là đường ống nước…

Thực ra, một số nguyên tắc trên của phong thủy vừa vận dụng cơ chế sinh khắc của ngũ hành, nhưng cũng có cơ sở khoa học cũng như thực tiễn cuộc sống.

Trong thực tế, nếu đặt bếp đun quá gần chậu rửa, trong khi đun bếp ta đồng thời sử dụng chậu rửa sẽ rất dễ làm cho nước bắn vào bếp. Như vậy không những ảnh hưởng đến việc đun nấu mà còn có thể gây mất an toàn. Chẳng hạn như nước bắn vào chảo dầu mỡ đang sôi sẽ làm dầu mỡ nóng bắn lên gây bỏng, đặc biệt là bắn vào mắt sẽ rất nguy hiểm, hoặc có thể bắt lửa gây hỏa hoạn.

Còn nếu đặt bếp quá gần và đối diện với tủ lạnh, bức xạ và nhiệt lượng của bếp đun tỏa ra sẽ ảnh hưởng đến việc làm lạnh của tủ, nhất là khi mở tủ để lấy thực phẩm, vừa làm tủ dễ hư, vừa gây tốn điện. Mặt khác, người đứng đun nấu mặt quay về bếp, lưng quay về tủ lạnh khiến cho cơ thể cùng lúc chịu ảnh hưởng của hai khối khí nóng lạnh chênh lệch rất lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể bị cảm lạnh, ít nhất cũng gây cảm giác khó chịu.

Còn nếu đặt máy giặt gần bếp cũng có thể làm nước bắn vào bếp đun, ảnh hưởng đến việc đun nấu như đã nói ở trên. Đồng thời mùi thức ăn có thể ám vào quần áo, hay dầu mỡ dây vào đồ giặt làm đồ bị dơ.

Việc đặt bếp trên rãnh nước, mương nước, đường ống nước… sẽ làm cho bếp luôn ẩm ướt, ảnh hưởng đến vệ sinh khu vực bếp. Đồng thời bếp ẩm thấp sẽ là môi trường cho vi khuẩn, côn trùng sinh sống và phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe và đến chính thực phẩm cũng như thức ăn khi đun nấu…