Lạm phát năm 2022 sẽ bị kìm ở mức thấp?
Cập nhật lúc: 04/01/2022, 13:30
Cập nhật lúc: 04/01/2022, 13:30
Vì sao chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84%
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,84% so với năm ngoái, đây là mức tăng bình quân thấp nhất trong 5 năm gần đây. Về cơ bản, lạm phát trong năm 2021 duy trì ở mức thấp, chỉ tăng 0,81% so với mức bình quân của năm ngoái.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho biết: Mặc dù chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi đại dịch COVID-19, thế nhưng, chỉ số CPI vẫn tăng là do một số nguồn nguyên liệu đầu vào tăng giá.
Đơn cử, như giá xăng dầu trong nước đã tăng 31,74% so với năm trước, giá gas tăng 25,89%, giá gạo tăng 5,79%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,03% so với năm trước.
Giá dịch vụ giáo dục tăng 1,87% so với năm trước là do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Ở chiều ngược lại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm cho sức mua yếu nên giá một số mặt hàng giảm như: Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,54% so với năm trước; giá lợn hơi cũng giảm.
Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giá vé máy bay giảm 21,15% so với năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,32%;
Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 như giảm, miễn giá điện cho các người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Lạm phát năm 2022 vẫn thấp
Về dự báo CPI năm 2022, PGS.TS Nguyễn Bá Minh cho rằng, đại dịch COVID-19 vẫn sẽ chi phối nền kinh tế Việt Nam, vì vậy, CPI bình quân năm 2022 có thể dao động tăng từ 2% - 3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh phân tích: Trên thế giới thời gian vừa qua hầu hết giá cả các loại hàng hóa đều đạt đỉnh trong nhiều năm trở lại đây và cũng đã tạo áp lực đối với hàng hóa Việt Nam, nhưng theo đánh giá áp lực không quá lớn.
“Vì sức cầu trong nước vẫn còn yếu, do thu nhập của người dân lao động bị giảm vì sự đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh. Vì vậy, dù giá có giảm nhưng người dân vẫn chưa có thể đi du lịch, cũng không đi ăn ở nhà hàng, khách sạn nhiều được do dịch bệnh phức tạp ở một số tỉnh thành; doanh số bán lẻ hàng hóa giảm”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, một số ý kiến quan ngại, sau đại dịch, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tính trạng lạm phát quy mô lớn.
Phủ nhận điều này, TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính dự báo: Nhiều khả năng, lạm phát sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp.
Thứ nhất, mặc dù kinh tế đang phục hồi, nhưng sản lượng của năm 2022 sẽ vẫn ở mức dưới tiềm năng. Nếu GDP trong năm 2022 chỉ tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đặt ra, hay thậm chí tăng 8-9% như một số dự báo, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của giai đoạn 2020-2022 chỉ ở mức 4-5%, thấp hơn khá nhiều so với mức 6% của giai đoạn 2011-2020.
Thứ hai, đà tăng của giá xăng dầu cũng như giá của các nguyên vật liệu sẽ chững lại trong năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế và các chuỗi cung ứng hàng hóa được bình thường hóa.
Hơn nữa, giá các hàng hóa cơ bản còn chịu tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ trong năm 2022. Ngoài ra, giá dầu thế giới còn chịu sự kiềm chế từ nguồn cung dầu đá phiến luôn sẵn sàng gia tăng.
Áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022, nếu có, sẽ đến từ việc giá thịt lợn hiện nay đang ở mức thấp và có thể tăng trong tương lai khi thu nhập và nhu cầu của người dân được cải thiện. Thêm vào đó, Chính phủ có thể sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng như điện, nước, và giá dịch vụ.
Với những phân tích ở trên, có thể nhận định rằng, về tổng thể, áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 không lớn và chỉ số CPI sẽ tiếp tục tăng chậm. Trên thực tế, tốc độ tăng của chỉ số CPI cho đến nay vẫn chưa phá vỡ xu hướng đi ngang kể từ năm 2016 đến nay.
Nếu giả định CPI trong năm 2022 sẽ tăng trung bình 0,24%/tháng, tương đương mức tăng trung bình của giai đoạn 2016-2021, thì lạm phát trung bình trong năm 2022 sẽ vào khoảng 1,8%.
“Tóm lại, với việc nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, đồng thời áp lực lạm phát chi phí đẩy từ giá cả các hàng hóa cơ bản trên thế giới chững lại, nhiều khả năng lạm phát trung bình tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ chỉ ở mức 1,8%”, ông Độ nói.
Nguồn: https://congluan.vn/lam-phat-nam-2022-se-bi-kim-o-muc-thap-post175706.html
13:54, 07/12/2021
14:39, 29/11/2021
06:30, 24/11/2021