22/11/2024 | 12:58 GMT+7, Hà Nội

Làm gì để nói không với “tín dụng đen”?

Cập nhật lúc: 11/03/2019, 16:30

Phát triển các loại hình cho vay hợp pháp là phương án hiệu quả nhất được các chuyên gia đề xuất để hạn chế “tín dụng đen”, thay vì tập trung vào việc xử lý hình thức vay này.

Lãi suất "cắt cổ"

Phạm Vân (21 tuổi, Phú Thọ), sinh viên một trường cao đẳng tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết cậu là khách quen của một tiệm cầm đồ cùng khu vực. Theo lời Vân, do là chỗ quen biết nên cậu mới được vay nóng với mức lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày. Với 3 triệu đồng vay, hết tháng Vân phải trả lại cho chủ tiệm số tiền tổng cộng 3,18 triệu đồng, gồm cả gốc và lãi.

"Tính ra mức lãi suất là cao nhưng vì không thể vay được chỗ nào khác nên vẫn phải ra tiệm cầm đồ vay thôi. Cuối tháng gia đình gửi tiền lên thì lại đắp vào để trả nợ”, Phạm Vân chia sẻ.

Thực tế, Phạm Vân không phải trường hợp hiếm phải chịu mức lãi suất cao khi tìm đến các khoản "tín dụng đen". Chủ một tiệm cầm độ trên đường Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: Mức lãi suất vay không thế chấp tại Hà Nội hiện phổ biến trong khoảng 5.000 - 7.000 đồng/triệu/ngày. Trong khi đó, nếu có tài sản thế chấp (cầm đồ) mức lãi suất cũng phải dao động từ 3-5.000đồng/triệu/ngày. Nếu so với lãi suất vay ngân hàng thì lãi suất "tín dụng đen" ở mức "cắt cổ".

Ảnh minh họa

"Vì sao tín dụng đen có đất sống?"

Ông Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, chỉ tính trong năm 2018, đã có tới 84 vụ giết người, 855 vụ cố ý thương tích, 1.309 vụ lừa đảo tài sản liên quan đến tín dụng đen...

Lý giải nguyên nhân khiến loại hình này vẫn tồn tại, ông Tám cho rằng có một phần do các gói tín dụng và thủ tục để người dân tiếp cận hệ thống ngân hàng chưa phổ biến nên nhiều người phải tìm đến “tín dụng đen”. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của dân cư và doanh nghiệp vừa và nhỏ để phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng lại rất lớn. Các đối tượng cho vay “tín dụng đen” lại đáp ứng việc giải ngân tiền rất nhanh, thủ tục đơn giản và không yêu cầu mục đích vay của người đi vay.

Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Công an, hiện lực lượng cảnh sát hình sự đang rà soát và quản lý 124 băng nhóm, với 831 đối tượng cầm đầu có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi và "bảo kê".

Ảnh minh họa

Làm gì để người cần tiền không phải tìm đến“tín dụng đen”?

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” như thời gian qua, cần quan tâm đặc biệt đến các kênh tín dụng chính thức từ ngân hàng cho tới các công ty tài chính và tổ chức tài chính vi mô.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, “tín dụng đen” dù có quy mô không quá lớn nhưng hệ lụy là lớn. Và việc phát triển cho vay tiêu dùng sẽ giúp hạn chế rất nhiều “tín dụng đen”.

Theo vị chuyên gia này, có cơ sở để phát triển thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, và giải pháp quan trọng hàng đầu là cần sự phối hợp giữa ngân hàng và các công ty tài chính, công ty công nghệ để tạo ra một hệ sinh thái giúp người dân vay vốn thuận lợi hơn.

Ông Lực cũng cho biết thêm: Hiện nay, cả nước có khoảng 16 công ty tài chính cùng với 11 công ty cho thuê tài chính. Nhưng chỉ có 4 - 5 công ty là có thị phần chi phối, còn lại khá là nhỏ và hoạt động chưa bền vững.

Thực tế, lãnh đạo một ngân hàng TMCP có kế hoạch tham gia thị trường tài chính tiêu dùng từng chia sẻ, việc phát triển tài chính tiêu dùng tại Việt Nam rất cần thiết và có nhiều dư địa.

“Dễ thấy nhất chính là việc chỉ vài năm gần đây, khá nhiều ngân hàng đã thành lập công ty và tham gia vào thị trường này”, vị này cho biết.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh vấn đề lãi suất với các khoản vay tiêu dùng hiện nay cũng đang được mang ra bàn tán, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng trần lãi suất cho vay tiêu dùng, sẽ khiến nhiều công ty e ngại tham gia thị trường.

Thêm nữa: “Nếu áp trần như vay thương mại thì các công ty sẽ không thể cho vay được bởi cho vay không đủ bù chi phí, không có lợi nhuận thì không thể kinh doanh được. Ngoài ra, nếu áp trần thì không ai dám cho vay với các hồ sơ dưới chuẩn, điều này lại giống với bài toán cho vay của ngân hàng”, vị lãnh đạo ngân hàng cho biết.

Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước:

NHNN khuyến khích các công ty tài chính tiêu dùng phát triển. Với chủ trương phát triển hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng, NHNN đã ban hành quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư 43/2016/TT-NHNN), nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen ở các địa bàn này. Đến nay, toàn hệ thống TCTD có 27 tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính) với dư nợ đạt trên 131 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay tiêu dùng đạt trên 90 nghìn tỷ đồng. NHNN đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế để tăng cường tín dụng tiêu dùng phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, vay vốn món nhỏ, thời gian ngắn.